Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề "vá kỷ niệm"

Lynk, ảnh: Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Những ngày Tết đông vui đủ đầy, mang phong vị cổ truyền ấm áp đã trôi qua từ rất lâu, và chỉ còn sống trong ký ức của bà Hồng - người nghệ nhân mạng sang sợi cuối cùng đất Hà thành.

Tối 30, phố phường vắng ngắt. Khắp nhà nhà đều rộn rã bên mâm cơm tất niên, chờ năm cũ qua đi, đón giao thừa mới đến. Đối lập với cảnh tượng ấm áp đủ đầy đó, ở một góc nhỏ đầu con ngõ Thanh Miến (Ba Đình), có căn nhà nhỏ vẫn im lìm không thấy chút hương Tết. Chỉ thấy một người đàn bà tóc bạc ở cửa, lặng lẽ cầm kim vá chiếc áo màu ghi, như tái hiện một cảnh phim nào đó từ thế kỷ trước.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 1.

Ngôi nhà cổ với cánh cửa gỗ số 2B ngõ Thanh Miến, luôn có một bà già ngồi đó hàng ngày.

Những người dân sống gần ngõ Thanh Miến, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu đã quá quen với hình ảnh đó suốt 37 năm qua. Tấm bảng trắng cũ kĩ ghi "quảng cáo" nghề vá, mạng, sang sợi gia truyền đã bao mùa nắng mưa không đổi, bậu cửa gạch miếng mất miếng còn, và cái dáng lưng còng cặm cụi may vá của bà Nguyễn Thị Hồng (66 tuổi) cũng trở thành "biểu tượng" không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của nhiều người.

Cứ đi qua ngôi nhà số 2B gần cây si cổ thụ đầu ngõ, nơi có chiếc vỉa hè cao cao, là người ta thường đưa mắt tìm xem bà Hồng có ngồi khâu vá không, chẳng thấy bà đâu là bỗng dưng lại hụt hẫng.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 2.

Tết năm nay cũng chẳng khác Tết xưa, bà Hồng vẫn thong thả ngồi bậu cửa, cầm chiếc kim mải miết đến khi tối nhọ mặt người.

Đến tận ngày cuối cùng năm cũ, bà vẫn an nhiên ngồi bên chiếc bàn khâu. Có khác chăng là hôm nay có thêm cô em gái nhà chồng, vừa sang chơi vừa giúp bà sửa nốt chỗ áo quần còn lại cho khách. Căn nhà chỉ vỏn vẹn 16 mét vuông, ngày hôm qua thế nào thì hôm nay vẫn vậy, chồng bà Hồng đi vắng, con cháu cũng bận rộn nhà cửa riêng, thành ra, nhà của bà như thể không phải Tết.

"Mấy chục năm tôi chẳng mua đào quất, chật thế này thì biết để vào đâu? Mua về dăm ba hôm lại phải mang đi vứt, phí phạm lắm. Tết năm nào cũng vậy, tôi chỉ mua con gà làm sẵn với đôi chiếc bánh chưng, gần giao thừa cúng kiếng thì nấu thêm ít cơm ít cháo, đĩa xôi nhỏ. Cơm tất niên thì sang nhà con trai, ăn uống với các cháu xong về. Già yếu rồi tôi chẳng làm được nhiều nữa, nhà cũng chẳng có ai ngoài tôi với ông nhà…".

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 3.

2 người đàn bà tóc bạc chẳng màng đến thời gian, vẫn say sưa với đam mê đầy thiên tính nữ.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 4.

Căn nhà nhỏ vẫn đầy chật quần áo của khách, chẳng sắm sửa dọn dẹp gì nhiều.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 5.

Chiếc xe đạp mỗi chiều đón cháu nội được cất gọn trong góc, đồ đạc đơn sơ cũ kỹ.

Tết ngoài đường còn vui hơn ở đây, nhưng bà Hồng cũng chẳng thấy buồn bã, vì bà bảo ngồi ở cửa ngắm người lại qua, lũ trẻ con chạy ngang chào bà ríu rít, chiều 30 tháng Chạp cũng có một chút nắng dịu dàng, thế là đủ hạnh phúc. Bà bị nhiều bệnh tật hành hạ, nên có sức để đi lại bình thường, đón thêm một cái Tết nữa tới là chẳng còn mong gì hơn. Những buổi sáng đầu năm rét mướt được ông chở đi bát phố đón xuân, nay đã nằm trong ký ức xa ngái. Tết năm rồi bà còn bị nhồi máu cơ tim, nếu không nhờ phúc phần tổ tiên thì bà chẳng còn được ngắm mùa xuân nay nữa.

