Thực trạng ngao ngán: Khi Ban quản trị chung cư không còn đại diện cho quyền lợi của cư dân

Hoa Hồng,
Chia sẻ

Khi mô hình sống tại chung cư đã trở nên phổ biến và hình thức Ban quản trị được phép đại diện vận hành một số tiền không nhỏ thì những biến đổi xảy ra khiến họ không còn là những người đại diện cho quyền lợi của toàn bộ cư dân nữa.

Ngày xưa, Ban quản trị (BQT) chung cư/tập thể hầu hết là nơi của những người hưu trí, hoặc nếu còn trẻ, thì cũng phải rảnh rỗi, chấp nhận tốn sức cho những công việc được gọi vui là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".

Thế nhưng ở xã hội hiện đại, khi sống ở chung cư đang ngày càng trở nên phổ biến, khi Ban quản trị được phép đại diện vận hành số tiền không nhỏ, thì cái "ngày xưa" đó lại biến đổi hoàn toàn, BQT không còn là những người đại diện cho quyền lợi của toàn bộ cư dân nữa.

Từ những mục đích tốt đẹp và "vui cả làng"…

Theo quy định tại Điều 103 Luật Nhà ở 2014, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị (BQT) nhà chung cư. Những người trong BQT sẽ đại diện cho cư dân trong việc quản lý, điều hành các hoạt động chung của tòa nhà như thuê mướn dịch vụ bảo vệ, mua sắm, sửa chữa, cho thuê các không gian sinh hoạt chung... Họ có lương, dù khá thấp, được trích từ những khoản đóng góp chung hoặc từ quỹ bảo trì tòa nhà.

Thực trạng ngao ngán: Khi Ban quản trị chung cư không còn đại diện cho quyền lợi của cư dân - Ảnh 1.

Mục đích thành lập BQT, và nhiệm vụ của BQT chung cư là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư dân để phản ánh với doanh nghiệp quản lý vận hành ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ; kiểm tra các báo cáo thu, chi tài chính về quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư… 

Ngoài ra, BQT còn có thể kiểm tra, đôn đốc cư dân thực hiện đúng nội quy của từng chung cư và các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư… 

Tất cả những công việc này sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, trong một chung cư vẫn được ví như "một xã hội thu nhỏ" với hàng trăm, hàng nghìn người cùng sinh hoạt trong một diện tích chung của tòa nhà.

Không thể phủ nhận những thành viên BQT của rất nhiều tòa chung cư đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ khi được cư dân và chính quyền tin tưởng giao phó. 

Họ là những người có đóng góp rất lớn để duy trì sự ổn định và phát triển của mô hình nhà chung cư, góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân nói riêng và của xã hội nói chung.

... Đến những tranh chấp, bất hòa khi BQT chỉ nghĩ tới quyền lợi cá nhân

Thực trạng ngao ngán: Khi Ban quản trị chung cư không còn đại diện cho quyền lợi của cư dân - Ảnh 2.

Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ tranh chấp giữa cư dân với chính BQT đã xảy ra ở nhiều khu chung cư, về cách làm việc thiếu hiệu quả, thiếu năng lực và không minh bạch…

Hình ảnh cư dân treo băng rôn phản đối BQT vì không thực hiện đúng cam kết, không công khai tài chính, mập mờ trong quản lý thu chi đang diễn ra rất phổ biến, khiến cho những mục đích tốt đẹp ban đầu khi thành lập BQT tòa nhà hoàn toàn bị lãng quên.

BQT nhiều chung cư hiện có còn hoạt động đúng nghĩa là bộ phận bảo vệ lợi ích hợp pháp của cư dân chung cư hay không? Khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè để mua bán, chiếm lòng đường nội bộ làm bãi đậu ô tô. 

Rồi chuyện nuôi chó mèo, cho phóng uế từ bãi cỏ đến hành lang, thang máy... nhưng không có ai đứng ra nhắc nhở. 

Rồi BQT được chế tài cư dân bằng hình thức "cúp điện - nước sinh hoạt, ngừng cung cấp các dịch vụ" nhưng ngược lại, người dân không được ngừng đóng phí quản lý nếu BQT không đáp ứng đúng và đủ các dịch vụ quản lý theo hợp đồng.

Sẽ có người nói rằng, những tranh chấp này hoàn toàn có thể tránh từ công đoạn bầu chọn những người được vào BQT tòa nhà. 

Tuy nhiên, hiện tại, vì lợi ích cá nhân, không ít trường hợp người ứng cử sau thời gian đầu ghi điểm bằng sự năng nổ, nhiệt tình để được vào bộ máy BQT thì đã quay lưng lại lợi ích chung, lo cho lợi ích riêng nhiều hơn. 

Dần dần, tình trạng BQT nhập nhèm thu chi các loại quỹ hoặc đơn giản là đứng về phía chủ đầu tư để lấp liếm các sai phạm, cố tình lờ đi trách nhiệm của mình và nhận lợi ích từ bên thứ ba... Cư dân có bức xúc rồi cũng phải chịu đựng, vì có phản ánh cũng sẽ chỉ nhận lại sự đùn đẩy giữa các bên.

Hiện các BQT ngay khi được thành lập, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại khoản tiền phí bảo trì có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tòa nhà còn có những khoản thu chi phát sinh như thu phí dịch vụ, thu phí dịch vụ quảng cáo, thuê một số phần diện tích trong tòa nhà… 

Các thành viên trong BQT cũng là người quyết định cuối cùng về việc lựa chọn đơn vị quản lý, cung ứng các dịch vụ… Chính vì những quyền hạn quá lớn này mà tình trạng lạm quyền xảy ra một cách "tinh vi" hơn.

Và khi cư dân yêu cầu cung cấp những thông tin thuộc về quyền và lợi ích hợp pháp của họ, thì nhiều BQT lại "giữ quyền im lặng", và người chịu thiệt hại cuối cùng chính là toàn bộ cư dân của tòa nhà. 

Mô hình BQT chung cư nếu không hoạt động tốt sẽ thành "có thì thừa, không có thì thiếu". 

Đây là vấn đề không dễ giải quyết trong thời gian ngắn, và cần sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng, làm sao để có thể tìm ra phương hướng giải quyết tốt nhất và sớm chấm dứt tình trạng "nội chiến" này.

Chia sẻ