Thùng trứng, miếng thịt của ông bà ngoại dành cho con và nỗi nghẹn ngào của những cô gái lấy chồng xa khi Tết về

Zizi,
Chia sẻ

Không có nỗi buồn thương hối hận nào bằng cảm giác chẳng báo đáp đỡ đần gì được cho phụ mẫu, lại còn phiền thêm tuổi già phải thăm nom con gái khi sinh đẻ, Tết tư chẳng được về thăm nhà. Lấy chồng xa khổ lắm ai ơi...

Trong năm vừa qua, đã có biết bao câu chuyện cảm động về tình ông cháu, bà cháu, bố mẹ và con gái lấy chồng xa… khiến nhiều người nhớ mãi. Tất cả đôi khi chỉ thể hiện qua một bức ảnh chụp vội, mờ mờ bóng hình bà ngoại già nua đứng ngoài ô cửa kính xe khách, rưng rưng vẫy tay chào đứa cháu nhỏ, hay ông ngoại mỉm cười cố giấu nước mắt để tiễn con cháu về nội… Nỗi đau, xót xa và tiếc nuối trộn vào với nhau, thành một mớ quặn lòng mà chỉ cô gái nào lấy chồng xa mới hiểu.

Năm hết Tết đến, tháng Chạp đến cũng là lúc các chị các mẹ lấy chồng xa lại buồn một nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha, đau đáu trông về quê ngoại, vì từ ngày lên xe hoa là họ đã biết sẽ không còn được tự do trở về nhà như trước nữa. Muốn đi đâu cũng phải xin phép, ăn Tết nhà ngoại xin phép còn khó hơn. Thế nên, khi một nàng dâu trẻ mở lời kể chuyện bố mẹ ở xa, Tết này lại không được về nhà, bất giác nhiều chị em đồng cảnh cũng lặng lẽ rơi nước mắt.

"Đây là thùng trứng ông bà ngoại dành dụm để gửi cho em đấy ạ. Em lấy chồng cách nhà đẻ 200km, cứ khi nào ông bà để được nhiều trứng là lại gói gói bọc bọc, không mang cho cháu được thì lại gửi xe khách. Mà cũng không phải tiện xe đâu ạ, phải mất 2 chuyến xe khách. đã vậy từ nhà ra chuyến thứ 2 để nhận thùng hàng cũng phải gần 10km cơ.

Thùng trứng, miếng thịt của ông bà ngoại dành cho con và nỗi nghẹn ngào của những cô gái lấy chồng xa khi Tết về - Ảnh 1.

Những món quà quê giản dị mà chan chứa tấm lòng cha mẹ dành cho con gái lấy chồng xa

Thương ông bà lắm, có gì cũng để dành cho cháu, nhớ cháu nhưng không lên thăm được, hầu như tối nào cũng tranh thủ gọi facetime nói chuyện để nhìn cháu. Em sinh bé thứ 2 được 9,5 tháng rồi, lúc đẻ xong về ngoại được 1 tháng, phải ra tết mới được về tiếp. Mọi người có nhìn thấy tiền trong đấy không ạ? Bà nhét thêm vào trong thùng bảo là cho cháu. Chẳng phải nhiều nhặn gì nhưng nhìn đồng tiền mà em rơi nước mắt…

Nhớ ông bà ngoại lắm, 2 năm nay mỗi năm em được về ngoại có 1 lần thôi, ông bà nhớ cháu, nhớ con nhưng cũng không lên chơi nhiều được, phần vì xa, phần vì vợ chồng em có thể nói là vẫn ăn bám ông bà nội. Có ai lấy chồng xa như em không?".

Chỉ một câu hỏi ngắn thôi mà bao nỗi kìm nén bỗng trào ra không dừng lại được. Có chứ, có rất nhiều cô gái chịu cảnh chồng xa là đằng khác. Đâu phải họ muốn thế, tất cả là do duyên trời, lấy chồng phải theo chồng. Có thể lúc tuổi trẻ bồng bột, cô gái nào cũng say đắm trong tình yêu, quyết tâm đi theo tiếng gọi con tim. Nhưng sau khi kết hôn ít lâu, thì người vợ 18 tuổi cũng như 28 thôi, đều có chung một nỗi hối tiếc vì lấy chồng xa, không ở gần để có bát canh cần cũng mang cho bố mẹ đẻ. Chỉ muốn làm lại từ đầu, chọn chồng kỹ hơn một chút, gần nhà hơn một chút, để chăm sóc báo đáp bố mẹ nhiều hơn bây giờ…

Thùng trứng, miếng thịt của ông bà ngoại dành cho con và nỗi nghẹn ngào của những cô gái lấy chồng xa khi Tết về - Ảnh 2.

Bao cảnh bà cháu chia ly nghẹn ngào ứa nước mắt, chồng gần sao không lấy con ơi...

