Vật vã thời "bão giá"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Giá cả mọi thứ tăng chóng mặt. Nên chi tiêu và có cách nào kiếm thêm tiền để sống sót qua thời "bão giá" này không?

Thằng con trai lớn đang học lớp 5 nhìn mâm cơm mẹ vừa dọn ra, nét mặt tiu nghỉu, phụng phịu:

-Mẹ ơi, không có thịt bò ah? Con thích ăn thịt bò trần cơ.

-Hôm nay mẹ đi làm về muộn, ra mua thì hết rồi, ăn tạm cơm với trứng đi con!

Đứa con gái thứ 2 nhỏ tuổi hơn thằng anh lên tiếng:

-Giờ ăn cơm với trứng, mai mẹ mua xúc xích về rán nhé!

-“Xúc xích không ngon, thịt bò ngon hơn”, thằng anh cự lại

-Thôi, ăn cơm đi các con, kẻo nguội hết rồi!

Chồng giờ mới lên tiếng, ánh mắt nhìn vợ đầy ái ngại và cảm thông.

Đó là một câu chuyện trong bữa ăn nhà tôi xảy ra gần đây. Có lẽ nhiều người chưa hiểu ánh mắt ái ngại và thông cảm của chồng dành cho tôi là thế nào phải không? Anh đang hiểu những áp lực đè lên vai người cầm kinh tế gia đình trong giai đoạn bão giá này.

Thật buồn khi phải nói dối con trẻ. Ông bố, bà mẹ nào chẳng muốn lo cho đứa trẻ những điều tốt nhất, đáp ứng những mong muốn của trẻ, đặc biệt là nhu cầu ăn uống. Không chạnh lòng sao được khi con người ta được ăn uống đầy đủ, con mình không được như vậy, bố mẹ nào chẳng xót xa.

Nhưng đồng lương của hai vợ chồng đâu có nhiều. Tôi chỉ là nhân viên văn phòng với mức lương tròm trèm, tháng 3,5 triệu là kịch kim. Chồng làm hành chính trong một cơ quan nhà nước, tháng đều đều 4 triệu. Tổng thu nhập như vậy với 4 miệng ăn, đầy đủ các khoản phải chi tiêu từ tiền học cho con, tiền ăn, tiền điện, nước, gas, internet, tiền khóc, tiền cười…v.v. Nghĩ đã đủ nát óc rồi.

Trong khi lương tối thiều tăng chẳng đáng là bao. Cái phần tăng còn chưa được hưởng đã thấy giá cả tăng vù vù. Đi chợ mới cám cảnh cái số người ít tiền. Bữa ăn chỉ có nửa cân thịt lợn, mớ rau muống, ít đậu phụ, kèm mấy quả cà chua, chanh, ớt mà đã tiêu hết gần trăm nghìn đồng. Ấy là chưa kể hoa quả, sữa chua cho bọn trẻ. Đi chợ về tính toán một lúc người cứ ngẩn ngơ như vừa bị móc túi.

Trước đây, nhìn thấy rau đặt lên bàn cân lạ lẫm lắm. Thế mà giờ đây, chuyện ấy như cơm bữa. Từ cọng rau muống, quả cà, cải ngọt cho đến đỗ đậu, su su... đều được người bán chi li từng vạch trên cân. Đến củ hành, quả ớt trước đây cho không biếu không, giờ cũng đừng mơ.

Rau đã vậy, thịt, cá, tôm, cua, các loại gia cầm cũng tăng đến chóng mặt. Hôm nay một giá, ngày mai đã được đội lên một giá khác. Người bạn miệng cứ dẻo như kẹo kéo, tìm ra đủ thứ để phân bua. Nào là dịch nọ, dịch kia, năm nay không được mùa, giá xăng dầu tăng, công vận chuyển đắt…Gần đây thì mưa lũ miền trung, đồng USD tăng mạnh. Nghe các chị hàng buôn nói đầy am hiểu nhưng chẳng biết các chị có hiểu cho người đi mua hay không, có thật thà với lương tâm không hay lại tiện thể “tát nước theo mưa”.

Hôm rồi mẹ chồng từ quê lên, mang cho cả một mớ thức ăn tươi. Hỏi mẹ giá cả ở quê mới biết trên thành phố này, người ta tùy ý tăng, có khi tăng vô tội vạ. Chỉ khổ cho những người, những gia đình kinh tế eo hẹp, đồng lương công chức vốn bèo bọt nhưng phải gồng mình chống chọi với giá cả.

Cả đêm, hai vợ chồng chẳng nói với nhau câu gì, cũng không ngủ được. Có lẽ trong đầu đều bộn bề lo toan với cơm áo gạo tiền. Đồng tiền chỉ kiếm được như vậy song có bao khoản phải lo và không ngừng phát sinh. Câu hỏi làm thế nào để chi tiêu hợp lý trong thời điểm này đây vẫn chưa có câu trả lời?

Được một lúc chồng buông lời: “anh sẽ không tụ tập bạn bè nữa, vợ chồng mình hạn chế mua sắm em nhé, chỉ cần những cái gì thiết yếu nhất, còn đâu phải cân đối cho con cái học hành”. Vợ gật ủng hộ lời chồng chỉ có điều: “mọi thứ vợ đã tính toán chi li lắm rồi, không hạn chế được nữa đâu”.

“Có lẽ phải kiếm việc làm thêm, anh ạ”. Nghe vợ nói, chồng thở dài, tìm thuốc hút, vẻ đăm chiêu.

Vợ mơ màng không biết bao giờ đồng tiền mới thôi mất giá, cuộc sống gia đình mình mới bớt lo toan trong thời bão giá này?                            
                                                                                                          Mẹ Ủn

Chia sẻ