Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh

Phương Phương,
Chia sẻ

Lập 1 biểu đồ ghi lại giờ ăn ngủ của trẻ sơ sinh sẽ giúp nhiều cha mẹ chủ động hơn trong việc nuôi con và đáp ứng nhu cầu của bé.

Nếu có ai hỏi việc khó nhất khi chăm sóc trẻ sơ sinh là gì, chắc chắn không ít ông bố bà mẹ cùng trả lời đó là việc chăm sóc và đáp ứng đúng nhu cầu của bé sơ sinh. Đơn giản là vì trẻ sơ sinh chưa thể nói hoặc ra hiệu cho bố mẹ biết trẻ đang cần gì, mà chỉ thông qua việc trẻ khóc, thức, vặn mình để bày tỏ nhu cầu. Nuôi con trong những năm tháng đầu đời sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ mệt mỏi, thiếu ngủ, thậm chí trở nên khó tính, hay cáu gắt hơn.

Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh - Ảnh 1.

Chăm sóc trẻ trong những năm tháng đầu đời sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ mệt mỏi, thiếu ngủ, thậm chí trở nên khó tính, hay cáu gắt hơn (Ảnh minh họa).

Nhưng có một bà mẹ đã khiến những khó khăn đó trở nên đơn giản hơn bằng cách ghi chép chi tiết giờ ăn ngủ của con mình từ khi bé 3 tháng đến 17 tháng tuổi để tiện theo dõi và dự đoán nhu cầu của bé chính xác hơn. Bởi người mẹ này hiểu rằng, không phải lúc nào cũng có thể ghi nhớ được tất cả mọi sự việc, đặc biệt là lịch trình ăn ngủ của bé đến từng chi tiết như vậy. Vì thế, việc ghi chép và lập biểu đồ giúp ghi nhận thông tin dễ dàng và chính xác hơn, qua đó cha mẹ sẽ biết được nhu cầu của bé trong từng khoảng thời gian là gì để đáp ứng bé được tốt nhất.

Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh - Ảnh 2.

Nhìn vào biểu đồ, có thể thấy thời gian ăn và ngủ của bé dần dần tách biệt rõ ràng và có giờ giấc rõ hơn.

Biểu đồ này được chồng chị đăng trên trang Reddit – trang web chuyên dành cho độc giả đăng kí, viết bài và thảo luận các đề tài tại Mỹ – thu hút rất nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của các bậc cha mẹ có con nhỏ và đang lúng túng trong việc làm thế nào để biết được chính xác bé cần gì và trong khoảng thời gian nào, nhờ vậy mà việc nuôi con trở nên nhàn nhã hơn.

Chồng chị cho biết “Vợ tôi bắt đầu thu thập dữ liệu từ khi bé nhà tôi được 3 tháng tuổi vì vợ chồng tôi quá căng thẳng và lúng túng khi không thể đoán trước được mọi việc xảy ra trong quá trình chăm sóc bé. Biểu đồ thời gian này rất hữu ích và chúng tôi vẫn đang vẫn tiếp tục thực hiện đều đặn mỗi ngày”.

Với biểu đồ thời gian cụ thể này, rất nhiều cha mẹ đã có thêm hy vọng và động lực để tiếp tục trên hành trình chăm sóc con nhỏ. Rất nhiều bình luận hưởng ứng với chia sẻ của đôi vợ chồng trẻ: “Tôi là bố của một em bé 4 tháng tuổi, tôi thấy biểu đồ thời gian này là 1 sự kết hợp khá thú vị. Chưa có thông tin nào khiến tôi thấy thích thú đến vậy.” “Tôi hoàn toàn đồng ý với cách làm này. Nếu lập biểu đồ này, chắc tôi có thể nghỉ ngơi và ngủ thêm 1 chút.”

Tuy nhiên, không ít người thắc mắc người mẹ này đã làm như thế nào để theo dõi được chi tiết giờ giấc ăn ngủ của bé như vậy. Một độc giả chia sẻ “Tôi có vợ và một bé 10 tuần tuổi, tôi đã phải ngừng ghi chép nhật kí ăn sữa của con vì thực sự việc này chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Cho nên tôi rất hoan nghênh và ủng hộ khi xem biểu đồ của nhà bạn.”

