Thị trường vắc-xin dịch vụ bị thao túng?

Theo Tiền phong,
Chia sẻ

Tình trạng hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) thực ra chỉ là giọt nước tràn ly cho thấy phương thức cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin dịch vụ còn nhiều bất hợp lý và sự bất ổn từ nguồn cung cấp. Câu hỏi lớn là tại sao các nước trong khu vực phong phú nguồn vắc-xin trong khi Việt Nam “khủng hoảng”?

Thị trường vắc-xin dịch vụ bị thao túng?
Những người may mắn đăng ký thành công qua tổng đài 1080 để có được 1suất tiêm vắc-xin dịch vụ Pentaxim tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vào sáng 30/12. Ảnh: Quốc Ngọc

Nguồn cung đang bị lệ thuộc, o ép?

Hiện nay, 2 doanh nghiệp được phép nhập khẩu và cung cấp độc quyền vắc-xin 5 trong 1 tại Việt Nam là Công ty CP Dược Mỹ phẩm MAY (phụ trách khu vực các tỉnh miền Nam)và Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Đầu tư và Thương mại Hồng Thúy  (phụ trách các tỉnh miền Bắc). Theo một nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, thống kê từ năm 2010 đến năm 2014 cho thấy, mỗi năm các tỉnh miền Bắc cần có khoảng trên 84 nghìn liều vắc-xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1.

Trong khi đó, năm 2015, doanh nghiệp Hồng Thúy mới chỉ được hãng Sanofi cung cấp hơn 43 nghìn liều và lại cấp trong tình trạng rất muộn so với nhu cầu. Chính điều đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 như vừa qua.

Tại sao lại có tình trạng này? Trao đổi với PV Tiền Phong chiều tối qua 30/12, bà Võ Thị Phượng - Trưởng  đại diện văn phòng Sanofi tại Việt Nam cho biết, các nhà sản xuất vắc-xin đều dựa vào nhu cầu của các nước, nhất là thời gian gần đây vắc-xin vô bào phối hợp tăng cao trên thế giới. Thực tế hãng dược GlaxoSmithKline  không cung ứng nhiều vắc-xin này nên áp lực đè lên Sanofi.

Khi được hỏi về tình trạng “khủng hoảng” vắc xin dịch vụ Pentaxim diễn ra liên tục trong nhiều năm qua ở Việt Nam, bà Phượng cho rằng nhiều năm nay, phía Sanofi  thông qua hai nhà phân phối chính thức của mình là Công ty Cổ phần Dược phẩm May ở TPHCM và Công ty Dược phẩm Hồng Thúy ở Hà Nội cung cấp khoảng 200 nghìn liều vắc-xin dịch vụ này. “Tuy nhiên, năm nay cung ứng rớt vào cuối năm nên tình trạng khan hiếm xảy ra”- bà Phượng nói đồng thời thừa nhận đó là lý do số vắc-xin năm nay không cung ứng bằng nhiều năm trước.

“Vì đây là vắc-xin dịch vụ, nghĩa là theo quy luật thị trường và sẽ rất vô lý nếu như Việt Nam là quốc gia duy nhất thiếu ròng rã hằng năm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Y tế bằng nhiều cách. Phải cải tiến cơ chế nhập khẩu vắc-xin sao cho công khai, minh bạch…”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Dù không tiết lộ cụ thể hợp đồng giá nhập khẩu vắc-xin Pentaxim từ các công ty này, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong , giá vắc-xin này nhập về 574.250 đồng, sau đó cơ quan quản lý chỉ cho phép bán theo giá đăng ký là 620.000 đồng.

Thực tế giá này chỉ là đưa ra dự kiến, các đơn vị nhập khẩu vắc xin thường cho rằng khan hàng nên nhiều lúc gửi thông báo đến các điểm tiêm chủng, vắc xin 5 trong 1 có giá thậm chí nhảy lên gần 1 triệu đồng/liều.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về nhập khẩu vắc-xin, với 200 nghìn liều vắc-xin (tương đương gần với nhu cầu của cả một năm của Việt Nam) được Bộ Y tế thông báo đưa về Việt Nam ngay sau “khủng hoảng” vừa qua cho thấy vắc-xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1 không thiếu đến mức như đại diện Sanofi lý giải ở trên(?!).

“Vắc-xin không thiếu. Vấn đề là người ta muốn đưa về Việt Nam lúc nào cho có lợi mà thôi. Cần làm rõ căn cứ đề xuất tăng giá vắc-xin vừa qua”, một chuyên gia phân tích.

Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu?

