Tin nhắn nghiệt ngã lúc nửa đêm đưa mẹ đơn thân 8x vào cuộc sống vạn người mơ

Theo Người đưa tin,
Chia sẻ

Trang Vy, cô họa sĩ thiết kế trẻ đã quyết định trở thành một bà mẹ đơn thân kể từ khi nhận được tin nhắn lúc nửa đêm của người chồng tệ bạc. Nhưng cũng từ đây cô đã có cuộc sống nhiều người mơ ước.

Dòng tin nhắn nghiệt ngã lúc nửa đêm

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi đã có những năm tháng hoa niên thật đẹp và đáng nhớ. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp loại giỏi bậc trung học phổ thông, tôi thi và đỗ vào trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 2002, tôi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành thiết kế thời trang.

Tôi khởi đầu với công việc của một nhà thiết kế thời trang mà lúc này chủ yếu cho người nước ngoài. Năm 2003, khi công việc đã khá ổn định, tôi kết hôn và những mơ xây dựng một cuộc sống gia đình thật lý tưởng.

Ai ngờ cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi đã sớm kết thúc ngay khi con gái tôi ra đời. Cũng như nhiều phụ nữ khác, sau sinh tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, nhưng tôi không nhận được bất kỳ sự chia sẻ, quan tâm nào của chồng.

 - Ảnh 1

Cô họa sĩ thiết kế trẻ đã quyết định trở thành một bà mẹ đơn thân kể từ khi nhận được tin nhắn lúc nửa đêm của người chồng tệ bạc và hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ từ sáng sớm đến qua 12 giờ đêm thì chồng tôi mới trở về nhà. Lúc đầu thì anh về muộn với lý do mải chơi game, nhưng sau đó tôi đau đớn biết được chồng tôi còn có bồ ở bên ngoài.

Đỉnh điểm mâu thuẫn là một lần, khi tôi trở về nhà, tôi bắt gặp chồng dẫn bồ về nhà. Từ sau hôm đó, tôi quyết định thu dọn về nhà mẹ đẻ để ở. Lúc đó, con gái tôi mới được 15 tháng tuổi (còn tôi 26 tuổi).

Thực ra, bế con về nhà mẹ đẻ nhưng tôi vẫn mong chồng tu tỉnh để gia đình đoàn tụ, để con không phải sống trong cảnh thiếu bố. Tuy nhiên, khi đang đắm say trong tình yêu mới chồng tôi dường như không còn biết gì ngoài ả nhân tình.

Anh cùng cùng cô bồ liên tục nhắn tin, gọi điện, thậm chí vào cả lúc nửa đêm để khủng bố tinh thần tôi, gây sức ép buộc tôi ký vào đơn ly hôn. Và khoảng 5 tháng sau, chúng tôi chính thức đường ai nấy đi.

Sau khi ly hôn, tôi từ bỏ công việc thiết kế thời trang. Tôi chuyển sang công việc thiết kế đồ họa cho một công ty quảng cáo. Lúc này tôi gần như tự kỷ, tách hẳn ra khỏi bạn bè cũ vì không muốn quá nhiều người biết đến chuyện của mình.

Thời điểm này cũng là thời điểm khó khăn về kinh tế vô cùng. Mặc dù ở tòa, chồng tôi nói sẽ chu cấp cho con toàn bộ số lương của chồng tôi (700 nghìn đồng) nhưng anh tuyệt nhiên không hề thực hiện cam kết.

 - Ảnh 2

Trang Vy đã trở lại với thú vui phượt sau những tháng năm bão tố của cuộc đời.

Lý do mà chồng tôi đưa ra để thoái thác cho việc không cung cấp tiền nuôi con là tôi gây khó dễ cho anh trong việc thăm nom con. Kỳ thực là chồng tôi thường đến thăm con vào những giờ mà con tôi đã đi ngủ từ rất lâu. Anh thường đến vào lúc 11h đêm, thậm chí nhiều hôm là 12 h với lý do lúc này anh mới đi làm về.

Bản lĩnh và túi tiền tốt hơn một người đàn ông vô trách nhiệm...

Trước khi ly hôn, tôi cũng thuộc dạng cuồng con, chăm con từng ly từng tý một. Nhiều khi con chỉ có một vài nốt mụn nhỏ thôi tôi cũng lo cuống quýt. Việc gì liên quan đến con tôi cũng dành lấy để làm khiến cho con tôi lúc nào cũng chỉ biết đến có mẹ, việc lớn việc bé gì cũng phải mẹ làm cho thì nó mới chịu.

