Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 7.

Theo các tài liệu phổ biến, danh từ "Trung thu" xuất hiện sớm nhất từ sách Chu Lễ, chỉ một nghi lễ thời Tây Chu vào khoảng 3.000 năm trước. Ngày này vào chính giữa tháng Tám Âm lịch, cũng là tháng chính giữa của mùa thu nên gọi là "Trung thu".

Tại Việt Nam, các nhà khảo cổ học phát hiện ra những hình ảnh tế thần Mặt Trăng đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, tức là từ khoảng 2.500 năm trước. 

Tấm bia chữ Hán Tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi, Hà Nam lập năm 1121, dưới đời Hoàng đế Lý Nhân Tông, đã ghi chép chi tiết về Tết Trung thu thời đó tại Kinh thành Thăng Long. Văn bia dành một đoạn văn dài để mô tả lại cảnh tượng lộng lẫy, tưng bừng, hoành tráng của ngày Tết Trung thu cách đây 9 thế kỷ: 

"Trung thu cảnh đẹp, muôn việc rảnh rang. Với lòng hiếu thành mở ra mà dọn cỗ bàn, cùng lễ lạt bày lên mà cúng dâng hoàng khảo.

Lúc mặt trời ba tầm sào buổi sáng, liền tưng bừng mà khởi động xe vua. Thắng ngựa báu ra ngoài điện tía, lên xe châu ruổi dọc đường vàng. Quạt lông trĩ buộc ở hai bên, dây nạm bạc néo từ bốn phía. Trời biếc lọng vàng, cờ màu nắng tuệ. Tinh tú giong bờ liễu, bắc đẩu chuyển đường hoa.

Xuôi Trường Lô dòng xanh, ngự Linh Quang điện báu. Nghìn thuyền đi chớp giật giữa dòng, muôn trống dội sấm vang dậy nước.

Dưới hiên ngọc thết quan xa về hội, trong thềm son tấu chương biểu sứ tiên."

Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà sách "Tang thương ngẫu lục" do Phạm Đình Hồ - Nguyễn Án chắp bút đã miêu tả.

Cùng với Việt Nam, châu Á cũng có những quốc gia có truyền thống đón Trung thu, coi Trung thu là dịp lễ lớn. Chẳng hạn tại Trung Quốc, Tết Trung thu chỉ quan trọng sau lễ hội mùa xuân (Tết Nguyên Đán). Tết Trung thu ở quốc gia này được khởi phát vào đầu thời nhà Đường (618-907), thời đại vật chất phồn vinh và nền văn hóa nở rộ. Họ tế mặt trăng ở ngoài trời với rượu, hoa quả, sản vật bánh trái của mùa thu để bày tỏ lòng thành, tạ ơn vụ mùa bội thu và cầu nguyện thần Mặt Trăng mang lại may mắn.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 1.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 2.

Một huyền thoại khác, cho đến tận bây giờ vẫn còn được vẽ trên các hộp bánh hoặc các tờ giấy sắc cúng Trung thu là “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”.

Nguyên một đêm trăng sáng giữa tháng Tám vào đầu thế kỷ thứ tám (713-741), vua Đường Minh Hoàng trông trăng sáng ngời đẹp đẽ liền mơ ước được đặt chân lên đó xem chơi. Có đạo sĩ thần thông tên La Công Viễn (có sách chép là Diệu Pháp Thiện), hóa phép dùng một dải lụa trắng biến thành chiếc cầu đưa nhà vua đến Nguyệt điện.

Tiên cảnh với những nàng tiên mặc áo lông chim, xiêm y ngũ sắc uyển chuyển múa khiến Đường Minh Hoàng say mê đến suýt quên phải trở về.

Khi về trần gian, do tâm trí còn vương vấn vũ khúc trên Nguyệt điện lại có tài năng âm nhạc đặc biệt, Đường Minh Hoàng biên soạn lại thành khúc “Nghê Thường vũ y” tập cho cung nữ múa hát. Rồi từ đó về sau cứ đến đêm Rằm tháng Tám, vương lại cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa khúc Nghê Thường, để tưởng nhớ những ngày trên nguyệt điện.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 3.

Tranh vẽ tích Đường Minh Hoàng du nguyệt điện

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 4.

Huyền thoại thứ ba: tương truyền ở nước Tề thời Chiến Quốc có nàng Chung Vô Diệm. Theo dã sử và truyền thuyết, Chung Vô Diệm thực chất không xấu xí mà ngược lại rất xinh đẹp. Nàng từ nhỏ đã theo kỳ nhân dị sĩ học đạo, trở thành tài nữ văn võ song toàn, tinh thông bói toán và cách bài binh bố trận.

