Thêm 79 ca mắc sởi trong tuần qua trên địa bàn Hà Nội: Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

T. T,
Chia sẻ

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 633 ca mắc bệnh sởi, 154 ca mắc sốt xuất huyết, 49 trường hợp mắc ho gà và 176 ca mắc tay chân miệng.

Ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/3), Hà Nội ghi nhận thêm 79 ca mắc sởi (tăng 19 trường hợp so với tuần liền trước).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 633 ca mắc bệnh sởi. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố đạt 95,6%.

Thêm 79 ca mắc sởi trong tuần qua trên địa bàn Hà Nội: Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng ngừa bệnh sởi - Ảnh 1.

Hiện nay, công tác giám sát bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được thực hiện chặt chẽ. Công tác giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tại các địa phương.

Cách điều trị bệnh sởi

Nếu bệnh nhân mắc sởi chỉ mắc bệnh nhẹ thì có thể điều trị bệnh sởi tại nhà. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân một không gian ngủ thoáng, tránh gió, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Đồng thời sử dụng các thuốc giảm đau hạ sốt, bù nước và cần có người theo dõi, chăm sóc.

Đối với trẻ nhỏ bị sởi, cha mẹ cần thường xuyên rửa mặt, lau miệng cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm. Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.

Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…

Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Thêm 79 ca mắc sởi trong tuần qua trên địa bàn Hà Nội: Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng ngừa bệnh sởi - Ảnh 3.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh sởi cho trẻ hữu hiệu nhất.

Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6-8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.

Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất, khi phát bệnh sởi, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được cách ly, chữa trị đúng cách và phát hiện kịp thời các biến chứng nguy hiểm khác.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Chia sẻ