Nhưng sau ly hôn, phần vì kinh tế và thời gian đều eo hẹp, nên tôi dần phải thay đổi về cách nuôi dạy con, không cầu toàn quá nữa. Con mà ngã, có khi còn bị tôi mắng thêm, nên dần dần con tôi cũng rắn rỏi và tự lập hơn rất nhiều.

 - Ảnh 3

Hai mẹ con Trang Vy trong một chuyến đi chơi.

Năm 2008, sau nhiều biến cố, tôi quyết định mang con vào Sài Gòn, mở một công ty quảng cáo và in ấn. Với số vốn ít ỏi để thành lập công ty nên tôi phải cáng đáng khá nhiều việc một lúc.

Ngoài công việc thiết kế chính, tôi còn học và kiêm nhiệm luôn việc của một kế toán nhằm giảm thiểu chi phí thuê nhân sự. Cũng may tôi tìm được một đội thợ lành nghề, hỗ trợ cùng với tôi nên công việc cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Năm 2010, phần vì con ốm đau không có người thân bên cạnh rất khó khăn, phần vì mong muốn con gái được học lớp 1 ở Hà Nội nên tôi nhượng công ty, chuyển ra ngoài Hà Nội sinh sống.

Năm 2011, tôi bắt đầu một công việc mới với mức thu nhập ổn hơn, lo được cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thể dành dụm để đi du lịch.

Tôi thích câu " Bản lĩnh và túi tiền của mình sẽ giúp mình giải quyết khó khăn tốt hơn một người đàn ông vô trách nhiệm". Tôi nghĩ, số phận mình đã không thể dựa dẫm, nhờ vả vào chồng thì mình phải tự thân vận động vậy.

Tôi tránh không nói với con về bố. Ai có hỏi thì tôi đều nói bố cháu đi công tác vì không muốn làm ảnh hưởng đến con. Thời gian đầu, khi làm hồ sơ xin học cho con, cảm giác khó khăn nhất đối với tôi đó là việc phải giấu cô giáo con về hoàn cảnh hiện tại, với suy nghĩ không muốn con bị xếp vào dạng "hoàn cảnh đặc biệt" so với các bạn cùng lớp.

Nhưng một hôm con tôi nói "Lớp con nhiều bạn giống như con lắm mẹ ạ!" thì tôi hiểu rằng, tôi có không nói ra thì con tôi và mọi người cũng đều đã biết hết rồi.

Cũng từ đó tôi không còn mặc cảm là single mom nữa. Cũng may con gái tôi tính tình rất hồn nhiên, không hề giống như những gì mọi người nghĩ về một đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt thì thường trầm tính, già dặn trước tuổi…. Vì thế nên việc thích nghi với hoàn cảnh sống chỉ có mẹ cũng rất dễ dàng.

Khánh Vy, con gái tôi là một đứa trẻ nhanh nhẹn nhưng rất hiếu động. Sau một thời gian cho con học trong môi trường công lập, tôi nhận thấy con có dấu hiệu thiếu tự tin, sợ cô giáo, học hành chểnh mảng, mặc dù điểm số ở trường thì vẫn cao.

Sau một thời gian đắn đo rất nhiều, tôi quyết định phải chuyển trường cho con tôi. Mặc dù ngôi trường hiện tại là một ngôi trường rất nổi tiếng, nhiều người mong muốn xin cho con được học ở đó.

Tôi mạo hiểm đứng trước việc phải đóng 1 khoản học phí gấp 10 lần trường cũ. Nhưng tôi chấp nhận nhịn ăn nhịn tiêu với mong muốn con tôi có thể phát huy được sở trường của mình một cách tốt nhất.

Đến bây giờ, tôi nghĩ, mình đã có một quyết định hoàn toàn chính xác. Con tôi được sự ủng hộ của các thầy cô trường mới, giờ đã lấy lại được sự tự tin, có thể tự lên kế hoạch làm việc nhóm, có thể dũng cảm thuyết trình cả bằng tiếng Anh trước lớp. Đối với tôi, điểm số cao thấp chẳng nói lên được điều gì, quan trọng nhất ở một đứa trẻ vẫn là sự tự tin và hứng thú với việc đến lớp mỗi ngày.

