Tháng "cô hồn", lặng mình về thăm “ngôi nhà” của 40 nghìn hài nhi

Lê Bảo,
Chia sẻ

40 nghìn hài nhi chưa kịp được làm người đã bị chính cha mẹ mình tước đoạt sự sống và tất cả đang chung sống tại một “ngôi nhà” dưới bàn tay chăm sóc của các thành viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống”.

“Ngôi nhà” của 40 nghìn hài nhi chưa kịp làm người

Băng qua cánh cổng của nghĩa trang thuộc thôn Từ Châu (Liên Châu – Thanh Oai – Hà Nội) là “ngôi nhà” của 40 nghìn hài nhi xấu số, bị chính cha mẹ các em tước đoạt đi sự sống, quyền được làm người…  40 nghìn hài nhi ấy các thành viên trong nhóm “bảo vệ sự sống” mang về từ các phòng khám, bệnh viện hoặc thậm chí nhặt được ở thùng rác, bịch rác ven đường…

hài nhi
"Ngôi nhà" của gần 40 nghìn hài nhi xấu số được nhóm thiện nguyện đưa về chôn cất.

Chủ nhóm thiện nguyện trên là ông Nguyễn Văn Nho chia sẻ: “Những năm đầu tiên chúng tôi làm công việc này cũng bị các nơi như bệnh viện, phòng khám phản đối nhiều lắm, nhưng dần đần họ cũng chấp nhận. Và từ đó đến nay, hàng ngày các thành viên trong nhóm đều tỏa đi khắp Hà Nội để “xin” các em đưa về đây an nghỉ”.

Ngày chúng tôi đến thăm các em cũng đúng ngày các thành viên của nhóm thiện nguyện đang chuẩn bị tiến hành chôn cất thêm những hài nhi xấu số khác. Trong tiết trời nắng gay gắt cuối hạ, ai cũng lặng mình khi thấy một thùng xốp đựng hơn 30 hài nhi xấu số, đó là kết quả suốt 1 tuần các thành viên trong nhóm đi thu gom hài nhi ở các bệnh viện, phòng nạo phá thai. 

Hơn 30 hài nhi lần này theo các thành viên trong nhóm thì các em đều có tuổi đời trên 6 tuần tuổi, em lớn nhất cũng phải 18 tuần tuổi đã hình thành các chi và nhiều bộ phận trên cơ thể. Trước khi đưa các em về đây, các thành viên trong nhóm đã tắm sạch sẽ cho các hài nhi rồi đặt các em vào trong một chiếc túi nilon bên trong có bông đầy đủ.

"Chúng tôi tắm cho các em cũng hệt như nghi lễ những đứa trẻ mới chào đời được tắm lần đầu. Khi tắm cho các em chúng tôi mong muốn linh hồn các em được siêu thoát bởi thực tế trong cõi đời này các em chỉ được tắm một lần duy nhất mà thôi", một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Từng hài nhi được các thành viên trong nhóm thiện nguyện nhẹ nhàng đặt xuống lòng đất mẹ rồi nhẹ nhàng phủ lớp bê tông lên, cứ thế hết lớp này đến lớp khác, hết hài nhi này đến hài nhi khác khiến ai chứng kiến cảnh ấy cũng không khỏi nghẹn ngào...

hài nhi
Các thành viên trong nhóm tiến hành chôn cất các hài nhi xấu số.

“Mỗi tuần một lần, các thành viên lại gom các hài nhi lại rồi tiến hành nghi lễ chôn cất để các em không phải chịu cảnh đói, rét, cô đơn nữa. Các em về đây xem như về với gia đình mới, ở đây có anh, có em và tất cả đều chung số phận…”, cô Nguyễn Thị Ninh, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Tháng cô hồn, nhiều người lạ len lén đến thắp hương

Cô Ninh, ông Nho, cụ Hạnh, những thành viên trong nhóm vẫn còn nhớ như in những lần đi nhặt những sinh linh bé bỏng ở các phòng khám, bệnh viện để quy tụ các em về đây. 

Cụ Hạnh (80 tuổi, một thành viên trong nhóm) nghẹn ngào kể: "Năm ấy giữa tháng 8, trời mưa to lắm, mưa như lút mặt lút mũi, trong lúc đang chuẩn bị đưa 2 hài nhi ở một phòng khám để gom lại thì có một bà mẹ trẻ cùng với người yêu đến để làm thủ tục phá thai. Mặc dù tôi khuyên, tôi can, thậm chí chắp tay xin cô ấy giữ lại cái thai, giữ lại sinh linh bé bỏng nhưng vẫn kiên quyết không nghe lời... Đó là lần ám ảnh tôi nhất trong đời đi "xin" hài nhi về. Không lâu sau đó, chính giọt máu của cô ấy đã được tôi mang về đây để chôn cất, hương khói...".

Tuy nhiên, cũng có những "niềm vui đặc biệt" đối với những người đi "thu gom xác hài nhi". Đó là câu chuyện xúc động được cô Ninh chia sẻ. Theo lời cô Ninh, cô từng gặp 1 bà mẹ trẻ đi phá thai và khuyên bảo người này đồng ý không phá thai nữa. Sau đó, chính cô Ninh và một số thành viên trong nhóm đã hỗ trợ, chăm sóc hai mẹ con đến khi sinh nở xong. 

Và cái kết có hậu cho cả bà mẹ trẻ và nhóm tình nguyện khiến tất cả vỡ òa: Sau khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời, bố đứa bé đã đến và xin cưới hỏi đàng hoàng. Đến giờ, gia đình nhỏ ấy thi thoảng vẫn dẫn nhau đến nhà cô và các thành viên trong nhóm để thăm hỏi, cảm ơn.

Nhưng, cô Ninh cũng thừa nhận, đó là những niềm hạnh phúc rất đỗi thiêng liêng nhưng quá ít ỏi, không phải ai cũng nghe theo lời khuyên bảo của các thành viên trong nhóm thiện nguyện trước khi vứt bỏ đi giọt máu của mình...

Cũng theo cô Ninh chia sẻ: “Hàng tháng có rất nhiều bậc cha mẹ hay thậm chí là những cô gái còn rất trẻ, xinh xắn vẫn len lén đến nghĩa trang thắp hương một mình. Có lần chúng tôi bắt gặp một cô gái khoảng hơn 20 tuổi thôi, cô ấy thắp hương xong cứ khóc rưng rức một mình trước “ngôi nhà” của các hài nhi xấu số…”.

hài nhi
Tháng 7 cô hồn, nhiều ông bố, bà mẹ trẻ vẫn len lén đến hương khói cho các em.

Ông Nguyễn Văn Nho cũng cho biết thêm: “Chuyện chúng tôi bắt gặp những ông bố, bà mẹ lén đến đây hương khói cho con mình không phải là ít, nhiều nhất vẫn là vào dịp tháng 7 âm lịch hoặc đầu năm mới. Họ chỉ đến thắm hương, cắm hoa cho các em đang nằm ở dưới đất rồi lặng lẽ ra về”.

Trước khi chia tay “ngôi nhà” và các thành viên trong nhóm thiện nguyện, cụ Hạnh nghẹn ngào nói: “Các em đều đã là người, đáng lẽ có quyền được sống và lớn lên như bao đứa trẻ khác, nhưng tiếc thay các em bị chính cha mẹ mình tước bỏ đi quyền được sống. Thế nên chúng tôi mang về đây cưu mang và mong muốn góp một phần nhỏ nhoi nhắn đến những người trẻ rằng, đừng phá bỏ, vứt bỏ đi chính giọt máu của mình nữa…”.
Chia sẻ