Như người vợ trẻ viết tâm sự ở trên, cô thấm thía biết bao cái cảm giác đau lòng, nhớ nhà từ ngày thành gia lập thất. Ở cữ được 1 tháng với ông bà mà cảm giác trôi nhanh như chớp mắt, sao ngày bé lại toàn muốn rời nhà đi chơi, chẳng bao giờ muốn ở nhà cùng bố mẹ. Trưởng thành rồi, lại tự trách bản thân không biết trân quý những giây phút tự do đã qua, thèm một bữa cơm mẹ nấu, thèm cảm giác bị cha mắng, mà lấy chồng xa rồi chẳng thấy cha quát mắng nữa bao giờ. Chỉ còn những nụ cười khi con cháu về thăm nhà, và tiếng thở dài xen nước mắt lúc chia xa…

Thùng trứng gà cẩn thận phủ toàn thóc cho khỏi vỡ, kèm theo gói gạo lứt ông bà gửi cho con ăn thêm sữa nuôi cháu, vài trăm nghìn bà nhét thêm để chăm cháu ngoại, ôi sao mà chan chứa tình yêu thương. Giá trị của những món ấy không lớn, nhưng tình cảm ông bà dành cho con cháu thì trời biển cũng chẳng thể so bằng. Hàng trăm bà mẹ trẻ khác đã ngậm ngùi chia sẻ tâm trạng, cùng chung nỗi nhớ nhà khi nhìn thấy thùng trứng đơn sơ ấy.

"Mình cũng giống mẹ này. Lấy chồng 6 năm thì 2 năm đầu được về nhà vài lần, Tết qua thăm hỏi được ngày mùng 1. 4 năm nay thì hầu như chẳng được về nữa, con cái lít nhít, mẹ chồng thì bóng gió ra vào, Tết tư phải ở nhà chồng quán xuyến. Dù 2 nhà cách nhau có mấy chục cây số.Chồng cũng chỉ biết an ủi chứ chẳng giúp được gì". Một mẹ bỉm chia sẻ.

Thùng trứng, miếng thịt của ông bà ngoại dành cho con và nỗi nghẹn ngào của những cô gái lấy chồng xa khi Tết về - Ảnh 3.

Tâm sự một mẹ bỉm khác: "Cả năm được dịp giáp Tết, ông bà thịt lợn cũng để dành hết phần ngon gửi cho con cháu ở xa"

"Nhắc lại thấy khổ tâm. Ngày xưa mẹ gàn, nói tìm hiểu kỹ rồi hãy cưới, mình bướng nhất quyết không nghe. Giờ ở thành phố, bố mẹ ở quê, chẳng thấy sướng đâu chỉ thấy mệt mỏi, stress đủ thứ chuyện, xin về quê tháng 1 lần, mà Hà Nội Hưng Yên thì có gì xa xôi, mà chồng cũng hậm hực khó chịu, thành ra giờ chỉ biết âm thầm ôm con nhớ nhà".

Người khác thì buồn phiền như sắp khóc: "Ai mong đến Tết chứ em thì chẳng mong. Lấy chồng tận trong Nam, cách 2 đầu đất nước, ngày nào cũng gọi điện facetime các kiểu nhưng chỉ thèm được đắp chăn ôm mẹ như ngày xưa thôi".

Thùng trứng, miếng thịt của ông bà ngoại dành cho con và nỗi nghẹn ngào của những cô gái lấy chồng xa khi Tết về - Ảnh 4.

Quà quê hàng tháng của một cô gái may mắn được nhà chồng cởi mở, cho thăm nhà thường xuyên

Một vài cô gái khác thì may mắn hơn, cũng lấy chồng xa nhưng được về nhà thoải mái, vợ chồng ở riêng, ông xã cũng tâm lý: "Ngoại nhà em tuần 1-2 lần gửi chuối, trứng, thịt gà cả đống, ít thì tháng 1-2 lần. Bố em mất 6 năm rồi, còn mỗi mẹ và em trai. May mắn chồng mình tâm lý nên Tết năm nay bảo cả nhà về ngoại. Cảm động rơi nước mắt, hồi hộp đợi đến ngày lên xe. Thương mẹ nó quá, cố gắng lên".

Được nhiều người hỏi han quan tâm, bà mẹ trẻ khơi đầu câu chuyện nhớ nhà ở trên đã chia sẻ thêm rằng, bố mẹ mình vẫn đi làm Nhà nước, lúc sinh bé thứ 2 bà ngoại phải lên trực trước hẳn 2 tuần mới đến ngày cháu ra đời. Bà ở lại chăm nom con cháu, đến hôm đầy tháng lại lục tục về, con gái cố gắng không dám khóc trước mặt mẹ, tiễn mẹ đi rồi nằm ôm em bé, cả hai cùng khóc. Không có nỗi buồn thương hối hận nào bằng cảm giác chẳng báo đáp đỡ đần gì được cho phụ mẫu, lại còn phiền thêm tuổi già phải chăm sóc con khi sinh đẻ, rồi thẫn thờ khi con gái làm dâu nhà người gặp những chuyện không vui…

Thôi thì, năm hết Tết sang, có buồn thì cũng nén lại một chút thôi chị em ạ. Cái gì mình đã lựa chọn thì cố gắng để biến nó thành điều tốt đẹp, đừng nghẹn ngào quá mà đau lòng mẹ cha. Ai cũng hiểu tấm lòng phụ mẫu dành cho con cái, nếu đã lỡ xa bố mẹ rồi thì nên sống thật hạnh phúc, vui vẻ để họ an lòng, chị em nhé!

Chia sẻ