Và những chuyến phượt

Thời còn độc thân, tôi là người theo chủ nghĩa hướng ngoại, thích dịch chuyển, thích đi chơi, giao lưu với bạn bè. Tuy nhiên, trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, tôi dường như trở thành một người khác, sống cô lập, tự kỷ, ít gặp gỡ bạn bè.

Chỉ sau khi tham gia một khóa học về nhiếp ảnh, tham gia một chuyến phượt bằng xe máy chinh phục đỉnh A Pa Chải với cung đường cả đi và về hơn 1000 km, tôi mới tìm lại được chính mình, trở về với con người thực sự của mình. Tôi quyết định phải tận hưởng cuộc sống này với những gì tôi có, chẳng trông đợi gì được sự giúp đỡ của người khác cả.

Cuộc sống một mẹ một con cũng làm cho con tôi có cơ hội được đi du lịch với tôi nhiều hơn (chỉ bởi chẳng ai trông hộ con được nên tôi đành phải tha con đi theo). Chuyến đi xa đầu tiên của cả hai mẹ con là chuyến đi Campuchia vào dịp Tết năm 2013.

Mục đích ban đầu của chuyến đi ấy chính là để "trốn Tết", bởi vì, Tết với một single mom thì buồn vô cùng khi nhìn những người khác quây quần bên gia đình, vợ chồng tíu tít dẫn con cái đi chơi, đi chúc Tết.

 - Ảnh 4

Hai mẹ con trong một chuyến du lịch.

Sau chuyến đi đầu tiên đó là những chuyến du lịch thứ hai, thứ ba… và giờ thì tôi cũng chẳng nhớ nổi mình đã đi được bao nhiêu chuyến nữa. Mỗi chuyến đi mang đến một kỷ niệm, trải nghiệm thú vị khác nhau.

Con tôi từ đó cũng học được nhiều điều, học cách thích nghi với thời tiết nắng nóng hay mưa dầm, hay di chuyển trên ô tô cả ngày trời từ điểm này đến điểm khác mà không hề than mệt. Tôi nghĩ, những chuyến đi đó, ngoài việc mang lại niềm vui, chính là hành trang rèn luyện kỹ năng sống rất bổ ích cho con.

Trung bình mỗi năm tôi đi du lịch khoảng 5-6 lần, tùy từng thời điểm công việc bận rộn hay rảnh rỗi. Nếu không bận việc là tôi lại tính đến chuyện đi chơi, thường thì tôi sẽ tranh thủ đi du lịch trong nước, chọn những điểm đến còn hoang sơ, vắng vẻ nhất để khám phá. Nếu đi nước ngoài thì tôi sẽ phải lên lịch đi từ sớm để có thể book được vé rẻ và sắp xếp công việc hợp lý trước khi đi.

Ngày còn trẻ, tôi đã có suy nghĩ, có một đứa con mà không cần chồng thì có phải tốt biết bao. Tuy nhiên, tôi đã không bước qua được định kiến xã hội, nên vẫn phải theo trình tự là: lấy chồng và sinh con.

Thế nên, giờ là một single mom, tôi lại cảm thấy mình rất may mắn. Nói như vậy không phải tôi cổ súy cho việc các mẹ trở thành single mom. Mà là tôi nghĩ, nếu lấy phải một người chồng vô trách nhiệm, không lo được về kinh tế đã đành, thì phải làm được bờ vai để người đàn bà tựa, để chia sẻ được, còn không thì thà ở một mình còn hơn.

Tôi đã có một cuộc hôn nhân thất bại, nhưng bù lại tôi có một đứa con của riêng mình, đó là điều may mắn. Với tôi, đàn bà có thể không có chồng, nhưng không thể không có con cái, không có con đẻ thì cũng nên có con nuôi.

Tôi nghĩ tôi chưa phải là một mẫu bà mẹ tốt, bởi hình mẫu bà mẹ tốt trong mắt tôi phải là một người mẹ dịu dàng với con, không đánh mắng con, làm bạn tâm sự tối ngày được với con.

Còn tôi thì khá bận rộn nên thời gian dành cho con cũng không nhiều, ngoài việc chăm sóc con như những bà mẹ khác, tôi lại vừa phải tỏ cái uy của một người cha. Chính vì vậy tôi luôn trong vai "mẹ ác" thì đúng hơn. Chỉ có điều, tôi sẽ cố hết sức lo cho con được tốt nhất có thể, bởi đầu tư cho con cái luôn là đầu tư đúng đắn và "có lời" nhất cho tương lai.

Trang Vy (Hà Nội)

Chia sẻ