Vua của nước Tề là Tề Tuyên Vương nghe danh tiếng Chung Vô Diệm bèn mời nàng về giúp quản lý triều chính, để mình có thời gian vui chơi nhiều hơn. Không ngờ ngay cái nhìn đầu tiên Tuyên Vương đã bị sắc đẹp của Chung Vô Diệm hớp hồn, liền tìm mọi cách lấy lòng mỹ nhân, đưa nàng về cung phong làm Vương hậu. Do nảy sinh tình cảm với Tuyên Vương, phạm vào điều cấm kỵ của tu đạo nên trên má trái của Chung Vô Diệm xuất hiện một cái bớt đỏ, khiến gương mặt xinh đẹp trở nên xấu xí. 

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 5.

Tranh Chung Vô Diệm



Người đời tin rằng vì Chung Vô Diệm từ nhỏ đã thành kính cúng tế thần Mặt Trăng nên được ban cho nhan sắc, cho nên các thiếu nữ học Chung Vô Diệm, cứ đến ngày trăng tròn tháng Tám thì lập đàn tế mặt trăng để cầu ước được như nàng. Huyền thoại cũng liên quan đến tích Nguyệt lão (vị thần hôn nhân) ngồi dưới ánh trăng xe chỉ hồng buộc những người có nhân duyên vào với nhau.

Một dị bản khác là Chung Vô Diệm thực chất rất xấu xí, tuy nhờ tài đức xuất chúng nên khi trưởng thành được tuyển vào cung Tề Tuyên Vương nhưng vẫn không được vua sủng ái.

Tuy vậy Chung Vô Diệm vẫn một lòng thành kính cầu khấn thần Mặt Trăng. Một đêm Rằm tháng Tám, nhà vua đi dạo ngắm trăng tình cờ trông thấy nàng lại ngẩn ngơ vì sắc đẹp thuần khiết như Hằng Nga, bèn lập nàng làm hoàng hậu.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 6.

Trung thu trong hẻm Triều Thương

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 9.

Tết Trung thu từ lâu đã có ý nghĩa lớn trong đời sống của cộng đồng người Việt, dù cho mỗi vùng miền, mỗi cộng đồng lại có cách thức đón dịp lễ này khác nhau. Cộng đồng người Việt gốc Hoa trong hẻm Triều Châu không ngoại lệ. Từ nhiều ngày trước Trung thu, tất cả 12 hộ gia đình trong hẻm Triều Thương đã từ từ chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng trăng. 

Cũng như trong tất thảy tám lễ Tết quan trọng trong năm hay trong bất cứ sự kiện lớn nào của gia đình người Việt gốc Hoa, đàn cúng đầu tiên luôn luôn hướng tới tổ tiên sinh thành để tỏ lòng biết ơn.

Thứ đến là cúng tế các vong hồn nghèo khổ không có nơi nương náu, không người tưởng nhớ để tỏ lòng thương xót họ, sau mới đến các đàn cúng tế khác theo ý nghĩa và theo mùa. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc này là ngọn nguồn của tất cả các nghi lễ, do vậy lễ cúng nào cũng có tục hóa vàng. Vàng, tiền giấy được dâng tặng cho tổ tiên mình tiêu dùng và cho các vong hồn để an ủi cuộc sống nhọc nhằn của họ.

Hẻm Triều Thương ở số 257 đường Cao Văn Lầu quận 6 TP HCM, là một khu dân cư nhỏ đặc trưng của người Hoa Chợ Lớn, gồm hai dãy nhà xây ngay hàng thẳng lối đối mặt nhau qua một lối đi cũng là sân chung. Hẻm có tổng cộng 15 ngôi nhà với 12 chủ hộ, tất cả đều người Tiều, ai cũng là thương nhân, nhà ở cũng chính là kho hoặc nơi sản xuất.

Tên hẻm được đặt từ ngày xây dựng cách đây khoảng 80 năm cũng mang nghĩa đó: Triều Thương nghĩa là những thương nhân Triều Châu. Hiện giờ, người trong hẻm đều thuộc các họ Trang, Trần, Lý, Trương, Lâm, Lưu, Quan.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 10.

Hẻm Triều Thương - 257 Cao Văn Lầu, phường 2, quận 6, TPHCM

Dì Trịnh Thúy Phụng năm nay 78 tuổi, là người cao niên thứ hai của hẻm. Gia đình dì là một trong những đại gia đình sinh sống lâu năm nhất trong hẻm, đã đến thế hệ thứ tư được sinh ra ở đây. Dì người Quảng Đông, lấy chồng người Tiều rồi theo chồng về đây.

