Tim Aline Rebeaud - người mẹ Tây dành cả đời cho trẻ em Việt

DJ - Nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

20 năm trước, có một cô họa sĩ 20 tuổi người Thuỵ Sĩ đi bộ đến Việt Nam. Và sau đó, một mái ấm cho trẻ em mồ côi, khuyết tật đã ra đời...

Mái ấm ấy có tên gọi là "Nhà may mắn - The Maison Chance" ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP HCM. Đó là nơi tập trung những trẻ em mồ côi, khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh có may mắn gặp được Aline Rebeaud và về quy tụ một nhà. Nuôi nấng từ khi các em còn nhỏ đến lúc trưởng thành và có gia đình riêng, Aline Rebeaud được các con yêu thương gọi là mẹ Tim - với ý nghĩa: "Trái tim nhân hậu của con người".

Cô gái trẻ một mình phiêu lưu đến Á châu bí ẩn

Tim của gần 20 năm trước.

Hành trình của Aline Rebeaud bắt đầu từ thủ đô Geneve, Thuỵ Sĩ, nơi cô sinh ra và lớn lên. Được học hội hoạ, cô theo đường bộ đi từ Liên Xô sang Mông Cổ rồi Trung Quốc và sau cùng là Việt Nam để du lịch và tìm đề tài sáng tác. Aline đến Việt Nam đúng thời điểm biên giới giữa ta và nước bạn còn nhiều tranh chấp, nên để sang được Việt Nam an toàn, đường đi cũng đầy rẫy chông gai.

Tim của bây giờ.

"Từ nhỏ Tim đã được đọc sách về Việt Nam và rất muốn được đến thăm. Đường đi thì rất dài và rất lâu, mất gần 2 năm trời. Muốn có được tiền thì Tim làm triển lãm tranh, vẽ tranh bán lấy tiền. Hồi đó di chuyển bằng ngựa dọc Mông Cổ đến Trung Quốc, liều lắm," Aline vui vẻ kể lại bằng chất giọng miền Nam thân thiện. Đặc biệt, cô luôn tự hào với tên mới của mình, cái tên đã theo cô suốt 20 năm qua.

Luôn yêu đời và yêu người.

Nhưng có lẽ cuộc đời của Tim Aline Rebeaud có thể không gắn bó với Việt Nam lâu như thế, nếu không có một câu chuyện xảy ra đã níu giữ trái tim cô ở lại. Lúc đó là một buổi tối khuya, nghe tiếng khóc của một cậu bé Campuchia khoảng 10 tuổi đang đứng một mình trong đống rác, cô đã dừng lại, ra dấu cho em bé theo cô đi ăn và định đưa về khách sạn để cô chăm sóc nhưng khách sạn không đồng ý. Từ đó, trái tim cô bắt đầu tìm đến nhịp đập chung với những trẻ em cơ nhỡ để những mảnh đời bất hạnh vơi bớt đi những nỗi đau. Tim quyết định theo học khoa Ngữ văn của Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh để hiểu hơn về cách giao tiếp của người Việt.


"Gia đình của Tim thì ba bỏ đi sớm, mẹ và Tim lo lắng chăm sóc cho em trai nên người. Đó có thể là một cơ hội để Tim học được cách yêu thương người khác. Sáng hôm sau khi Tim ra ngoài khác sạn, thì cậu nhỏ đang chờ Tim. Có lẽ đó cũng là một may mắn của Tim."

Và Nhà May mắn ra đời...

"Gặp nhiều người số phận bất hạnh, Tim cũng muốn họ có một gia đình thứ hai, làm sao cho tổ ấm đó mang nhiều may mắn cho họ," Tim chia sẻ về tên gọi của Nhà May mắn.

Tim chia sẻ về website của Nhà May mắn.

"Tim đã nhặt một đứa trẻ mồ côi gần như hấp hối trong bệnh viện và nuôi nấng em trong 3 tháng trời đến khi em đỡ bệnh. Rồi Tim nhờ bạn bè xung quanh, kiếm được một ngôi nhà lá để thuê ở ngoại thành và tập trung những đứa trẻ ốm đau, mồ côi mà Tim biết. Rồi Tim đi chợ, chăm sóc cho các em. Đầu tiên là chăm sóc sức khoẻ tại các em yếu lắm. Sau đó, Tim bắt đầu dạy các em những điều cơ bản nhất: Lắng nghe, tôn trọng không gian của nhau, tham gia hoạt động chung của nhà, biết chia sẻ, học cách cười, và học cả cách thứ tha... "

Các em được học văn hoá tại đây.