Ông Nguyễn Quang Khánh, đại diện một công ty chuyên phân phối một số vắc-xin ở TPHCM cho biết, ở một số nước, vắc-xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 đưa vào tiêm chủng mở rộng nên họ đặt hợp đồng dài hạn dư thừa nên hoàn toàn có thể thông qua họ để xuất sang các nước,  vùng lãnh thổ khác.

Ông Khánh lấy ví dụ, tại Hong Kong có 5,6 triệu dân, số bé sinh ra năm 2014 là 71.214 người nhưng Cục quản lý Dược và Thực phẩm cho nhập số lượng vắc-xin là 840.000 liều. “Như vậy, một cháu bé tiêm 3 mũi sẽ hết 213.642 liều, số lượng dư thừa, còn lại là 626.358 liều được dùng cho tiêm dịch vụ và tái xuất vào Trung Quốc.

Theo Cục quản lý Dược Singapore, nước này có 5,4 triệu dân, số cháu bé sinh và nhập cư là 60.038, nhưng Singapore nhập khẩu 340.000 liều cho 2 loại 5 trong 1 và 6 trong 1, số lượng tiêm chỉ hết 182.000 liều còn gần 200.000 liều là dùng cho dịch vụ. Trong khi đó, dân số Malaysia là 28 triệu người nhưng số trẻ sinh ra là 396.000, số lượng nhập khẩu vắc-xin năm 2014 là 1.500.000 liều cho hai loại như vậy còn dư thừa hơn 100.000 liều...

Một chuyên gia về lĩnh vực y tế dự phòng cho biết, dù có lý do gì từ nhà sản xuất với phân phối thì trách nhiệm để xảy ra “khủng hoảng” vắc-xin dịch vụ thời gian qua là trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế! Người này đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế không lập kế hoạch về số lượng và nhập vắc-xin cho mỗi năm sau khi các địa phương đã gửi thống kê số trẻ bỏ chích vắc-xin Quinvaxem về Chương trình tiêm chủng quốc gia và số trẻ có chích ngừa về Cục Y tế dự phòng.

“Điều đáng nói là năm 2013, sau khi vắc-xin Quinvaxem gây ra nhiều tai biến, người dân bắt đầu chuyển sang chích vắc-xin dịch vụ, nhưng Bộ Y tế cũng không nhận thấy diễn tiến đó để lường trước”, chuyên gia này nhìn nhận.

Phải công khai, minh bạch việc nhập khẩu

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói rằng, từ đây cho tới giữa năm 2016, lượng vắc-xin dịch vụ sẽ đủ đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo bà Lan, từ năm 2016, phải nghiên cứu làm sao không để lặp lại tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ nữa. “Vì đây là vắc-xin dịch vụ, nghĩa là theo quy luật thị trường và sẽ rất vô lý nếu như Việt Nam là quốc gia duy nhất thiếu ròng rã hằng năm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Y tế bằng nhiều cách. Phải cải tiến cơ chế nhập khẩu vắc-xin sao cho công khai, minh bạch”, bà quả quyết.

Bà Lan đặt câu hỏi: “Liệu có vướng cơ chế về giá cả hay không, hay là “vấn đề” gì khác?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin Pentaxim được cấp phép lần đầu tiên tại các nước châu Âu năm 1997 và đến nay được khoảng 67 quốc gia trên thế giới cấp phép. Một số nước như Ấn Độ, Nam Phi… cũng đang trong tình trạng hết dự trữ loại vắc-xin này vì thiếu nguồn cung. Tại Ấn Độ, giá Pentaxim loại toàn tế bào đã tăng gần gấp đôi (8.000 rupee, tương đương hơn 2,7 triệu đồng cho gói 4 liều), báo Bangalore Mirror đưa tin. Trên trang web của Viện Pasteur Campuchia, giá của mỗi liều vắc-xin Pentaxim của Sanofi Pasteur (Pháp) là 40 USD (gần 900 nghìn đồng).

Theo hãng truyền thông y tế MIMS (chuyên cung cấp các giải pháp cho thị trường y tế toàn cầu), Pentaxim gây ra một số tác dụng phụ phổ biến như trẻ khó chịu, cáu gắt, tấy đỏ ở vết tiêm. Những dấu hiệu này thường xảy ra trong vòng 48 tiếng hoặc có thể kéo dài đến 72 giờ và sẽ hết mà không cần chữa trị. Những tác dụng phụ khác từng được ghi nhận gồm: đỏ và chai cứng da, đau ở chỗ tiêm, phù nề, sốt cao, nôn mửa, ăn không ngon, buồn ngủ, co giật kèm/hoặc không sốt, bồn chồn, khó chịu, mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, khóc bất thường, khóc dai, xuất hiện một số triệu chứng dị ứng như phát ban, ban đỏ, nổi mề đay.

Bình Giang

Chia sẻ