Tiến sĩ Mỹ chia sẻ 7 điều có lẽ bạn chưa biết về chu kì kinh nguyệt

TN,
Chia sẻ

Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia về sức khỏe phụ nữ về các vấn đề liên quan đến chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ mà không phải ai cũng biết.

Mặc dù kinh nguyệt là hiện tượng tự nhiên rất đỗi bình thường đối với mỗi người phụ nữ nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức về vấn đề này.

Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Jennifer Wider, người phát ngôn của Hiệp hội nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ (Women's Health Research) và cũng là tác giả cuốn "The Savvy Woman Patient" về các vấn đề liên quan đến chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ mà không phải ai cũng biết.

Tiến sĩ Mỹ chia sẻ 7 điều có lẽ bạn chưa biết về chu kì kinh nguyệt - Ảnh 1.

Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình thường là 28 ngày, nhưng một chu kì dao động trong khoảng từ 21 tới 35 ngày vẫn là một điều bình thường.

1. Độ dài của một chu kỳ kinh nguyệt không chỉ khác biệt giữa người phụ nữ này với người phụ nữ kia mà nó còn thay đổi theo từng tháng

"Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình thường là 28 ngày, nhưng một chu kì dao động trong khoảng từ 21 tới 35 ngày vẫn là một điều bình thường", Tiến sĩ Jennifer Wider nói. Khi tính toán độ dài của chu kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ bắt đầu tính từ ngày đầu tiên thấy kinh tới ngày cuối cùng là ngày trước khi chu kì tiếp theo đến.

Theo bác sĩ Elizabeth Lyster, làm việc tại tập đoàn Y tế Holtorf tại California, cho biết, giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt chính là giai đoạn khác biệt nhất giữa những người phụ nữ. "Thời gian từ ngày đầu của chu kỳ đến khi rụng trứng có thể kéo dài từ một đến ba tuần, trong khi giai đoạn thứ hai, xảy ra sau thời kì rụng trứng, kéo dài khoảng 14 ngày đối với tất cả mọi người". Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi từ tháng này sang tháng do stress, chế độ ăn uống và một loạt các yếu tố khác. Một loại thuốc phổ biến giúp điều trị kinh nguyệt không đều khi chưa rõ nguyên nhân là thuốc tránh thai.

Tiến sĩ Mỹ chia sẻ 7 điều có lẽ bạn chưa biết về chu kì kinh nguyệt - Ảnh 2.

Một số phụ nữ cảm nhận được quá trình rụng trứng rất rõ rệt.

2. Một số phụ nữ có thể cảm nhận được quá trình rụng trứng

Tiến sĩ Jennifer Wider chia sẻ: Sự rụng trứng, kéo dài 1-2 ngày, thường diễn ra trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt, trứng chín sẽ rụng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Đau ngực, nhiệt độ cơ thể tăng hay sự gia tăng chất nhầy từ cổ tử cung chính là những dấu hiệu sinh học cho biết cơ thể đang chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Trong khi một số phụ nữ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu thay đổi gì từ cơ thể thì những người khác lại cảm nhận được quá trình này rõ rệt.

Trong thời gian trứng rụng, một số phụ nữ có thể bị đau thắt ở vùng bụng dưới. Ngay trước khi rụng trứng, với tác dụng của estrogen, một nang trứng sẽ phát triển trong các mô của buồng trứng. Khi noãn trứng được giải phóng, nang bị vỡ, gây ra hiện tượng tràn chất dịch trong ổ bụng, với một số chị em điều này có thể gây ra một vài cơn đau.

Thậm chí, trong một số trường hợp, một số chị em có thể thấy tháng này đau ở vùng bên này, tháng sau lại đau ở vùng bên kia, đừng lo lắng vì đây là hiện tượng rất bình thường khi hai buồng trứng đang thay nhau rụng trứng.

3. Đau kinh nguyệt có thể xảy ra đau ở những vùng khác không chỉ riêng đau vùng bụng

Một số phụ nữ thường bị đau lưng và đau chân trong thời kì kinh nguyệt, điều này xảy ra có thể là do các dây thần kinh tập trung trong vùng xương chậu.

