Chúng con ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp...

Saga,
Chia sẻ

Mỗi lần Tết đến Xuân về, cả nhà lại mong mẹ. Con còn nhớ một câu hát cũ, rằng “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.

Lúc tối, con tình cờ xem đoạn phim ngắn “Quà Tết” được một người bạn chia sẻ trên mạng, con đã bồi hồi nhớ về kỷ niệm ngày mẹ phải xa gia đình qua Đài Loan tìm miếng cơm manh áo. Chuyện đã lâu nhưng con thấy vẫn hiển hiện trong đầu con như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Năm con gái vào lớp 10, một đêm học bài khuya con thấy bố mẹ ngồi ngoài hiên bàn bạc rồi đi đến quyết định: mẹ vào Nam giúp việc cho người ta kiếm tiền cho ba chị em con đi học, bố cáng đáng việc nhà. Lúc ấy, con bị sốc, lần đầu tiên con gái phải xa mẹ. Con chạy lên giường vùi mặt vào gối khóc nức nở mà không biết lúc đó mẹ cũng đang cố kìm tiếng nấc nghẹn…

Chúng con ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp... 1
Phim ngắn “Quà Tết” làm con thật nhớ mẹ

Mẹ đi, bốn bố con thấy bơ vơ y hệt đàn gà con bị lạc. Là con gái lớn, con biết mình từ đây phải thay vai trò của mẹ trong gia đình. Bố lóng ngóng những việc nhà những ngày đầu tiên nhưng rồi cũng quen. Cuộc sống của bốn bố con con dần đi vào quỹ đạo không có mẹ. Vắng mẹ, con gái biết cầm mười ngàn ra chợ mua làm sao đủ hai bữa cơm cho bốn người, con gái biết nêm mặn nồi cá kho sao cho ăn được hết tuần, con gái biết chiếc áo, cái quần của hai thằng em Sóc và Ri cần may lại chỗ nào… Mẹ đi, hai đứa em trai cũng chăm chỉ và biết nghe lời bố hơn. Chúng con có vẻ ngoan hơn nhưng đứa nào cũng buồn vì vắng mẹ.

Mỗi tháng một lần mẹ sẽ gọi điện thoại vào bưu điện của xã để hẹn giờ gặp nói chuyện với cả nhà. Cứ đúng cuối tháng là bố con con lại nhấp nhổm chờ chú văn thư phụ trách bưu điện xã đạp xe qua ngõ ới “hai giờ ra nghe điện thoại mẹ nó ới nhà Dinh”. Mỗi lần nghe câu ới ấy, cả nhà mình như được thổi vào một luồng gió mát. Lúc nào đi nghe điện thoại mẹ bố cũng đèo em Sóc, con đèo em Ri, rồng rắn đến bưu điện, chỉ nghe tiếng mẹ trong điện thoại thôi cũng đủ vơi đi phần nào bao thương nhớ.

Tết đầu tiên mẹ đi làm trong Nam về là cái Tết con nhớ nhất cuộc đời mình. Chưa bao giờ chúng con chờ đợi Tết như năm ấy. Suốt tháng chạp, sáng nào cu Sóc và Ri cũng bắc ghế nhón chân tranh nhau xé lịch để tính còn bao ngày nữa mẹ về. Bố thì chỉ mỉm cười một mình, đêm đêm bố nạo trái dừa khô xin của hàng xóm, chưng dầu dừa để dành cho mẹ. Bố nói mỗi khi đi chơi Tết, mẹ thích vuốt dầu dừa lên tóc, vừa thơm vừa bóng tóc lắm. Con gái thì khỏi phải nói, chẳng nghĩ được gì ngoài giây phút sung sướng khi thấy mẹ về, được sà vào lòng mẹ mà hít hà mùi thơm quen thuộc.

Chúng con ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp... 2
Năm nào chúng con cũng luôn ngóng mẹ về 

