Anh, em & thú cưng

,
Chia sẻ

Thấy vợ tốn quá nhiều thời gian cho con mèo, anh Sĩ - chồng chị nhắc: “Về đến nhà chỉ biết mèo, chồng ốm đây không hỏi được một tiếng, không một chén cháo, viên thuốc!”.

Con cưng

Vợ chồng chị Chi - anh Thiện cùng rất yêu con chó Bốp lông xù. “Cô nàng” rất đẹp, lông màu vàng ngà dài phết đất. Khách đến nhà ai cũng khen nào là “em ngoan”, “em nhuộm tóc thời trang quá”... Biết chủ cưng, Bốp khảnh ăn vô cùng, chỉ khoái khẩu phô mai. Đến bữa phải có người đút nó mới vui lòng ăn một cách miễn cưỡng. Nhiệm vụ chính của chó là giữ nhà thì nó không hoàn thành, bởi tối nào Bốp cũng nằm giữa hai vợ chồng. Bốp lên giường nằm đúng vị trí “ngăn sông cấm chợ” rồi đưa mắt nhìn hai vợ chồng, xem có hài lòng chưa. Lần nào nó cũng nhận được nụ cười… khích lệ! Chị Chi kể với giọng tràn trề hạnh phúc: “Bốp là sợi dây nối liền vợ chồng, mỗi lần tôi giận ảnh hoặc ảnh to tiếng với tôi, tôi chỉ cần bế Bốp để vào lòng ảnh là anh nguôi ngay. Bốp ốm, hai vợ chồng điện thoại hẹn hò nhau đưa Bốp đi khám bệnh, chỉ cần bác sĩ nói “không sao” là mặt anh bớt căng thẳng”... Hai người cũng có chung việc tắm rửa, cắt lông, chải lông, cắt móng tay cho… Bốp! Với họ, Bốp chẳng khác nào một đứa con.

Vợ chồng anh Vinh - chị Thúy thường gây gổ với nhau từ những chuyện rất nhỏ. Chị cho rằng mình chọn lầm người, chỉ muốn chia tay. Nhưng từ khi “bé Na” - con chó cưng của vợ chồng bị bệnh nặng, bác sĩ đề nghị chích thuốc cho chết, hai vợ chồng lại chung một quyết định: “Còn sống ngày nào nuôi ngày đó”. Thế là đang từ “anh-tôi”, “cô-tôi”, họ chuyển sang “anh anh”, “em em” ngọt xớt! “Bé Na” bệnh nặng, phải có chế độ ăn riêng. Chị Thúy nói: “Bệnh gần một năm nó mới ra đi, để lại trong lòng chúng tôi nhiều nỗi thương nhớ, nhưng thương nhất là nhờ nó mà vợ chồng tôi hiểu nhau hơn. Ngay từ khi anh quyết định không chích thuốc cho con Na chết là tôi hiểu mình đã có đúng một nửa của mình. Người biết yêu thương thú vật thì đối với con người cũng không tệ”.
 

Chọn heo mọi làm thú cưng là thú vui đặc biệt của chị Minh. Thoạt đầu chồng chị cho rằng vợ mình tính tình kỳ dị, nuôi con gì không nuôi lại nuôi con heo. Nhưng dần dà, anh thương yêu nó lúc nào không hay. Ụt, tên con heo, trở thành đề tài chính trong mỗi bữa cơm. Đến khi được năm tuổi, Ụt bị bệnh, bác sĩ thú y bảo nó bị sốt siêu vi. Anh lo lắng gửi Ụt về Cần Thơ, nhờ một người bạn hàng chữa bằng Đông y. Tình hình sức khỏe của Ụt được họ “vấn an” mỗi ngày. Khi Ụt khỏe, hai vợ chồng đánh xe hơi đón Ụt về thì hay hung tin: “Ụt vừa bỏ nhà đi đêm hôm trước”. Hụt hẫng đau khổ, chị khóc lóc. Anh nghiến răng nói: “Anh sẽ xem lại chuyện làm ăn của tên này, không ký hợp đồng nữa”. Thấy chồng lo cho Ụt, chị vô cùng hạnh phúc và càng thương chồng nhiều hơn.