"Đau do kinh nguyệt cũng là một dạng đau khác với các cơn đau khác diễn ra trên cơ thể bạn. Hầu hết phụ nữ sẽ nói rằng thay vì một cơn đau như thông thường thì đau kinh nguyệt là một dạng đau âm ỉ, kéo dài khiến họ thấy vô cùng mệt mỏi và đau nhiều hơn mức bình thường", Tiến sĩ Jennifer Wider cho biết.

Tiến sĩ Mỹ chia sẻ 7 điều có lẽ bạn chưa biết về chu kì kinh nguyệt - Ảnh 3.

Có thể mất đến một hoặc hai năm thì chu kì kinh nguyệt mới ổn định sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai.

4. Quan hệ tình dục sẽ không làm giảm đau khi có kinh nguyệt

Nếu bạn đã từng nghe nói rằng tình dục là một phương thuốc tốt trị đau kinh nguyệt thì bạn đừng tin điều đó. Cực khoái gây co thắt cơ trơn của âm đạo và tử cung, điều này với một số chị em thì họ cảm thấy rất thích thú, một số thì không. Thêm vào đó, khi cổ tử cung bị động chạm tới trong quá trình quan hệ tình dục thì nó có thể gây co thắt tử cung.

Hơn nữa, theo Whitney Pollock, một chuyên gia phụ khoa tại Pottsville, cho biết tinh dịch có chứa prostaglandin, một chất sẽ gây ra các cơn co thắt tử cung cho phụ nữ đang trong thời kì kinh nguyệt nếu họ quan hệ tình dục.

5. Trong thời kì trứng rụng, nam giới sẽ thấy bạn hấp dẫn hơn

Một nghiên cứu từ tạp chí Psychological Science cho biết rằng khi người đàn ông ngửi chiếc áo sơ mi được mặc bởi những người phụ nữ đang trong quá trình rụng trứng, mức testosterone ở nam giới sẽ gia tăng nhiều hơn khi họ ngửi chiếc áo sơ mi được mặc bởi người phụ nữ không trong quá trình rụng trứng.

Những phát hiện này hàm ý rằng những người đàn ông thường sẽ có ham muốn tình dục nhiều hơn với những người phụ nữ đang trong thời kì rụng trứng. Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những phụ nữ đang trong giai đoạn rụng trứng có thể dễ dàng "đánh gục" bạn tình của họ hơn.

Tiến sĩ Mỹ chia sẻ 7 điều có lẽ bạn chưa biết về chu kì kinh nguyệt - Ảnh 4.

Trong thời kì trứng rụng, nam giới sẽ thấy bạn hấp dẫn hơn.

6. Có thể mất đến một hoặc hai năm thì chu kì kinh nguyệt mới ổn định được sau khi bạn ngừng sử dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai chứa một liều hormone nhân tạo, một loại hoóc môn có thể bắt chước được những hoạt động của các hoóc môn có sẵn trong cơ thể. Các hormone này có tác dụng ngừa thai là do sự ức chế rụng trứng, có thể làm gián đoạn tạm thời đến chu kì tự nhiên của bạn. Một khi bạn đã ngừng uống thuốc ngừa thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở về nhịp điệu tự nhiên - nhưng điều này có thể mất một khoảng thời gian.

7. Trong thời kì nguyệt san, nguy cơ bị nhiễm trùng nấm men được giảm thiểu

Nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng nấm men, bạn có thể nhận thấy rằng nấm men hiếm khi phát triển mạnh trong thời kì diễn ra kinh nguyệt. Lí giải cho điều này, Tiến sĩ Jennifer Wider cho rằng có thể đó là bởi vì máu kinh nguyệt làm tăng độ pH của âm đạo, gây khó khăn cho nấm men phát triển mạnh và do đó nguy cơ nhiễm trùng được giảm thiểu.

Tuy nhiên, độ pH cao, cùng với những thay đổi của nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân khiến một số phụ nữ bị nhiễm trùng vi khuẩn nhiều hơn khi ở trong thời kì này. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để điều trị ngay lập tức nhé.

(Nguồn: Housekeeping)

Chia sẻ