Rồi giây phút mong chờ cũng đã đến. Mẹ về, đúng ngày 28 Tết. Mùa xuân theo mẹ về trong căn nhà nhỏ. Mẹ mang về cho chúng con những món quà từ Miền Nam. Con không còn nhớ lắm những món quà mẹ đã mua về cho chị em con, chỉ nhớ nhất đôi ba con cua biển trong chiếc thau nhôm mẹ mang về. Nhìn lũ cua, con ứa nước mắt vì thương mẹ. Nhà mình ở vùng núi trung du, cua biển là một thứ xa lạ vô cùng. Một lần nhìn món cua biển trong tờ báo cũ, cu Sóc và Ri cứ ao ước một ngày được ăn một con cua biển thì thích quá. Ước muốn nhỏ nhoi rất trẻ con ấy đã khiến mẹ trăn trở vậy sao? Để rồi, vượt qua hơn một nghìn cây số từ Sài Gòn về quê, nhét mình trên chuyến xe khách chật chội ngày Tết, nghe lời quở mắng của tài xế mẹ vẫn chịu khó cặm cụi nhốt ba con cua vào chiếc thau nhôm để mang về cho ba chị em con. Con còn nhớ vẻ mặt của mẹ đầy thất vọng khi háo hức xắn tay bảo “để mẹ luộc cua cho ba chị em ăn cái đã nào” nhưng khi mở ra ba con cua đã chết từ đời nào. Ba chị em con háo hức nhưng chẳng buồn lòng vì điều đó. Bởi chẳng thể vơi đi niềm vui được sà vào lòng mẹ, được mẹ kể cho bao câu chuyện ở trong Nam, được ríu rít kể cho mẹ bao nhiêu chuyện ở nhà. Với chúng con, những đứa trẻ háo hức thích quà Tết lúc đó, chẳng có món quà nào bằng món quà là mẹ.

Mẹ đi Nam được hơn ba năm. Năm nào chúng con cũng luôn ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp!

Rồi con vào đại học, hai em vào cấp ba. Gánh nặng trên vai bố mẹ ngày càng nặng hơn. Tết năm nhất đại học mẹ bàn với bố: mẹ đi Đài Loan giúp việc mới mong đủ tiền trang trải nuôi ba đứa con ăn học. Mẹ vẫn vắng nhà như ba năm qua, nhưng Tết mẹ không về! Vì Đài Loan quá xa, vé máy bay dù giá rẻ nhưng vẫn còn quá đắt so với mẹ, và quà cáp cho họ hàng khi đi nước ngoài về thì đâu thể qua loa. Tiền mẹ phải giành dụm cho các con đi học, về một cái Tết là hết gần cả mấy tháng lương. Mẹ không về cả nhà buồn thiu mặc dù nhà mình sắm sửa được nhiều thứ hơn. Con đi học ở Hà Nội cũng đầy đủ hơn chứ không đến nỗi chật vật. Tất cả là nhờ đồng lương xuất khẩu lao động của mẹ.

Năm nay, mẹ cũng gọi điện không về nhà ăn Tết được vì “mẹ cố giành dụm thêm ít tiền mua cho con gái chiếc xe máy mà đi thực tập năm cuối”. Đã ba năm rồi mẹ không về, ba đứa con dù lớn vẫn mong ngóng mẹ. Có lúc con giận dỗi nghĩ “hay đúng như người ta dị nghị, mẹ có chồng Đài Loan nên không thèm về với bố con con?”.

Đúng khi con có suy nghĩ đó thì “Quà Tết” lại nhắc nhớ con. Cô Mai trong phim cũng phải xa quê lên thành phố kiếm tiền để nuôi cả gia đình mẹ ạ. Tết cô ấy không về quê vì những áp lực về vật chất, quà cáp. Nhưng ngày cận Tết bố cô Mai đã gửi một bức thư kèm tấm vé xe cho con gái với mong muốn con bỏ qua những lo toan để cứ vui vẻ, lạc quan về ăn Tết cùng gia đình. Mẹ cũng giống cô Mai quá. Chắc bên đất khách xa xôi, mẹ cũng đang có những áp lực vật chất như cô Mai. Con đã khóc rất nhiều vì chưa bao giờ con thực sự hiểu được áp lực của mẹ mỗi khi Tết về cho đến khi xem bộ phim ngắn này. Suốt đêm, con xem đi xem lại bộ phim, khóc vì thương mẹ nhiều quá. Con ước gì mình có đủ tiền để có thể mua được tấm vé máy bay gửi qua cho mẹ để mẹ về với chúng con Tết này. Với chúng con Tết là khi được thấy mẹ về ngoài ngõ. Dù mẹ về chẳng có con cua hay chiếc xe máy nào với chúng con điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết mẹ ơi.

Chúng con ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp... 3
Tết là thời gian vui vẻ và yêu thương dành cho gia đình

Như lá thư của cha cô Mai, con cũng mong muốn lá thư này của con đến được với mẹ, để rồi mẹ tạm gác lại những áp lực vật chất, những lo toàn về kinh tế và sum vầy với gia đình mình. Ba năm rồi, lúc nào chúng con cũng ngóng mẹ về từ đầu tháng Chạp…


Chia sẻ