Thời tiết nắng nóng: tăng nguy cơ bệnh đường hô hấp và tiêu chảy ở trẻ

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Khi thời tiết vào hè, tại các bệnh viện, số bệnh nhân nhi và người già đến khám bệnh đường hô hấp và tiêu chảy ở trẻ tăng đột biến.

Trẻ chủ yếu bị bệnh đường hô hấp và tiêu chảy


Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, trong tuần nghỉ lễ, cả khối nhi của BV có khoảng 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Riêng khoa Nhi tổng hợp có 45 giường bệnh nhưng phải tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhi. Ngay sáng 4-5, khoa đã tiếp nhận 6 trường hợp vào nằm điều trị do tiêu chảy, sốt phát ban, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính… Hiện tại, bệnh nhi đang điều trị tại đây là 48 trường hợp.

Còn tại BV Nhi Trung ương, dù ngày nghỉ lễ nhưng số trẻ đến khám vẫn xấp xỉ ngày thường. Sau kỳ nghỉ dài, số trẻ đến khám trong sáng 4-5 cũng tăng mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, sau đợt nghỉ lễ, bệnh nhi nhập viện thường tăng lên do nắng nóng kéo dài. Có hai nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết nắng nóng, đó là bệnh đường hô hấp cấp tính và rối loạn tiêu hóa. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một nhóm bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương viêm cấp tính ở một phần hay toàn bộ hệ thống đường hô hấp kể từ tai, mũi, họng cho đến phổi, màng phổi.

Nguyên nhân do mùa nắng nóng, trẻ hay nằm điều hòa, môi trường bên ngoài và môi trường trong phòng điều hòa có sự chênh lệch lớn khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng, trẻ được bố mẹ đưa đi chơi, hóng gió rồi ăn những loại đồ ăn, thức uống ngoài đường không được bảo quản, chế biến hợp vệ sinh nên nguy cơ ăn phải những thực phẩm nhiễm khuẩn, lên men gây tiêu chảy càng tăng.

bệnh đường hô hấp, tiêu chảy ở trẻ 1
Số bệnh nhân nhi và người già đến khám bệnh đường hô hấp và tiêu chảy ở trẻ tăng đột biến. Ảnh: M.T

Thời tiết nắng nóng khiến thức ăn rất dễ bị ôi thiu, tăng trưởng các loại vi khuẩn E.coli, shigella, virus, phẩy khuẩn tả… Các vi khuẩn hay siêu vi này theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính, niêm mạc và gây rối loạn hấp thu. 

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng của bệnh tiêu chảy như nôn, sau đó, đi tiêu ra phân nước lợn cợn, có đàm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng chướng. Tùy theo trẻ bị bệnh tiêu chảy nhiều hay ít mà dẫn đến trình trạng mất nước nặng hay nhẹ. 

Phương pháp điều trị chủ yếu là bù dịch cho trẻ để tránh mất nước, như: oresol, nước dừa, nước lọc… Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị phù hợp.

Lưu ý phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết nắng nóng

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30 độ C, nhất là tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. 

Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt tăng lên, ho nhiều, tiêu chảy, mất nước (mắt trũng, môi khô, khát liên tục… thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

bệnh đường hô hấp, tiêu chảy ở trẻ tăng lên 2
Nếu trẻ có dấu hiệu không khỏe, cần cho trẻ đi khám sớm. Ảnh: M.T

Mùa hè là mùa du lịch, vì vậy, khi trẻ đi chơi xa, sự thay đổi về môi trường, thức ăn hoặc thời tiết nắng nóng, không thuận lợi khiến cơ thể mệt mỏi dễ ốm, sốt, viêm mũi họng, bội nhiễm viêm phế quản, phổi. 

Với tình trạng tiêu chảy, nôn nhiều ở trẻ nhỏ cần được xử lý bù nước bằng oresol kịp thời. Còn với những trường hợp trẻ bị dị ứng, mẩn ngứa do côn trùng đốt cũng cần được xử lý, bôi thuốc đúng cách để tránh nguy cơ nhiễm trùng, viêm da. 

Không tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt. 

Khi ra ngoài trời nắng cần đội mũ rộng vành. Không uống nước chưa được đun sôi, không ăn, uống các loại nước giải khát bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh. 

Luôn cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước để tạo cho trẻ sức đề kháng tốt chống lại bệnh tật. 
Chia sẻ