Ông bố đã giải thích kĩ cách lập biểu đồ như sau: “Chúng tôi lập 1 bảng tính trên Excel, kết hợp sử dụng với điện thoại thông minh, vì vậy mà vợ tôi có thể ghi lại thời gian bằng điện thoại của cô ấy. Khi rảnh rỗi, chúng tôi trích xuất ra thành biểu đồ như bạn đã thấy ở trên.

“Mỗi cột nhỏ biểu trưng cho 1 ngày và mỗi ô nhỏ trong hàng là mỗi khoảng thời gian 15 phút trong ngày. Số liệu do vợ tôi thu thập và nhập trong file excel. Biểu đồ tự động được vẽ theo dữ liệu đầu vào.”, người chồng mô tả rõ hơn về cách lập biểu đồ.

Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh - Ảnh 3.

Đường màu xanh: Giờ ngủ - Đường màu đỏ: Giờ ăn rất dễ phân biệt.

Trong 1 bài chia sẻ mới hơn, ông bố đảm đang tiếp tục giải đáp thêm về cách lập biểu đồ để giải đáp thắc mắc cho những người đang quan tâm. “Dữ liệu được nhập bằng tay vào file excel với các con số đơn giản từ điện thoại thông minh có liên kết đến file đó, mỗi ô đại diện cho thời gian 15 phút và mỗi cột đại diện cho 1 ngày. Chúng tôi điền kí tự 's'- Sleep khi bé ngủ, và 'e'-Eat khi đến giờ bé ăn sữa. Tôi cũng thiết lập định dạng tự động để tô màu các ô ‘ăn’ và ‘ngủ’ của con. Khi phóng to biểu đồ, bạn đã có thể nhìn thấy khá rõ các ô và cột liền kề nhau với màu sắc khác nhau thể hiện giờ ăn và ngủ.”

Trên diễn đàn khác, một bà mẹ trẻ cũng chăm chỉ ghi lại thời gian ngủ của con mình trong gần 2 năm từ lúc bé 3,5 tháng tuổi.

Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh - Ảnh 4.

Màu trắng: Thức, màu xanh: Ngủ. Bé càng lớn, các ô xanh-trắng được phân lập rõ rệt, ô xanh xuất hiện nhiều vào ban đêm và ô trắng xuất hiện nhiều vào ban ngày. Chứng tỏ giấc ngủ của bé ổn định và đi vào nề nếp khi bé lớn dần.

Theo bà Gwen Dewar, Tiến sĩ nhân chủng học, sinh thái học hành vi, người sáng lập trang Prenting Science chuyên dành cho các bậc cha mẹ, việc lập biểu đồ theo dõi giờ giấc sinh hoạt của trẻ chỉ với mục đích tham khảo cho từng trường hợp cụ thể, không áp dụng cho tất cả các em bé. Vì thực tế cũng chưa có 1 nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh trẻ phải ngủ trong bao lâu với bao nhiều lần mới là đủ, vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không gian, văn hóa, cơ địa từng bé.

Thay vì nhớ nhớ quên quên, bà mẹ này đã lập hẳn biểu đồ giờ ăn ngủ giúp nuôi con nhàn tênh - Ảnh 5.

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tháng tuổi do 1 nghiên cứu công bố trên tạp chí Nhi khoa Pediatrics.

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thách thức của không ít ông bố bà mẹ. Những đêm dài mất ngủ, thức chăm con từ miếng ăn giấc ngủ sẽ khiến cha mẹ đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Đừng ngần ngại đề nghị sự giúp đỡ của cả gia đình, nếu ngay cả việc lập biểu đồ như ví dụ trên vẫn không mấy hiệu quả với bé nhà bạn thì bạn hoàn toàn có thể hy vọng trẻ sẽ tự vào nếp khi lớn dần.

Nguồn: Kidspot/Reddit/Babysleep

Chia sẻ