"Tiểu xảo" làm nhà rộng hơn bằng nội thất

Theo Địa ốc,
Chia sẻ

Một vài tiểu xảo tinh tế cho việc mở rộng không gian nội thất với những tư vấn của kiến trúc sư thiết kế nội thất.

1. Lựa chọn đồ nội thất đơn giản và tinh tế

Dễ thay đổi nhất trong căn nhà là đồ đạc. Chúng ta nên cân nhắc khi chọn lựa đồ đạc, từ những thứ nhỏ nhất. Đồ đạc cho ngôi nhà nhỏ nên đơn giản, hiện đại và không quá nhiều chi tiết.

Chọn vị trí sắp xếp cũng rất quan trọng. Sắp xếp vừa đủ, gọn gàng theo hình dáng của căn phòng, ưu tiên dành không gian càng thoáng càng tốt. Bố trí xa tầm mắt sẽ tạo cảm giác rộng hơn, chiều sâu tăng lên.


 
Đồ đạc đơn giản, nhưng hiện đại thích hợp với những ngôi nhà


2. Chọn màu sắc khôn ngoan

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi không gian. Với không gian nội thất nhà ở gia đình nên hạn chế trang trí quá nhiều chi tiết và màu sắc sặc sỡ. Màu sắc trung tính như ghi, vàng nhạt, vv...sẽ dễ kết hợp đồ và làm không gian rộng mở, thoáng mát. Màu sắc trần nhà nên hài hòa và có cùng ngôn ngữ với tường nhà. Sơn cùng tông màu tạo cảm giác cao và rộng cho ngôi nhà bởi tầm mắt không bị hạn chế và cản trở.

 
Không gian đa năng, ấm cúng


3. Khai thác sự liên thông của không gian

Tận dụng liên thông sẽ giúp tận dụng được tối đa diện tích và làm thông thoáng giao thông trong nhà. Ví dụ bạn có thể kết hợp phòng khách liên thông với bếp ăn; phòng sinh hoạt chung kết hợp với đọc sách, gia đình có thể quây quần và đọc sách cùng nhau sẽ rất ấm cúng. Ngoài ra việc tận dụng tối đa các không gian có thể view ra phía ngoài giúp lấy thêm ánh sáng và gió vào nhà.

 
Liên thông không gian tầng 1


4. Tạo điểm nhấn cho ngôi nhà

Điểm nhấn rất cần trong mỗi không gian bởi nó thu hút tầm ngắm của mọi người và làm cho ngôi nhà có chiều sâu và ngôn ngữ riêng.

Nghiên cứu kỹ về góc nhìn, những điểm mà chúng ta quan sát từng không gian để tạo điểm nhấn cho căn phòng. Điểm nhấn là một điểm nhỏ nhất nhưng lại “hút” nhất từ mọi góc nhìn trong không gian nội thất.

Ví dụ khi đi vào cửa chính, vị trí cần nhấn tạo ấn tượng nên bố trí vào góc xa xa, đồ vật chỉ nên vừa đủ nhìn thấy. Hạn chế chọn nhiều vật nhấn, mỗi không gian chỉ nên có một tại vị trí thích hợp. Khu vực để tivi cũng sẽ là điểm nhấn thu hút. Một chùm đèn tinh tế trong phòng khách cũng tạo nên nét duyên dáng cho ngôi nhà. Kết hợp với các vật liệu nhẹ nhàng, như gương sẽ mang lại tác dụng lớn trong việc nhân đôi không gian.

Tuy nhiên bạn nên cân nhắc kỹ cho mỗi phòng chức năng. Với không gian này thì phù hợp, với không gian khác lại trở thành bất hợp lý do thói quen sử dụng và quan niệm văn hóa khu vực. Ví dụ, với phòng ăn rất phù hợp nếu đặt một chiếc gương lớn hoặc bức tranh hoa quả lớn, nhưng trong phòng ngủ lại không nên đặt gương kích thước lớn cạnh giường ngủ chẳng hạn.

 
Điểm nhấn nhẹ nhàng
 

Chia sẻ