Thuốc trị bệnh ở tai mũi họng: Những lưu ý đặc biệt khi dùng

BS. Nguyễn Bích Ngọc,
Chia sẻ

Thuốc dùng trong tai mũi họng rất đa dạng, có thể dùng theo đường tại chỗ (nhỏ, xịt, bôi) hay toàn thân (uống, tiêm).

Tuy nhiên, khi dùng thuốc điều trị các bệnh về tai mũi họng cần chú ý tới các nguy cơ do thuốc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.

Các loại thuốc thường dùng

Thuốc hạ sốt, giảm đau: Khi có viêm nhiễm ở tai, mũi, họng thường có triệu chứng sốt, đau. Các thuốc thường dùng là paracetamol, aspirin, ibuprofen... Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C. Cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo dùng đúng liều lượng cho từng đối tượng (trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi). Cách 4-6 giờ mới được dùng lại liều kế tiếp (nếu còn sốt). Không được dùng quá liều khuyến cáo vì dễ gây tổn thương gan (đối với paracetamol) hay loét đường tiêu hoá (đối với aspirin). Không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em (dưới 19 tuổi) vì nguy cơ gây hội chứng Reye (tuy hiếm gặp nhưng gây nguy cơ tử vong cao cho trẻ). Bên cạnh tác dụng hạ sốt, các thuốc này còn giúp làm giảm triệu chứng đau.

Thuốc trị bệnh ở tai mũi họng: Những lưu ý đặc biệt khi dùng - Ảnh 1.

Không nên bẻ đôi viên thuốc đối với thuốc dạng viên.

Nhóm thuốc co mạch: Nhóm thuốc này thường dùng trị ngạt mũi, một triệu chứng thường gặp khi có viêm nhiễm ở mũi, xoang. Các thuốc thông mũi (chống ngạt mũi) dùng để nhỏ, xịt trên thị trường hiện nay thường dùng các chất co mạch như ephedrin, xylometazolin, naphazolin… Cơ chế hoạt động của thuốc là gây co mạch tại chỗ, từ đó làm giảm hiện tượng sưng nề, xung huyết và xuất huyết, giúp dịch đọng trong hốc xoang đào thoát nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng dễ thở. Do thuốc chỉ có tác dụng tạm thời giúp thuyên giảm triệu chứng ở người bệnh chứ không có tác dụng chữa nguyên nhân nên chỉ dùng thuốc này từ 3-5 ngày. Nếu dùng kéo dài dễ gây nên tình trạng lệ thuộc vào thuốc, viêm mũi do thuốc…

Do thuốc có tác dụng co mạch nên thuốc có thể gây tăng huyết áp, vì vậy những người bệnh tim mạch (tăng huyết áp) cần thận trọng khi dùng các thuốc co mạch này.

Thuốc ho: Tuỳ theo triệu chứng là ho đờm (ho kèm theo tình trạng khạc ra chất nhầy, đờm) hay ho khan (không có đờm) để dùng thuốc cho thích hợp.

Đối với ho có đờm có thể dùng các thuốc long đờm (terpin benzoat), các thuốc tan đờm (acetylcystein, cystein, carbocistein, bromhexin…). Thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm tạo điều kiện dễ khạc đờm ra ngoài.

Đối với ho khan có thể dùng dextromethophan, codein, các thuốc phối hợp (atussin, decolsin, rhumenol...).

Không được dùng các thuốc trị ho có đờm cùng với các thuốc trị ho khan (giảm ho).

Ngoài ra, có thể dùng các viên ngậm trị ho, viêm họng như viên ngậm bổ phế, trepsin, ngậm lá xạ can tươi hoặc chè mạn (ủ nước chè nóng trong 15 phút rồi ngậm họng) hoặc dùng men kháng viêm tại chỗ như alpha chymotrypsin cũng có tác dụng giảm viêm họng.

Thuốc trị bệnh ở tai mũi họng: Những lưu ý đặc biệt khi dùng - Ảnh 2.

Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng khi có nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng (không dùng trong trường hợp viêm nhiễm do virus). Các thuốc kháng sinh có rất nhiều loại, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ cân nhắc chỉ định loại thuốc, liều lượng phù hợp.

Riêng đối với viêm tai, cần dùng thuốc một cách cẩn trọng hơn. Thuốc có thể được dùng dưới dạng dung dịch, mỡ và bột, thường được chia làm hai loại: Loại thuốc dùng cho những bệnh lý về tai không thủng màng nhĩ và những bệnh lý thủng màng nhĩ. Những loại thuốc nhỏ tai dùng khi màng nhĩ không thủng chủ yếu là những thuốc điều trị bệnh lý của ống tai ngoài như viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai ngoài, chấn thương rách da ống tai như polydexa, thuốc sát trùng tại chỗ betadine... Các thuốc này chứa một số kháng sinh nhóm aminogid (gentamycin, neomycin...). Thuốc dùng cho tai khi màng nhĩ thủng là những thuốc có tác dụng chữa viêm nhiễm mạn tính của tai giữa như otofar, effexin, collydexan, trong đó có chứa những kháng sinh tương đối lành tính như rifamicin, cephalosphorin thế hệ III...

