Thời điểm bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Theo NguoiLaoDong,
Chia sẻ

Theo cảnh báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ nay đến cuối năm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng là rất cao.

Vào những tháng nắng - mưa thất thường như hiện nay, các bệnh viện (BV) nhi ở TP HCM thường bị quá tải. Trong khi các bệnh về hô hấp, tiêu hóa đang gia tăng thì nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đã được báo động.

“Chúng tôi lo ngại tháng 9 tới”

Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, tình trạng chật chội của mấy tháng trước - khi TP HCM đối phó dịch sởi - đã không còn. “Hiện nay, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết không nhiều. Năm nay không có quá nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng phải điều trị nội trú, một phần vì đây chưa phải là thời điểm đỉnh dịch. Bệnh nhi bị sởi cũng đã giảm mạnh, hầu như không còn. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại tháng 9 tới vì đó mới là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh” - bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết.

Thời điểm bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khảo sát môi trường ổ tiêu chảy cấp tại huyện Bình Chánh, TP HCMẢnh: Nguyễn Thạnh

Cũng tại BV Nhi Đồng 1, theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trong những tuần qua, chỉ có rải rác vài ca tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng phải vào điều trị nhưng đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khu khám bệnh của BV này vẫn luôn đông bệnh nhi do phải tiếp nhận nhiều ca bệnh về hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng… ở mức độ nhẹ đến từ các tỉnh lân cận mà lẽ ra có thể xử trí ở tuyến dưới.

Theo các BS nhi khoa, tháng 9 sẽ là thời điểm đáng lo ngại bởi nhiều dịch bệnh có thể cùng tăng cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp… “Thời điểm nhập học, nhiều trẻ tập trung tại các trường có thể tạo cơ hội cho bệnh lây lan. Bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ tăng vì đỉnh dịch thường nằm ở cuối mùa mưa. Tuy nhiên, nhiều trẻ chưa đi học cũng mắc tay chân miệng vì bị lây truyền từ phụ huynh. Do vậy, cha mẹ nên hết sức lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc con. Nếu trẻ sốt đến ngày thứ hai hoặc sốt quá cao mà không hạ dù đã dùng thuốc thì cần đưa đến BV ngay” - BS Tiến khuyến cáo.

Theo Sở Y tế TP HCM, bệnh tay chân miệng trong tháng 7 có giảm hơn tháng 6, với số ca nhập viện trong tuần dao động khoảng 100 đến 200. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng khoảng 31%.

Riêng số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 7 đã tăng 47% so với tháng trước. Hầu hết các quận - huyện có người mắc sốt xuất huyết nhập viện đều tăng so với tháng trước. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cảnh báo từ nay đến cuối năm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng là rất cao.

Bệnh hô hấp, tiêu hóa gia tăng

Tại BV Nhi Đồng 2, tình trạng quá tải ở các khoa nội trú vẫn xảy ra nhưng chủ yếu do lượng bệnh nhi hô hấp, tiêu hóa gia tăng. BS Trịnh Hữu Tùng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của BV, cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 6.000 bệnh nhi ngoại trú, còn số điều trị nội trú thường dao động 1.700 - 1.800 cháu trong khi BV chỉ có 1.400 giường. Đông nhất hiện nay là bệnh hô hấp, đã bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 6 và 7. Bệnh tiêu hóa cũng đã tăng khoảng 1 tuần nay khi TP HCM bước vào đợt nắng nóng. Có thể các cháu đã dùng những loại thực phẩm, thức uống không hợp vệ sinh bán trên hè phố. Dù quá tải nhưng đây vẫn chưa phải thời điểm bệnh nhân đông nhất trong năm”.

Khoa Hô hấp của BV Nhi Đồng 1 hiện cũng quá tải bệnh nhân. Tuy nhiên, theo các BS, đây chỉ mới ở đầu mùa dịch, đến khoảng tháng 9 thì tình hình có thể còn trầm trọng hơn.

“Thường ở các nước, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng lên vào mùa đông nhưng ở nước ta thì ngay cả mùa hè cũng đông bệnh nhi. Khu vực phía Bắc có 2 đỉnh dịch: Vào khoảng tháng 8, khi thời tiết nóng bức nhất và đỉnh dịch cao nhất nằm ở tháng 3 khi trời trở lạnh. Còn ở miền Nam, bệnh nhi hô hấp lại đông nhất vào khoảng tháng 8, 9, 10. Trong đó, tháng 9, 10 là cao điểm, tháng 11 mới giảm dần. Hiện nay, bệnh hô hấp điều trị ngoại trú ở BV chúng tôi thường là nhóm bị viêm đường hô hấp trên. Trong khi đó, nhóm nặng nằm ở Khoa Hô hấp là bị viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…” - BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, lưu ý.

Theo BS Tuấn, ngoài nguyên nhân do thời tiết mưa - nắng thất thường ở TP HCM và tình trạng virus, vi khuẩn có điều kiện tăng trong mùa mưa, trẻ em còn dễ bị bệnh hô hấp trong thời điểm này bởi thói quen sử dụng máy lạnh, quạt máy trong gia đình. Nhiều người nghĩ cần để con cái thoáng mát nên đã lạm dụng những phương tiện này trong khi trẻ em vốn cần ấm hơn người lớn.

“Với người già và trẻ em, tuyệt đối đừng để quạt máy hướng trực tiếp vào người mà nên để ở chế độ chuyển động qua lại và dùng số nhỏ nhất. Với máy lạnh, đừng nên để nhiệt độ trong phòng quá chênh lệch so với bên ngoài vì như thế trẻ sẽ rất dễ bệnh” - BS Tuấn khuyên.

Tiêu chảy cấp ​đáng lo nhất

Cảnh báo của ngành y tế TP HCM cho thấy nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Trong đó, “nóng” nhất là bệnh tiêu chảy cấp với 2 ổ dịch gây ra 2 ca tử vong tại huyện Bình Chánh. Kết quả xét nghiệm về môi trường và thực phẩm tại đây do Viện Pasteur TP HCM thực hiện cho kết quả dương tính V.cholera 01 tuýp huyết thanh Inaba - tuýp gây bệnh tả ở nước ta.

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, không thể coi thường vi khuẩn E.coli bởi đây chính là nguyên nhân gây ra vụ tiêu chảy cấp ở Đức năm 2011 khiến 40 người tử vong và hơn 4.000 ca mắc. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, TP HCM ghi nhận 3.541 ca tiêu chảy cấp.

Chia sẻ