Thực hư đông trùng hạ thảo "made in Việt Nam"

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Dựa vào đặc điểm địa hình, khí hậu giúp đông trùng hạ thảo (ĐTHT) sinh sôi, phát triển, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á cũng bắt tay vào tìm kiếm loài sinh vật nửa con, nửa cây kỳ lạ này.

Trong số đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước tiếp theo sau Trung Quốc tuyên bố tìm ra ĐTHT. Ở nước ta, các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu đề tài này từ khá lâu và cho thấy nhiều kết quả khả quan; hứa hẹn trong tương lai không xa, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được sử dụng vị thuốc quý hiếm "của nhà trồng được".

Thực hư đông trùng hạ thảo
Những khu vực địa hình cao của nước ta như Sa Pa, Lâm Đồng… có đủ điều kiện để nuôi trồng đông trùng hạ thảo (ảnh V.X).

Phát hiện đầu tiên từ ấu trùng xén tóc

Nghiên cứu đầu tiên về ĐTHT Việt Nam được công bố là của GS. Đái Duy Ban, nguyên Giám đốc Trung tâm Hóa sinh Ứng dụng và Chủ tịch Hội Hóa sinh Y học Việt Nam. GS. Ban cùng các cộng sự bắt tay vào tìm kiếm ĐTHT từ năm 2003, sau khi nghiên cứu kỹ càng điều kiện sinh trưởng của loài Đông dược này. Nhóm nghiên cứu đã đi rất nhiều nơi, từ dãy Hoàng Liên Sơn tuyết phủ đến dãy Trường Sơn mây mù - những khu vực có độ cao lý tưởng cho ĐTHT phát triển.

Công cuộc tìm kiếm khá khó khăn; không chỉ bởi địa hình, khí hậu mà còn bởi niềm tin mông lung về một loại sinh vật nằm sâu dưới lòng đất chưa ai dám khẳng định nó có tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, đúng như dự đoán của nhiều người rằng thổ nhưỡng nước ta hoàn toàn phù hợp với ĐTHT; năm 2009, lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS. Ban tuyên bố tìm thấy ĐTHT trong tự nhiên. Loài trùng thảo này được đặt tên khoa học là Isaria Cerambycidae vì phát triển trên ấu trùng xén tóc thuộc họ Cerambycidae.

Xén tóc là loài côn trùng rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Chúng có kích thước lớn, con đực dài khoảng 35-40mm, rộng khoảng 10-15mm. Theo như nghiên cứu của GS. Đái Duy Ban thì chu trình hình thành ĐTHT từ xén tóc Việt Nam tương tự như từ sâu bướm ở Trung Quốc. Xén tóc đẻ trứng dưới đất, mỗi con có thể đẻ khoảng 300 trứng. Trứng đẻ vào mùa hè và khoảng 14-15 ngày thì nở thành ấu trùng. Ấu trùng phát triển trong đất, dạng sâu không có chân, đầu màu nâu. Sau đó, ấu trùng biến thành nhộng ở trong kén.

Nhộng trưởng thành có dạng ấu trùng cánh cứng, màu trắng vàng có đủ mắt, chân và mầm cánh để sau đó thành xén tóc. Khi trong lòng đất, một số ấu trùng xén tóc nhiễm nấm, vì đau nên chúng cố bò lên cách đất 2-3 mm thì chết. Sau đó, nấm xâm chiếm toàn bộ ấu trùng. Xác nó nằm uốn mình, đầu mọc các cây nấm mầu trắng, phần đuôi và đầu phình to. GS. Ban cho biết, ngoài xén tóc thì ấu trùng của các loài ve sầu, châu chấu, chuồn chuồn... cũng có thể là vỏ bọc để loài nấm ĐTHT lợi dụng để sinh trưởng. Sau khi phát hiện ĐTHT trên ấu trùng xén tóc, nhóm nghiên cứu của GS. Ban đã tiến hành phân tích các acid amin bằng máy phân tích sắc ký acid amin và thấy rằng, có 17 acid amin trong loài trùng thảo này; trong đó nhiều acid amin mà ngay con người cũng không tổng hợp được.

