Tiến sĩ tâm lý Pepper: Tôi gặp 6 bệnh nhân ấu dâm và họ tìm tới trẻ con vì...

Hồng Nam,
Chia sẻ

Những kẻ ấu dâm sẽ mua rất nhiều quà và dự trữ trong túi của họ. Khi gặp một đứa bé họ sẽ đưa quà cho đứa nhỏ vì họ cảm thấy rằng đó là tình nhân của mình.

Trong thời gian gần đây, ấu dâm trở thành một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Sau một loạt những vụ trẻ em nghi bị xâm hại tình dục, những kẻ ấu dâm trong mắt nhiều người giờ đây là những kẻ bệnh hoạn, đáng bị chỉ trích và cần phải có hình phạt thích đáng.

Để mọi người hiểu rõ hơn về ấu dâm và để phụ huynh phòng ngừa những kẻ ấu dâm có khả năng xâm hại con mình, mới đây, trên trang Facebook cá nhân, Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân (Pepper Phan) đã dành gần 1 tiếng đồng hồ để livestream, chia sẻ cho cộng đồng mạng về vấn nạn ấu dâm, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, đồng thời cũng hướng dẫn cho các cha mẹ biện pháp giúp con cái bảo vệ mình tốt hơn.

Tiến sĩ tâm lý Pepper: Tôi gặp 6 bệnh nhân ấu dâm và họ tìm tới trẻ con vì... - Ảnh 1.

Những chia sẻ của tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân nhận được nhiều sự chú ý, theo dõi của cộng đồng mạng.

Mở đầu cuộc trò chuyện, tiến sĩ tâm lý khẳng định những người ấu dâm họ cũng bệnh nhân và hầu hết là nạn nhân của gia đình. Tiến sĩ Pepper đã định nghĩa căn bệnh ấu dâm như sau:

"Người mắc bệnh ấu dâm phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh này kể từ khi họ dậy thì. Khi cơ thể có một lượng hoocmon tiết ra và bộ não của mình bắt đầu phản ứng lại với giới tính, với những người khác giới thì những người mắc bệnh này sẽ không phản ứng lại khi nhìn vào đối tượng khác giới cùng tuổi mà họ có nhu cầu và phản ứng, muốn gần gũi".

Theo tiến sĩ tâm lý, không chỉ nam giới mà cả phụ nữ cũng mắc bệnh ấu dâm. Có nhiều nguyên nhân khiến họ mắc căn bệnh này. Tiến sẽ Pepper chia sẻ rằng chị đã điều trị cho 6 bệnh nhân ấu dâm và 6 người này đều là đàn ông.

Đoạn tiến sĩ tâm lý chia sẻ những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh ấu dâm

Một người từ nhỏ từng là một trong những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Và người lạm dụng tình dục lại là một người chú và người chú này đồng tính.

Một người là con út trong gia đình có 4 người con và luôn bị mọi người chê là xấu xí nhất, khiến anh ta luôn tỏ ra tự ti. Điều này khiến anh không dám tìm gặp những người bạn khác giới đồng trang lứa. Và khi có nhu cầu sinh lý, anh ta lại tìm đến trẻ con vì chúng vô tư, đem lại cảm giác an toàn, không chê bai anh.

Hai bệnh nhân khác thì nguyên nhân lại xuất phát từ game. Một người 26 tuổi và một người mới chỉ 17 tuổi. Do họ vô tình tiếp xúc với game, truyện có hình ảnh kích thích nên họ không ngừng xem vì bản tính tò mò. Dần dần, họ bắt đầu có suy nghĩ gần gũi với một em bé là chuyện bình thường.

Từ những trường hợp trên, tiến sĩ Pepper cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khiến nhiều người mắc căn bệnh ấu dâm. Tiến sĩ Pepper cho rằng về mặt tâm lý, bệnh ấu dâm cũng là một căn bệnh giống như tự kỷ, trầm cảm hay stress, chỉ khác về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. 

Tiến sĩ tâm lý Pepper: Tôi gặp 6 bệnh nhân ấu dâm và họ tìm tới trẻ con vì... - Ảnh 3.

Nhiều người vì bị chê bai khiếm khuyết trên cơ thể, trở nên mặc cảm và mắc bệnh ấu dâm.

Từ đó, tiến sĩ tâm lý đưa ra những dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết những người mắc bệnh ấu dâm. Người ấu dâm thường xuyên thích nhìn những đứa trẻ, nhất là những em dưới tuổi vị thành niên.

Họ hay lên mạng, tìm những hình ảnh liên quan đến việc làm tình giữa một người lớn và một đứa bé. Họ mua rất nhiều quà và dự trữ trong túi của họ. Khi gặp một đứa bé họ sẽ đưa quà cho đứa nhỏ vì họ cảm thấy rằng đó là tình nhân của mình. 

Họ cũng có xu hướng trẻ hóa tính cách của mình. Thích chơi với trẻ con, họ giống trẻ con, dễ hờn, dễ giận, hơi trẻ hóa với độ tuổi. Bệnh ấu dâm xuất hiện ở những người đồng giới rất cao, nhất là những người đồng tính nam. 

Tiến sĩ tâm lý Pepper: Tôi gặp 6 bệnh nhân ấu dâm và họ tìm tới trẻ con vì... - Ảnh 4.

Tiến sĩ Pepper trong 1 ca tư vấn tâm lý trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - TP.HCM

Cuối cùng, tiến sĩ Pepper đã có đoạn chia sẻ rất bổ ích dành cho các bậc cha mẹ để biết cách hướng dẫn con em mình bảo vệ bản thân trước những người bị bệnh ấu dâm. 

+ Hãy dạy cho con mình quy tắc về cơ thể. Nói với con rằng cơ thể của con thuộc về con, chỉ có con được quyết định con được chạm vào cơ thể của mình. Biết nói không khi không thích ai chạm vào cơ thể kể cả bố mẹ.

+ Giúp con nguyên tắc về bí mật: Bố mẹ sẽ không giữ bí mật gì với con và con cũng vậy. Chúng ta nên nói chuyện với con chúng ta hàng ngày. Khi con sai, nên nói với con rằng không sao đâu con, mình sẽ có cách xử lý. Đây là cách để làm bạn với con mình và để con nói ra những bí mật của bé.

+ Dạy con cách phản ứng khi gặp kẻ gian. Các bậc phụ huynh nên dạy con đi học võ hay học cách phòng thân. Học cách tự vệ như thế nào nếu thấy có người xâm hại con, dạy con đánh vào những chỗ hiểm...

+ Phục hồi tâm lý sau khi bé bị lạm dụng tình dục: cho bé đi du lịch, cho bé đến môi trường mới. Hãy nói với con rằng con chỉ có một ngày tồi tệ chứ không phải là cuộc đời tồi tệ.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên về tâm lý học tại Mỹ, Pepper (tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân) thành lập ngay một ngôi trường cho phụ nữ với mong muốn giúp họ đẹp, quyến rũ hơn và hạnh phúc hơn lên mỗi ngày mà không nhờ dao kéo. Hiện Pepper cũng tư vấn và trị liệu tâm lý cho những người có nhu cầu, đặc biệt là vực dậy tinh thần cho những người gặp bế tắc trong cuộc sống.


Chia sẻ