Chia uyên rẽ thúy

Trong khi nhiều người quyến luyến chó thì chị Hạnh Hoa lại “si mê” mèo. Chị rất tự hào về con mèo biết đi vệ sinh đúng chỗ, sạch sẽ và sang trọng. Ngoài giờ dạy Anh văn là chị lo cho “con” cưng. Con mèo ăn đồ ăn dành cho thú cưng nhưng lười uống nước nên bị sạn thận. Chị đưa đi khám bác sĩ, chạy đôn chạy đáo. Thấy vợ tốn quá nhiều thời gian cho con vật mà không quan tâm đến chồng con, anh Sĩ - chồng chị nhắc: “Về đến nhà chỉ biết mèo, chồng ốm đây không hỏi được một tiếng, không một chén cháo, viên thuốc!”. Chị tỉnh bơ trả lời: “Ông ốm thì tự đi bác sĩ được chứ con mèo có đi được đâu!”.

Về phần con mèo, dù được phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu rất tốt nhưng do đề kháng yếu, béo phì (chủ ẵm bồng thường xuyên nên không có cơ hội chạy nhảy) nên con mèo đã... không qua khỏi. Chị cho hỏa táng rồi đem cốt cho vào chiếc lọ pha lê xinh đẹp và đặt ở nơi mà hồi còn sống nó hay nằm. Đến mức này, chồng chị không chịu nổi nữa, đã la hét buộc vợ phải đem hài cốt… mèo ra khỏi nhà, nếu không anh sẽ bỏ nhà đi.

Không chọn các loại thú cưng… tầm thường, ông K.L. chọn khỉ. Ngặt một điều con khỉ ông nuôi thuộc giống cái, nó thương ông vô cùng. Ông bế nó trên tay đi chơi trên đường phố. Đáp lại tình cảm này, nó cũng “trò chuyện” tăng-lăng tíu-líu cùng ông. Thế nhưng đối với vợ con ông thì nó ghét. “Nhà” của nó gần phòng tắm, một hôm vợ ông tắm xong không thấy quần áo đâu. Hóa ra, trong thời gian bà tắm, con khỉ đã xé vụn bộ quần áo. Có lần nó lên phòng con gái, lấy tập vở ra xé vụn từng trang. Giọt nước tràn ly, vợ ông hạ lệnh: “Cho nó biến nếu ông muốn yên cửa yên nhà”. Đau lòng nhưng không thể bỏ vợ bỏ con, ông bèn đem con khỉ đi cho người bạn. Đến khi hay hung tin con khỉ bị làm thịt ông đâm ra oán giận vợ. Cô vợ than: “Vợ chồng mà mặt lạnh cứ như người dưng, nếu biết cớ sự này thì mình ráng chịu cho xong”.

Cuộc chiến từ chó-chim chuyển sang cuộc chiến vợ chồng là trường hợp vợ chồng anh  Tùng chuyên kinh doanh điện máy. Anh thương chó, chị  yêu chim. Chó sủa điếc tai, chị bắt nó phải ở tầng trệt. Con két chị nuôi, chị lại muốn nó đi lại tự do như người! Anh chồng ức lắm. Hai vợ chồng nhìn nhau bằng “đôi mắt hình viên đạn”. 

Không chỉ tình cảm mà cả tình dục cũng bị thú cưng làm cho nguội lạnh. Anh Bình không thích chó, anh cho rằng con chó dơ, lây bệnh cho chủ, vì thế nếu vợ muốn nuôi chó thì chỉ được để chó ngoài sân. Thoạt đầu, chị chấp nhận, nhưng khi chú chó con ho húng hắng, chị quyết liệt đưa chó vào phòng ngủ chung để nó không bị viêm phổi. Anh Bình tâm sự: “Mỗi khi muốn gần vợ, chỉ cần nhìn thấy cô ấy ôm con chó vào lòng là lửa tình trong tôi như bị tạt nước lạnh…”.

Thế mới biết tình yêu thú cưng cũng là một tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng. Hãy cứ yêu thú cưng nhưng cần phải tỉnh táo và khéo léo để vợ chồng “không dễ xa nhau”…
 
Theo PNO
Chia sẻ