Dì Phụng kể, khoảng năm 1940, nhà trong hẻm còn là cột cây vách thiếc (cột bằng cây gỗ nhỏ, vách và mái lợp tôn). Trải qua biến cố năm 1968, tất cả cháy sạch sành sanh. Sau đó người dân trở về bỏ tiền thuê thầu làm lại toàn bộ nhà cửa giống hệt nhau: cửa chính nho nhỏ khoảng chừng hơn 1,5m, một ô cửa sổ hai cánh mở ra bên cạnh.

Bây giờ hẻm Triều Thương chỉ còn một ngôi nhà của chị Trương Kim Tiên còn giữ được hình hài xưa, nhưng cũng đã cất lên một gác gỗ để thêm người ở. 14 ngôi nhà còn lại đều đã phá cửa nhỏ mở thành cửa rộng suốt, lên lầu khang trang. Các gia đình người Tiều cưới thêm con dâu hoặc rể người Việt, hoặc người này chuyển đi người khác chuyển về. Hai hộ chuyển về mới nhất cũng đều là người Tiều, và tuy nói là “mới”, nhưng cũng đã ổn định sinh sống đến 15 năm nay. Bởi vậy, Triều Thương vẫn là một khu quần cư đậm đặc văn hóa Triều Châu rất hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 11.

Từ nhiều ngày trước Rằm, các bà các chị đã mua sắm lễ vật đủ đầy. Cúng tổ tiên bắt buộc phải có chén cơm trắng, các món đi kèm thì tùy gia đình ai thích gì cúng nấy. Cúng cửa (cúng vong hồn không nơi thân thích) cũng vậy, thường có đĩa heo quay vàng rộm, canh rau cải, bánh trái tùy thích. Còn lễ cúng trăng của người Tiều bắt buộc phải có vài hộp bánh Trung thu cổ truyền, chiếc bánh Nguyệt to tròn tượng trưng cho mặt trăng, khoai môn, mâm ngũ quả đầy ắp bưởi, cam, quýt, nho, táo, lựu…, tất cả phải có màu sắc tươi đẹp và hình tròn, có to, có nhỏ. “Tròn” trong tiếng Hoa đồng âm với “đoàn”. Đoàn viên nghĩa là sum vầy, quần tụ. Ngày trăng đẹp này dâng lên ước nguyện mong cầu được cả nhà sum họp bên nhau.

9


Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 14.

Bánh Trung thu cổ truyền với người Trung Hoa gắn liền với một sự tích lịch sử quan trọng.

Tác giả Bình Nguyên viết: Vào thế kỷ XIV, 88 năm sau khi người Mông Cổ thiết lập ách cai trị trên toàn cõi Trung Hoa, để loại trừ cơ hội nổi dậy của người Hán, người Mông Cổ cấm họ sở hữu vũ khí, không cho phép tụ tập đông người, thậm chí thức ăn cũng bị chia khẩu phần. 

Năm 1368, thủ lĩnh của cuộc nổi dậy là Chu Nguyên Chương được quân sư Lưu Bá Ôn bày cho một kế hoạch. Nhân Tết Trung thu đang đến, Lưu Bá Ôn tung tin đồn sắp có một bệnh dịch chết chóc và cách duy nhất để vượt qua là ăn bánh Trung thu. Khi người dân đi mua bánh, Lưu Bá Ôn cho người bí mật nhét vào tất cả các nhân bánh Trung thu một mẩu giấy ghi rõ ngày giờ nổi dậy, chính là vào ngày Tết này. Do người Mông Cổ không ăn bánh Trung thu và cũng không đọc được Hán tự nên kế hoạch vẹn toàn.

Cuộc nổi dậy thành công, Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra triều Minh. Từ đó về sau, cùng với sự hoàn thiện dần của bánh Trung thu, người Trung Hoa ăn bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện này.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 15.

Bánh Nguyệt màu trắng, bánh Trung Thu cổ truyền bên trái, bánh pía Triều Châu bên phải cùng cành lá lựu đặt trong chén nước trong

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 16.

Mì trường thọ, cầu cho sống lâu

Do nhiều ý nghĩa như thế, bánh Trung thu ở đâu có thể có hình vuông nhưng bánh Trung thu cúng trăng của người Việt gốc Hoa nhất định phải tròn.