"Chất lượng ĐTHT từ xén tóc ở Việt Nam không thua kém gì các nước bạn. Cordyceps - loại nấm phát triển trong ấu trùng sâu bướm ở Trung Quốc thuộc ngành Ascomycota, lớp Ascomycetes. Có tới 600 loài nấm khác nhau thuộc chủng này và có 21 loại có thành phần tương tự Cordyceps. Loại nấm Isaria mà chúng tôi tìm thấy nằm trong 21 loại ấy. Trong trùng thảo Việt Nam chứa hàm lượng cao cordycepin, acid cordyceptic, adenosine, nội tiết tố steroid, nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine-Analogs)… có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị ung thư, khối u, suy thoái thận, phổi, gan, lão hóa tuổi già, các bệnh virus (HIV/AIDS), điều hòa đường huyết, phục hồi chức năng tình dục... Chúng tôi đã tiến hành nuôi cấy trùng thảo trong tự nhiên thành công, hi vọng trong tương lai nguồn dược liệu này sẽ phục vụ đủ nhu cầu của người dân trong nước", GS. Ban cho biết.

Thực hư đông trùng hạ thảo
GS. Đái Duy Ban giới thiệu về trùng thảo tìm thấy từ ấu trùng xén tóc (ảnh V.X).

Nghiên cứu về ĐTHT Việt Nam của nhóm các nhà khoa học do GS. Đái Duy Ban đứng đầu đã nhận được giấy khen xuất sắc tại Hội nghị Sinh học phân tử và Hóa sinh Y học toàn quốc lần 2 của Bộ Y tế. Sau nghiên cứu thực nghiệm, GS. Ban cùng các cộng sự tiếp tục nhân nuôi thành công khối lượng lớn ĐTHT và tiến hành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh dưới dạng bột, nước, viên nén, viên nang.

Nhiều nghiên cứu khả quan tiếp theo

Sau phát hiện đầu tiên của GS. Đái Duy Ban, năm 2010, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục công bố về việc phát hiện loài nấm có tên Cordyceps takaomontana Yakushiji & Kumazawa có chứa các thành phần tương tự ĐTHT. Theo các nhà khoa học, đây là loại dược liệu quý, sản sinh ra hợp chất có tác dụng điều trị bệnh ung thư và bệnh máu trắng ở người. Hiện loài nấm này được ghi nhận phân bố ở rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh, ở độ cao 800-1.000 m so với mặt nước biển tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) và Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Nấm thường mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, chùm, sống ký sinh trên nhộng thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera). Đây loại dược liệu quý, vốn được nuôi trồng và sử dụng ở Hàn Quốc đã lâu, nhưng nay mới được phát hiện và mô tả lần đầu tại Việt Nam.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng cũng cho biết đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu, sản xuất loại nấm đông trùng hạ thảo dâu tằm (Paeclomyces tenuipes hay Cordyceps takaomontana) sau 4 năm nghiên cứu. Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam hoàn tất quy trình hoàn chỉnh về sản xuất đông trùng hạ thảo trên con tằm, một loại côn trùng được người dân Việt Nam nuôi từ lâu đời; với quy trình này, có thể sản xuất đại trà loại dược liệu quý này ngay trên đất Lâm Đồng.

ĐTHT hiện có ba loại khác nhau, gồm loại có sẵn trong tự nhiên, loại nuôi cấy bằng phương pháp lên men và loại nuôi cấy nhân tạo. Loại thứ nhất thu hái trong tự nhiên hiện rất hiếm và có giá rất đắt (khoảng 1 tỷ đồng/kg). Loại thứ hai được thực hiện trong phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại tốn kém. Loại thứ ba là nuôi cấy nhân tạo trong môi trường tự nhiên theo một quy trình riêng, có thể sản xuất đại trà. Với nhiệt độ trung bình 23-25 độ C, Bảo Lộc (Lâm Đồng) là "thủ phủ" của ngành sản xuất dâu tằm phía Nam nên rất thuận lợi để sử dụng vật chủ - nhộng và dâu tằm nuôi cấy thành sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo dâu tằm.



Thực hư đông trùng hạ thảo
Chia sẻ