Thực đơn giải độc cho những ngày giao mùa đỏng đảnh

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Gợi ý thực đơn dưới đây với đủ đầy màu sắc ắt hẳn sẽ chiều lòng ngũ quan và bồi bổ sức khỏe cả gia đình đấy nhé!

Những ngày giao mùa, thời tiết thường khá ẩm ương với những ngày nắng mưa thất thường khiến cơ thể bạn dễ ốm hay khó chịu. Chú ý bồi bổ sức khỏe một chút bằng cách lựa chọn những món ăn giàu dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cơ thể sẽ giúp bạn và người thân khỏe khoắn hơn, đi qua những ngày đỏng đảnh một cách thật dễ chịu và ôn hòa. Gợi ý thực đơn dưới đây với đủ đầy màu sắc ắt hẳn sẽ chiều lòng ngũ quan và bồi bổ sức khỏe. 

Món canh: Canh chân giò hầm ngô ngọt

Canh chân giò hầm ngô rất bổ dưỡng. Món canh có vị ngọt từ chính nước thịt, nhờ đó vị ngọt cũng thanh hơn, không ngán giống như cách hầm xương thông thường. Vị ngọt từ tự nhiên sẵn có của ngô non khi được kết hợp nước thịt sẽ trở thành một món canh thơm ngon hấp dẫn và có hàm lượng dinh dưỡng cao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể rất hiệu quả.

Để nấu canh chân giò hầm ngô bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:

-2 bắp ngô ngọt

-300g ốc xà cừ

-300g thịt chân giò

-10g kỷ tử

-1 lít nước

-½ muỗng cà phê muối

Ngô lột vỏ, giữ lại phần râu ngô sau đó đem rửa sạch lại, cắt thành từng khoanh tròn dày chừng 5-7cm. Ốc xà cừ, thịt và kỷ tử rửa sạch, để riêng từng loại.

Đun sôi nồi nước, cho ốc xà cừ vào luộc chừng 5 phút rồi vớt ra bát, để nguội. Ốc xà cừ cắt làm đôi cho vừa ăn.

Chuẩn bị một nồi khác, thêm 1 lít nước rồi đun sôi. Thêm ngô, râu ngô, ốc xà cừ và thịt bắp giò vào đun sôi, khi nước sôi thì hạ lửa vừa, đậy nắp vung và nấu chừng 1 giờ. Nếu có nồi áp suất, bạn có thể đổ các nguyên liệu vào nồi ở bước này để tiết kiệm thời gian nấu nướng.

Sau 1 giờ, mở nắp vung (ninh bằng nồi áp suất thời gian chỉ còn 30 phút), cho kỷ tử vào, thêm muối cho vừa ăn, đậy nắp lại và nấu thêm 15 phút nữa.

Món xào: Rau cải thìa xào tỏi

Rau cải có tính mát, thanh nhiệt, đã bắt đầu vào mùa nên rau cải rất ngọt. Tỏi tươi cũng giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cải thìa xào tỏi có màu xanh bắt mắt lại thơm lừng hương tỏi cung cấp nhiều vitamin và chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa và cũng là một món ngon giải nhiệt. Trong mâm cơm ngày giao mùa, đừng quên bổ sung một đĩa rau cải xào tỏi cho thực đơn trở nên hoàn hảo hơn nhé!

Để làm rau cải xào tỏi bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:

-200g rau cải

-10g tỏi bằm

-10g gừng băm nhỏ

-200ml nước dùng (có thể thay bằng nước sôi tùy ý)

Cách làm:

Làm nóng chảo với 2 muỗng canh dầu, trút gừng và tỏi vào phi thơm trong 30 giây rồi cho rau cải vào xào nhanh trong 2 phút.

Khi màu sắc rau trở nên tươi hơn, thêm chút nước nếu cần rồi tiếp tục đảo đều.

Nêm chút muối vừa ăn, đảo lại chút nữa cho thấm vị rồi tắt lửa.

Món mặn: Cánh gà chiên giòn

Cánh gà chiên thơm nứt mũi với lớp vỏ giòn rụm và lớp thịt mềm ngọt bên trong luôn có sức hấp dẫn với các thực khách gia đình. Chấm thêm chút tương ớt cay cay hay sốt mayonnaise béo ngậy sẽ càng thêm kích thích. Sự hiện diện của món cánh gà chiên ắt hẳn sẽ tăng thêm khẩu vị và đưa cơm hơn hẳn.

Để làm cánh gà chiên giòn bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:

-6 cái cánh gà

-30g bột chiên giòn

Gia vị ướp cánh gà: 1 tép tỏi, 20ml xì dầu; 8g đường; 4g muối;

Cách làm:

Cánh gà rửa sạch, ướp với chút muối, tỏi bằm và xì dầu rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, để vào ngăn mát tủ lạnh ướp qua đêm. Khi lấy cánh gà ra khỏi tủ lạnh, lần lượt lấy từng cái lăn qua lớp bột chiên giòn.

Làm nóng chảo với lượng dầu ngập mặt, chờ dầu nóng rồi thả cánh gà vào chiên cho đến khi ngả màu vàng nâu thì gắp cánh gà ra đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu cho ráo bớt dầu thừa.

Món tráng miệng: Sữa gừng

Trong những ngày thời tiết thay đổi, lúc oi bức, lúc mát mẻ khiến cơ thể dễ mệt mỏi thì một bát sữa gừng không chỉ giúp ấm bụng mà còn hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Sau bữa ăn, thêm một bát sữa gừng, ngọt vị sữa, thơm ấm vị gừng cũng giúp bạn thư giãn và dễ chịu hơn.

Để làm sữa gừng bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

-250ml sữa

-20g đường

-1 nhánh gừng nhỏ

Cách làm:

Gừng cạo vỏ, băm nhỏ

Cho gừng ra bát, thêm 1 muỗng canh nước ấm rồi dùng muỗng dầm gừng cho nước gừng tiết ra.

Đổ bát nước gừng qua rây, lọc lấy nước cốt rồi đổ vào bát con.

Đổ sữa vào nồi nhỏ có đáy dày, đun sữa trên lửa vừa đến khoảng 80 độ chứ không đun sôi.

Nhấc nồi sữa ra khỏi bếp rồi ngay lập tức đổ phần sữa vừa đun này vào bát nước gừng, để nguyên bát sữa gừng chứ không hòa đều chừng 3 phút.

Chúc bạn thành công và ngon miệng nhé!

Chia sẻ