Người phụ nữ tóc bạc nhỏ nhắn ấy mang trong mình rất nhiều hoài niệm cũ. Có lẽ bà là thợ thủ công chuyên nghề mạng - sang sợi duy nhất còn sót lại ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Biết bao nhiêu tiệm dịch vụ may vá, sửa chữa quần áo mọc lên, dần thay thế bàn tay mộc mạc, nhưng bà Hồng vẫn cố giữ lại cửa hiệu cũ nhà mình, nơi từng có một thời hào hoa cực thịnh.

Nhắc đến nghề mạng sợi vá đồ chắc đầy người chẳng biết, nhưng bà Hồng vẫn đón tiếp hàng chục lượt khách ghé qua mỗi ngày, người nhờ bà "cứu" lấy chiếc áo khoác đắt tiền bị thủng, người nhờ bà sửa lại cái khăn len, sơ mi, quần tây sờn rách… Có gia đình giàu có ở phố Khâm Thiên 20 năm qua toàn mang đồ cho bà sửa, từ chiếc khăn rẻ tiền đến áo khoác hàng chục triệu, họ chỉ tin tưởng bàn tay khéo léo của người phụ nữ tài hoa này.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 6.

Chỉ ngồi yên một chỗ suốt 4 thập kỷ, ngày nào cũng cầm kim từ lúc về nhà chồng, bà Hồng đã tự tay sửa chữa hàng trăm nghìn món đồ bị rách, sờn, lỗi hỏng.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 7.

Nghề may vá, mạng sang sợi tưởng chừng đơn giản, mà kỳ thực lại phức tạp hơn nhiều. Mỗi miếng vá là một thử thách mới, chẳng cái nào giống cái nào, bà Hồng cứ vừa làm vừa sáng tạo thêm cách sửa.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 8.

Chiếc ghế cũ bà ngồi dán đầy "đơn sửa đồ" của khách, cái nào xong bà ghi bút màu đỏ.

Đôi bàn tay của bà Hồng kỳ diệu đến mức, những miếng vá của bà chẳng bị lộ vết chỉ chút nào. Vết rách dù khó chữa đến đâu qua tay bà cũng lành lặn như cũ, mắt thường nhìn không ra, quả là một tài nghệ đáng kinh ngạc. Tất cả là nhờ công mẹ chồng - người đã truyền cho bà mọi bí kíp may vá.

"Tôi bắt đầu cái duyên với kim chỉ từ năm 29 tuổi, được mẹ chồng tôi là cụ Tạ Huê Diệp dạy. Cụ mất cách đây 3 năm rồi, nếu còn sống thì bà sắp trăm tuổi. Mẹ tôi sinh ra trong gia đình có điều kiện, cụ học thêm về nữ công tinh hoa, trong đó có khoản thêu thùa, nấu nướng. Mới 13 tuổi, mẹ tôi đã được một người Tàu dạy nghề mạng và sang sợi. Từ đó cho đến khi không còn cầm được kim chỉ nữa, cụ đã gắn chặt đời mình với nghề này. Có lẽ mẹ tôi là người thợ cuối cùng của trường Nữ công tinh hoa Hà Nội ngày xưa".

Nghe bà Hồng bồi hồi kể chuyện, bà Thu (60 tuổi) - con gái út của cụ Huê Diệp cũng xúc động vô cùng. Bà Thu chọn làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng sau hơn 40 năm cầm phấn, bà lại về cửa tiệm cũ của mẹ mình để cùng người chị dâu là bà Hồng ôn lại năm tháng cũ. Nơi 2 bà đang ngồi đã từng có gần 10 người sinh sống, 4 thế hệ sinh ra rồi mất đi cũng trong ngôi nhà này. Thời thế đổi thay, con cháu trưởng thành dần dần tản mát hết, sau chỉ còn mỗi vợ chồng bà Hồng giữ hương hỏa tổ tiên để lại. Chẳng biết là, ông bà còn giữ được mấy năm?...

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 9.

Ngày Tết vẫn có khách ghé thăm lấy đồ, bà Hồng luôn vui vẻ chào hỏi.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 10.

Đông khách gửi đồ vậy nhưng chỉ cần tả sơ qua là bà Hồng nhận ra món mình sửa.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 11.

Người em chồng của bà Hồng cũng lưu giữ nhiều bí quyết sửa quần áo do cụ Huê Diệp để lại.