Đối tượng của ngôi nhà Tim muốn mở ra gồm những người khuyết tật và trẻ mồ côi không cha không mẹ. Lý giải về điều này, Tim cho biết: Những người khuýết tật thường mặc cảm và cô lập với xã hội, họ cũng cần một gia đình, một đứa con. Còn những trẻ mồ côi lại thiếu cha mẹ và rất cần được sống dưới mái ấm gia đình, nên sẽ rất tốt nếu hai đối tượng này quy tụ với nhau để cùng được hạnh phúc.

Không khí trong Nhà như một gia đình thực sự.

Vạn sự khởi đầu nan, bước đầu tiên của Tim không hề may mắn, bởi những thủ tục hành chính không hề đơn giản. "Khó khăn nhất là các thủ tục hành chính, mở nhà không dễ dàng. Mình thì nghĩ đơn giản là họ không có nhà thì xây nhà, họ cần học tập thì xây trường. Cuối cùng Nhà May mắn là 1 tổ hợp gồm chỗ ở, nơi chăm sóc sức khoẻ, dạy chữ, dạy nghề, sản xuất và cố gắng bán sản phẩm ra."




Các em đã tự bán sản phẩm của mình và kiếm được thu nhập.

Cùng với sự giúp đỡ tài chính của những bạn bè ở châu Âu, châu Mỹ, Nhà May mắn của Tim và mọi người giờ đã trở thành một trung tâm sản xuất và đào tạo nhân lực sản xuất đồ thủ công mây tre, thêu thùa, tranh vẽ với cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, đặc biệt là, ngập tràn  không gian, ánh nắng, và màu sắc. Trung tâm có tên gọi: Trung tâm Chắp cánh. Người làm ra sản phẩm ở đủ mọi độ tuổi, từ em nhỏ cơ nhỡ không cha mẹ, đến những người lớn không may bị khuyết tật. Trẻ em được đi học văn hoá tại đây, và ở đây cũng nhận giúp đỡ những trẻ em lân cận có hoàn cảnh khó khăn. Khách hàng đến đây vì tin tưởng vào khả năng sản xuất của người lao động và không còn là những nhà từ thiện đơn thuần. Có thể nói, những người khuyết tật ở đây đã  giữ được trái tim không tàn tật.

Không gian đầy ắp ánh sáng và màu sắc.

Em Nguyễn Văn Bình, một trong hai em nhỏ đầu tiên được mẹ Tim đưa về xúc động chia sẻ: "Mẹ tìm thấy con, cho con ăn, dẫn vô quán phở xong rước đến Nhà May mắn. Mẹ cho con học hành, mẹ tin tưởng con, cho con sang Pháp học 6 tháng ngành tạo mẫu. Con thật sự không biết cha mẹ con là ai, nhưng mẹ Tim cũng như mẹ đẻ của con."

Luôn có những người bạn nước ngoài đến thăm.


Theo Tim, chi phí đứng đầu là chi phí y tế, vì anh chị em khuyết tật có nhiều vấn đề sức khoẻ xảy ra, tổng chi phí trung bình khoảng 8000 đô la Mỹ/tháng. Bên cạnh trung tâm sản xuất, Tim cũng vừa xây xong một ngôi làng cạnh đó có bể bơi để phục vụ vật lý trị liệu. Với những hộ gia đình khuyết tật đã có khả năng trang trải kinh tế, họ sẽ được thuê lại một nhà trong làng với giá cao nhất là 1.500.000 đồng cho ba phòng ở tiện nghi đầy đủ, rộng rãi.



Một địa điểm sạch sẽ, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi với giá thuê 1.500.000 đ/tháng.

Việc làm của Tim đã được thế giới công nhận bằng rất nhiều giải thưởng và bài viết khen ngợi, cũng như thu hút được nhiều tấm lòng hảo tâm ở bốn phương. Tim xứng đáng là "Người mẹ Teresa của Việt Nam" - một người phụ nữ Tây, nhưng dành cả đời cho những người con Việt.

Chia sẻ