Đặc biệt người Tiều có món bánh Trung thu riêng đặc biệt. Nó cũng hình tròn, nhân khoai môn, đậu xanh nhuyễn giống bánh pía nhưng to hơn nhiều, khoảng gần bằng bàn tay, mỏng dẹp hơn, có ba lớp vỏ bột mỏng và được nướng giòn lên.

Khoai môn là một món bắt buộc. Bây giờ, ngay ở Trung Quốc người ta vẫn cúng món khoai môn với ý nghĩa tên của nó (芋头 yutou) đồng âm với “hữu phúc bên trong”, nhưng có thể cắt lát, hấp chín hoặc chiên vàng rưới sirô, hoặc nấu canh… Còn ở các gia đình người Hoa Chợ Lớn, đĩa khoai môn vẫn để nguyên củ tròn trịa.

Món này gắn liền với các điển tích nuôi dưỡng ý chí kháng chiến chống giặc Hồ (Hồ: tên không coi trọng, chỉ sắc dân tại Trung Á và Tây Á, được sử dụng phổ biến trong các sử tịch và văn hiến thời nhà Đường) vì khoai môn" đồng âm với "Hồ thủ" nghĩa là đầu của quân giặc Hồ. 

Cũng có những tích khác như bưởi và khoai môn là hai thứ thực phẩm được trời ban cho Quang Võ Đế nhà Hậu Hán trong cuộc nổi dậy chống Vương Mãng vào ngày trăng tròn tháng Tám. Từ đó về sau nhà vua tạ ơn trời đất và thưởng trăng bằng hai sản vật này rồi lưu truyền khắp dân gian.

Người Quảng Đông, Phúc Kiến… thường cúng món ốc sông. Có nhà dùng ốc bươu, có nhà lại dùng ốc len xào dừa. Món này xuất phát từ ốc trong mùa thu không có con nên béo nhất và giàu vitamin A nhất, nên ăn sẽ bổ mắt.

Người Tiều thường chỉ cúng chay, nhưng cũng tùy gia đình, thích ăn món gì thì cúng món đó.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 17.

Nhà ai có con trai sẽ không thiếu chiếc đèn lồng cá chép. Cá chép là loài cá duy nhất vượt vũ môn thành rồng, biểu tượng cho sức mạnh, nghị lực, trí thông minh và sự kiên trì, đặc biệt dành cho bé trai.

Tục cúng trăng cổ truyền gồm có Tế nguyệt và Thưởng nguyệt. Tế nguyệt là bày mâm cỗ cúng dưới ánh trăng. Thưởng nguyệt là phá cỗ, chơi trăng, rước đèn, đố chữ, múa rồng lửa để trừ tà… Ngày nay, những tập tục cổ xưa cũng ngày càng mất dần, dù ở nhiều nơi, tết Trung thu là một ngày tết chính thức, người đi làm đều được nghỉ một ngày. 

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 18.

Những cũng có những nơi, có những lễ nghi vẫn được giữ lại trọn vẹn dù trải qua thời gian hàng trăm nay, như Ta Hang, Hong Kong (Trung Quốc). Trong hẻm Triều Thương không có rồng lửa nhưng ánh nến thắp lung linh chiếc sân chung.

Tết Trăng Trong Hẻm Triều Thương - Ảnh 19.

Dì Trịnh Thúy Phụng hướng lên mặt trăng khấn vái: “Cầu cho gia đình con ai cũng mạnh khỏe vui vẻ, vạn sự như ý; nguyên cái hẻm này ai cũng mạnh khỏe vui vẻ, vạn sự như ý hết”.

Cả hẻm cúng trăng từ khoảng 6 giờ tối. Đến 9 giờ, trăng chưa lên đến đỉnh trời nhưng trong hẻm Triều Thương những lò hóa vàng đã bốc cao ngọn lửa rực rỡ chuyển lòng thành của con cháu đến thần Mặt Trăng và người thân. Chiếc ghế đặt trước bàn cúng, phía trước lư hương để dành cho thần Mặt Trăng ngồi hưởng lễ đã được đem vào nhà. Ông bà ngồi bên con cháu, ăn bánh, uống nước trà, cười nói vui vẻ.

Trên cao, tỏa xuống những mái nhà đầm ấm, mặt trăng sáng ngời vẫn yên lặng soi chiếu, bao bọc khắp nhân gian trong niềm mơ ước vĩnh cửu về cuộc sống dài lâu, hạnh phúc và bình an.


Hoàng Xuân
Trần Hòa
Hoàng Long
Trí Nguyễn, Minh Trí, Phùng Vĩ Hào
Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Tất Sỹ
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