Dù không còn nhanh nhẹn tinh anh được như thời con gái, nhưng bà Hồng vẫn có thể sửa xong quần áo trong vòng 1 – 2 ngày. Giáp Tết này trời càng thêm lạnh lẽo, tay khô ráp nhức mỏi nhưng bà vẫn kiên trì, cố gắng mạng sửa đồ cho mọi người diện Tết. Nhìn ngó lại quanh nhà, biết bao nhiêu quần áo nhưng chẳng có chiếc áo mới quần đẹp nào của bà, chỉ toàn đồ khách gửi gắm mà thôi.

Có rất nhiều kỷ niệm mà bà Hồng nhớ mãi trong suốt hơn nửa cuộc đời may vá. Bà tự gọi mình là người "vá kỷ niệm", bởi hầu hết khách tới tiệm của bà đều mang theo những món đồ là kỉ vật của người thân, hoặc quà tặng mà họ không muốn vứt đi hay bỏ xó.

"Nhiều năm trước, mỗi lần gió mùa về, có một ông cụ già hay đến nhờ tôi sửa chiếc áo bông cũ nát vô cùng. Lần đầu xem áo, tôi ngần ngại bảo ông ấy rằng, sửa cũng được, nhưng sẽ tốn một khoản lớn vì nhiều vết rách, thà ông lấy số tiền công sửa đi mua áo mới còn hơn. Nhưng ông lão nhất quyết không chịu, năn nỉ tôi tốn bao nhiêu cũng được. Vì đó là món quà người vợ thân yêu chắt chiu mua tặng ông. Bây giờ quần áo mới dễ mua, người mua xong cũng chưa chắc đã mặc, cứ Tết đến là người ta đi mua sắm rộn ràng, đồ chưa cũ đã bỏ đi rồi, nên người cần đến tôi cũng chẳng còn mấy nữa".

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 12.

Nhà chỉ có 2 vợ chồng già nên bà Hồng chỉ mua chút hoa quả thắp hương ngày Tết, chẳng bày biện gì nhiều.

Những câu chuyện nhẹ nhàng xa xưa cứ trôi về theo từng đường kim mũi chỉ, ngẩng đầu lên đã muộn lắm rồi. Ông nhà bà vẫn chưa quay về, bà đành dậy quàng thêm chiếc khăn, xếp gọn lại đống quần áo ngổn ngang khắp lối, chuẩn bị sang nhà con cháu đón giao thừa.

"Mùng 1 nào tôi cũng ở nhà làm cơm cúng, chiều tiếp khách đến chơi rồi về nhà cụ ngoại ở Kim Mã để thắp hương tổ tiên. Nhà cũ tôi ở đó, giờ chỉ còn người em trai hơn 60 tuổi trông nom thôi. Mùng 2 mùng 3 thì ở nhà nghỉ ngơi, trước ông nhà còn hay đạp xe chở tôi đi bát phố, lễ chùa, giờ sức khỏe kém rồi nên tôi hay đi lễ cùng các bà trong khu. Tết của tôi cũng chỉ có vậy thôi, chẳng cầu kỳ gì cả".

Đến tuổi thất thập cổ lai hy, bà Hồng cũng chẳng còn ước ao gì nữa. Cuộc đời bà trôi qua trong êm đềm, được chồng con yêu thương mình hết mực, gắn bó với nghề chẳng đem lại giàu sang nhưng cũng đủ sống tốt qua năm dài tháng rộng. Tên tuổi của bà Hồng được lưu lại trong Hoàng thành Thăng Long với tư cách một trong những nghệ nhân có công giữ gìn tinh hoa nghề thủ công hiếm hoi còn sót lại. 4 thập kỷ gắn bó với những vết rách sờn, cuối cùng bà cũng cống hiến cho mảnh đất mình sinh ra được một điều ý nghĩa.

Tết lặng lẽ không đào quất của người đàn bà dành cả cuộc đời làm nghề vá kỷ niệm - Ảnh 13.

Cái nghề "vá kỷ niệm" của bà Hồng gần như chẳng còn ai duy trì ở Hà Nội.

Điều bà Hồng sợ nhất là những lúc đổ bệnh. Chẳng mấy ai còn chịu khó như bà, 365 chẳng một ngày nghỉ ngơi, vẫn kiên trì với cây kim sợi chỉ, làm bằng tay bằng mắt, bằng cái tâm của người phụ nữ tài hoa đất kinh kỳ. "Tôi vẫn sợ và cứ buồn mãi thôi, nghĩ đến ngày xa xăm nào đấy mình rời khỏi cõi đời, sẽ chẳng có một ai nối giữ nghiệp gia truyền, chẳng còn ai làm đẹp cho mọi người nữa...".

Chia sẻ