Tiền "xoa dịu đau thương" khi ly hôn ở Nhật

TRƯƠNG TRỌNG HIẾU,
Chia sẻ

Cuối tháng 3-2019, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc người chồng cũ yêu cầu người tình và là người chồng mới của vợ bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần do cuộc ly hôn gây ra.

Mặc dù bị từ chối nhưng vụ việc một lần nữa phản ánh tiếp cận pháp lý khá thú vị của Nhật Bản trong giải quyết ly hôn.

Nhiều nét tương đồng Việt Nam

Thực ra, pháp luật hôn nhân gia đình, đặc biệt là quy định về ly hôn, của Nhật Bản không mới, thậm chí còn rất tương đồng với pháp luật Việt Nam cũng như xu hướng tiếp cận chung. Chẳng hạn như, ở Nhật, tài sản được tạo lập trong quá trình hôn nhân vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng; và tài sản riêng là tài sản được tạo lập trước thời điểm kết hôn, hay được tặng cho và nhận thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Cũng tương tự, ngoài quy định về quyền nuôi con, cấp dưỡng và cả thay đổi tên (do sau kết hôn, vợ đổi họ theo họ chồng), Nhật Bản cũng áp dụng tỉ lệ 50:50 làm nguyên tắc chung trong phân chia tài sản khi ly hôn. Thực tiễn xét xử trước đây, tỉ lệ 70:30 cũng được sử dụng khá phổ biến nhưng việc áp dụng tỉ lệ đó giảm dần trong thời gian gần đây. Đáng chú ý là nhiều tòa vẫn áp dụng tỉ lệ chia đôi ngay cả khi một bên không có việc làm cũng như đóng góp thu nhập trong thời kỳ hôn nhân.

Nhưng ngược lại, có nhiều điểm pháp lý khá lạ so với tiếp cận pháp lý của Việt Nam, như thủ tục ly hôn và các khoản trợ cấp được chi trả giữa các bên. Phương thức giải quyết ly hôn ở Nhật Bản khá đa dạng nên khá tiện lợi cho các cặp đôi.

Tiền xoa dịu đau thương khi ly hôn ở Nhật - Ảnh 1.

Phụ nữ Nhật được pháp luật bênh vực trong trường hợp ly hôn. Ảnh: REUTERS

Thủ tục đa dạng

Cụ thể, có 4 phương thức sau đây để các bên lựa chọn: Thuận tình ly hôn bằng thỏa thuận của hai bên mà không cần thông qua tòa án; thông qua phương thức hòa giải; tại tòa gia đình và tại tòa quận.

Tùy vào mức độ phức tạp của vụ việc, như có hay không những tranh chấp về phân chia tài sản, các bên sẽ chọn phương thức giải quyết tương ứng. Đáng chú ý là với phương thức đơn giản đầu tiên, các cặp vợ chồng chỉ cần đến văn phòng của phường, nơi đã đăng ký kết hôn, để tiến hành thủ tục hủy đăng ký kết hôn.

Điểm lạ đáng chú ý nhất là ngoài việc xác định nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái (nếu có), việc phân chia tài sản chung tại các phiên tòa ở Nhật còn xét đến việc một bên phải chuyển giao khoản tiền hỗ trợ và tiền "xoa dịu đau thương" cho phía bên kia, thường là bên vợ.

Trong đó, tiền "xoa dịu đau thương" (consolation money) là khoản tiền bù đắp cho những nỗi đau tinh thần khi quyết định phá vỡ quan hệ hôn nhân của bên kia thật sự là một cú sốc đối với họ. Đây chính là phần thiệt hại phi vật chất, theo đánh giá của các phiên tòa. Khá thú vị, là trong một số vụ ly hôn, khoản hỗ trợ và bù đắp đau thương đó có thể cao hơn nhu cầu và tổn hại trên thực tế, nếu bên chi trả chấp nhận điều đó.

Đúng sai tại tòa

Đương nhiên, các nội dung khá thú vị này không phải chỉ được phản ánh trên… trang giấy mà đã được vận dụng khá nhiều trong thực tiễn xét xử. Điển hình là vụ việc gần đây nhất được Tòa án Tối cao Nhật Bản "chốt án" vào năm 2000.

Cuộc hôn nhân trong vụ việc bắt đầu từ năm 1991. Đến năm 1994 người chồng có yêu cầu ly hôn. Theo sự thỏa thuận, người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người vợ 100.000 yen mỗi tháng và kéo dài cho đến khi người vợ… có cuộc hôn nhân mới. Ngoài ra, người chồng cũng cam kết bồi thường cho người vợ 20 triệu yen trước những tổn thất về mặt tinh thần mà chính cuộc ly hôn là nguyên nhân.

Người vợ sau đó mang vụ việc đến tòa quận ở Osaka để "chốt nợ" và để có thể nhận tiền trích từ lương của người chồng. Năm 1996, công ty nơi người chồng làm giám đốc đã chuyển hơn 2,6 triệu yen đặt cọc vào tài khoản của Cơ quan Pháp chế Osaka. Khi tiến hành lịch trình phân chia khoản tiền đặt cọc nói trên, người chồng kháng án và yêu cầu tòa tuyên bố thỏa thuận hỗ trợ và bù đắp tổn hại vô hiệu.

Lý do chính người chồng đưa ra là trên thực tế công ty anh ta gặp khó khăn, thu nhập của anh ta bị giảm sút đáng kể và đó chính là lý do để anh ta quyết định ly hôn. Theo anh ta, đây là thỏa thuận mang tính gian lận, rất "hoang đường" và vượt quá sức chi trả của anh ta. Chấp nhận lập luận này, tòa Osaka đã hai lần quyết định tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận sau đó.

Nhưng vụ việc đã không dừng lại. Người vợ kháng cáo và Tòa án Tối cao Nhật Bản tại Tokyo đã ra phán quyết cuối cùng: Bác bỏ bản án của tòa Osaka.

Theo bản án phúc thẩm, trách nhiệm hỗ trợ và bù đắp tổn hại phi vật chất là phát khởi từ hiện trạng của cuộc ly hôn, nên không thể xem là sự gian lận. Đồng thời, việc đánh giá khoản hỗ trợ và bù đắp có cao quá mức hay không phải đối chiếu với khoản thiệt hại mà bên kia có thể đón nhận chứ không phải so với khoản thu nhập của người có nghĩa vụ. Theo tòa tối cao, bản án của tòa Osaka đã không giải thích và vận dụng đúng các quy định của pháp luật Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều này đã không được lặp lại trong vụ việc đề cập ở đầu bài. Hủy bản án đưa ra mức bồi thường 1,98 triệu yen của tòa cấp dưới, Tòa án Tối cao cho rằng ly hôn là chuyện của hai vợ chồng và người thứ ba không có trách nhiệm trong sự việc này. Dù vậy, tòa án cao nhất của nước Nhật cũng lưu ý rằng, vấn đề bồi thường có thể được nêu ra nếu có bằng chứng cho rằng họ đã can thiệp mối quan hệ vợ chồng và gây ra cuộc đổ vỡ đó.

Người đàn ông trong vụ việc ngoài 40 tuổi, sống ở vùng Đông Kanto đệ đơn lên tòa quận vào năm 2015, sau 5 năm ly hôn, để yêu cầu người tình và giờ đã là chồng mới của vợ bồi thường 4,95 triệu yen do những tổn thương trước mối quan hệ ngoại tình giữa anh ta và vợ cũ trước khi anh ta trở thành chồng mới sau cuộc ly hôn.

Chia sẻ