Thận trọng với bệnh rong kinh

Theo PNO,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia y tế, rong kinh là một bệnh phụ khoa ngày càng phổ biến. Tình trạng này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng do làm mất nhiều máu.

Đặc biệt, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho phụ nữ mắc bệnh tim mạch.

Rong kinh là gì?

Theo Phó giáo sư - TS – BS Ngô Thị Kim Phụng, Giảng viên chính Bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y dược TP.HCM, rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 10 ngày và lượng máu mất đi có thể vượt quá 80ml mỗi chu kỳ kinh nguyệt (bình thường: 40 – 60ml/ chu kỳ).

Rong kinh được chia làm hai loại: thực thể và cơ năng.

• Rong kinh thực thể là hành kinh kéo dài do có nguyên nhân thực thể tổn thương ở tử cung như cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng (có hay không rụng trứng, u tế bào hạt), liên quan đến thai, bệnh lý toàn thân (rối loạn đông máu, bệnh bướu giáp)…

• Ngược lại, trong rong kinh cơ năng,  nguyên nhân chính thường do rối loạn nội tiết. Rong kinh cơ năng thường hay gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động sinh sản, tức là thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh của phụ nữ. Trong độ tuổi sinh sản, rất ít khi có rong kinh cơ năng.

Đặc biệt, rong kinh tập trung ở những phụ nữ có nguy cơ cao bị béo phì, sinh con nhiều lần, tăng cân, hút thuốc lá, sắp mãn kinh, đái tháo đường, suy giáp, rối loạn đông máu, viêm gan mạn, bệnh tim hoặc thận mạn, bệnh lupus đỏ…
 

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Hai tình trạng sau đây được xem là nguyên nhân gây ra 80% trường hợp rong kinh:

Rối loạn kích thích tố: Ở người bình thường, có sự thăng bằng giữa hai kích thích tố nữ estrogen và progesterone, giúp cho việc rụng trứng, tạo màng dày trong nội mạc tử cung và hành kinh diễn ra bình thường. Nếu vì một lý do nào đó, sự thăng bằng này bị xáo trộn, màng tử cung sẽ dày lên quá độ và khi tróc ra tạo nên kinh nguyệt quá nhiều. Tình trạng mất thăng bằng này xảy ra nhiều nhất ở nữ giới tuổi dậy thì, có kinh lần đầu tiên và phụ nữ gần đến tuổi mãn kinh. Một vài bệnh cũng gây ra sự xáo trộn thăng bằng này như bệnh suy tuyến giáp trạng… Việc lạm dụng hormone cũng có thể gây ra tình trạng trên.

Bướu sợi tử cung: Thường xảy ra ở độ tuổi mang thai và gây nên tình trạng rong kinh nếu bướu sợi tử cung ở vị trí dưới niêm mạc.

Bên cạnh đó, rong kinh còn có một số nguyên nhân khác: bị polyps (có thể từ nội mạc tử cung hay từ kinh cổ tử cung), bướu nước (cyst) buồng trứng, buồng trứng bị rối loạn không làm ra trứng và rụng trứng được, đặt vòng tránh thai, mang thai bị biến chứng, ung thư, uống thuốc ngừa thai không đúng cách…

Triệu chứng thường thấy ở người bị rong kinh là kinh nguyệt kéo dài hơn 10 ngày, có thể ra huyết nhiều hoặc ít khiến người bệnh không thể làm việc được, bị đau bụng dưới, luôn có cảm giác mệt mỏi, hơi thở ngắn và hay thở dốc, có những triệu chứng của bệnh thiếu máu nếu rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài.

Hậu quả của rong kinh

Bị rong kinh lâu ngày có thể đưa tới những biến chứng sau:

Thiếu máu do thiếu chất sắt: Phụ nữ thường dễ bị thiếu máu do ăn uống không đủ chất sắt. Những phụ nữ bị rong kinh càng dễ bị thiếu máu hơn vì số lượng máu, trong đó có chứa nhiều chất sắt, mất đi quá nhiều làm cơ thể bị thiếu. Bệnh thiếu máu sẽ làm bạn dễ mệt mỏi, không hoạt động thể chất được, hơi thở ngắn, nhức đầu, chóng mặt...

Toxic shock syndrome: Một hội chứng nhiễm trùng cấp tính rất nguy hiểm, thường là do dùng tampon để trong âm đạo lâu quá 8 tiếng đồng hồ. Triệu chứng gồm có sốt cao, tiêu chảy, đau cổ họng, cảm thấy rất yếu ớt, tay chân tróc da, huyết áp xuống thấp gây nguy hiểm cho tính mạng.
 

Tất cả các trường hợp rong kinh cơ năng phải được điều trị sớm ngay từ đầu để giảm thiếu máu và dễ giải quyết được nguyên nhân. Các thiếu nữ nếu để thiếu máu lâu dài thì vùng dưới đồi sẽ bị tổn thương khó hồi phục, dễ rong kinh tái phát nhiều lần gây kém hoặc không phóng noãn. Rong kinh tiền mãn kinh nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt có thể diễn biến thành ung thư nội mạc tử cung.

Phòng ngừa

Nữ giới trên 18 tuổi và có hoạt động tình dục nên thường xuyên khám phụ khoa mỗi năm và làm Pap test định kỳ. Tuy nhiên, nếu có chu kỳ kinh nguyệt quá bất thường thì nên đi khám bệnh ngaỵ

Nếu đau bụng nhiều hoặc lượng máu kinh ra quá nhiều dù đã uống thuốc nhưng vẫn không hết thì nên đến cơ sở y tế khám.

Nằm nghỉ nếu bị ra máu quá nhiều.

Nếu dùng tampon, nên thay sau 4 giờ.

Không uống thuốc aspirin vì thuốc này có thể làm tăng chảy máu. Tham khảo ý kiến bác sĩ để uống bổ sung hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu sắt để bù lại lượng máu mất đi.

Giữ sức khỏe bằng cách ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, tránh stress nếu có.

Chia sẻ