Thuốc trị bệnh ở tai mũi họng: Những lưu ý đặc biệt khi dùng - Ảnh 3.

Điếc không hồi phục là một nguy cơ nguy hiểm khi dùng thuốc.

Và những nguy cơ có thể xảy ra khi dùng thuốc

Thuốc luôn là con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, cho dù là thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn khi người bệnh dùng trị các bệnh ở tai, mũi, họng cần theo dõi, phát hiện các nguy cơ này do thuốc gây ra. Các nguy cơ đó có thể là:

Các tai biến phản ứng toàn thân: Do tai mũi họng là cửa ngõ đường ăn, đường thở, có hệ mạch và thần kinh rất phong phú nên luôn nhớ khi sử dụng thuốc, ngay cả khi tại chỗ cũng có thể gây tai biến, phản ứng nguy hiểm. Ví dụ, cho trẻ sơ sinh nhỏ thuốc nhỏ mũi loại co mạch naphazolin 0,1% gây nguy hiểm đến tính mạng, do độ lan tỏa và co mạch quá mạnh của thuốc làm co thắt các mạch máu não. Hay dùng corticoid qua đường xịt mũi hay khí dung kéo dài sẽ gây xuất huyết đường tiêu hóa ở những người có loét dạ dày, tá tràng, tăng tiến triển các bệnh đường hô hấp ở những người có bệnh đường hô hấp, lao phổi.

Các tai biến, phản ứng phụ: Vì tai mũi họng có hệ thống thần kinh giao cảm phong phú nên các phản ứng phụ của thuốc thường gặp đều có liên quan đến tai mũi họng như chóng mặt, ù tai, buồn nôn. Các phản ứng phụ của thuốc nhiều khi khó tránh khỏi, nếu không được giải thích, căn dặn sẽ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Kháng histamin (kháng H1) thường được dùng trong viêm mũi xoang nhưng lại có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Nếu người bệnh không biết, hoặc không được giải thích kỹ về thời gian uống thuốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu uống thuốc xong lại làm ngay công việc cần sự tỉnh táo như làm việc trên cao, hay lái tàu, lái xe.

Gây tổn thương chức năng của tai mũi họng: Tai mũi họng là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng nên cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng các thuốc có ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan này.

Trước hết với chức năng nghe: Nhiều trường hợp do dùng thuốc dẫn đến điếc, nguy hại hơn nếu xảy ra với bà mẹ mang thai dễ làm cho đứa trẻ bị câm điếc sau này. Kháng sinh gây tác dụng phụ loại này phổ biến nhất là nhóm aminozid. Cần nhớ có những người mẫn cảm thì chỉ với một lượng nhỏ như rắc, nhỏ vào tai cũng gây nên điếc tiếp âm, không có khả năng hồi phục.

Chức năng ngửi: Nếu lạm dụng các thuốc co mạch có thể dẫn tới “hỏng mũi”, làm mất chức năng ngửi. Các thuốc rỏ mũi có thủy ngân (Hg) sẽ gây mất ngửi, thường không hồi phục.

Thuốc trị bệnh ở tai mũi họng: Những lưu ý đặc biệt khi dùng - Ảnh 4.

Gây tổn hại niêm mạc: Niêm mạc mũi xoang với hệ thống lông- nhày hoạt động rất tinh tế. Khi làm thay đổi pH, nhiệt độ, độ nhớt như rỏ mật ong nguyên chất vào mũi sẽ gây tổn hại niêm mạc do độ pH và độ nhớt quá cao.

Các thuốc dùng dài ngày cũng gây tác hại lớn như rỏ các thuốc co mạch (ephedrin, naphazolin) tuy đúng hàm lượng nhưng nhiều lần, kéo dài liên tục sẽ gây viêm mũi do thuốc.

Gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch: Với trẻ nhỏ cần tạo lập hệ thống miễn dịch. Việc sử dụng thuốc kháng sinh, hạ nhiệt trong viêm mũi họng cấp thông thường làm cản trở việc tạo hệ thống miễn dịch hoặc tạo hệ thống miễn dịch không hoàn chỉnh. Ngược lại nhỏ các loại dịch thuốc chưa được nghiên cứu kỹ (các đông dược với hoa lá tươi) có thể sẽ là cách vô hình đưa các dị nguyên vào cơ thể. Nếu nhỏ liên tục thì các dị nguyên này sẽ tác động đến hệ thống miễn dịch và là nguyên nhân gây các phản ứng dị ứng sau này.

Gây kích thích phản ứng tại chỗ: Tai mũi họng là cơ quan có bộ phận cảm giác rất nhạy cảm, do đó các thuốc dùng tại chỗ phải đảm bảo không gây kích ứng để tránh tổn hại niêm mạc hoặc các phản ứng bất thường nguy hại đến cơ thể. Ví dụ: Nhỏ nước tỏi tươi ép vào mũi, họng để sát khuẩn sẽ gây nóng rát, bỏng, tổn hại niêm mạc. Thuốc nhỏ tai về mùa lạnh hay để trong tủ lạnh có nhiệt độ dưới 20 độ C, nếu rỏ ngay vào tai sẽ kích thích tiền đình gây chóng mặt, buồn nôn…

Chia sẻ