Biết bao đêm, chồng mặc áo chú rể lang thang ngoài đường đòi đón dâu

Huyền,
Chia sẻ

Khỏi phải nói, đêm tân hôn của chúng tôi tệ hại cỡ nào. Lúc đầu, anh đòi đuổi tôi về, bảo tôi rằng chưa cưới xin gì, tôi ở lại phòng anh như thế sẽ khiến mọi người coi thường...

Tôi và anh học chung một lớp từ hồi lớp 10, ròng rã 3 năm yêu nhau lén lút dưới mái trường phổ thông. Rồi vào đại học là quãng thời gian yêu đương công khai, đầy vui buồn lẫn lộn. Nhưng chúng tôi sống rất chân thành và trong sáng. 

Tốt nghiệp đại học, anh được nhận vào làm ở một công ty liên doanh, tôi làm cho một nhà xuất bản sách. 2 năm sau, khi đôi bên đều ổn định công việc, anh cầu hôn và tôi đồng ý. Chúng tôi say sưa chuẩn bị cho ngày quan trọng nhất đời người đó. Nhưng sự việc lại không như ý. Trước ngày cưới hai tháng, tôi theo chân một nhóm tổ chức chuyến từ thiện lên vùng cao. Tôi rủ anh đi cùng, và chúng tôi tách đoàn, đi riêng thăm thú khắp nơi sau khi hoàn thành việc tặng quà các em nhỏ. 

Khi trở về, xe khách của chúng tôi gặp nạn. Tôi bị ngất ngay tại chỗ. Đến khi tỉnh lại đã là 2 ngày sau, đầu vẫn choáng váng. Nhưng bạn trai tôi vẫn chưa tỉnh lại. Nghe mọi người kể lại, khi đội cứu hộ tìm thấy chúng tôi, anh đang ôm chặt lấy tôi. Tôi được anh che cho nên chỉ bị gãy chân, còn anh đập đầu vào khung xe nên chấn thương nặng và vẫn còn hôn mê

Những ngày đó, dù bị bó bột, song tôi vẫn ngồi xe lăn sang giường bệnh chăm sóc anh, thủ thỉ chờ mong anh tỉnh lại. Một tuần sau, anh tỉnh. Nhưng trước sự vui mừng của tôi, anh lại thờ ơ không nói. Bác sĩ kiểm tra xong kết luận rằng, bạn trai tôi có vết máu tụ, gây ảnh hưởng đến thần kinh. 

Trong ngày hôm anh tỉnh lại và những ngày sau đó, tôi đã chứng kiến bạn trai mình gào khóc, đòi đi tìm xác tôi. Anh tưởng tôi chết trong vụ tai nạn, nên cứ khi nào tôi rời khỏi mắt anh, anh lại lao đi tìm, lại kêu khóc, đánh đấm người khác để được thả ra. Nhưng có những lúc anh rất tỉnh táo, ngồi ăn cơm ngoan, gặp ai cũng hồ hởi nói chuyện, thậm chí anh vẫn nhớ rõ các dự án anh đang thực hiện và đòi mang máy tính đến bệnh viện để tiếp tục công việc. 

chú rể
Nhìn anh cười sung sướng, vuốt ve mãi chiếc cà vạt đỏ và bông hoa hồng trước ngực áo mà tôi rơi nước mắt. (Ảnh minh họa)

Cả nhà ai cũng đau lòng, tôi khóc đến sưng đỏ hai mắt và vẫn kiên quyết lấy anh. Tôi muốn chăm sóc cho anh suốt quãng đời còn lại. Tôi tin rằng với sự kiên trì của mình, dần dần bệnh tình của anh sẽ ổn định. Bác sĩ cũng nói với tôi rằng, do bị chấn thương lại sốc tinh thần nên anh như vậy, chỉ cần thời gian dài chăm sóc và điều trị, anh sẽ khá lên. 

Ngày cưới, chúng tôi chỉ tổ chức bữa tiệc nhỏ, mời họ hàng tới dự. Nhìn anh cười sung sướng, vuốt ve mãi chiếc cà vạt đỏ và bông hoa hồng trước ngực áo mà tôi rơi nước mắt. Anh còn khen tôi rằng: “Anh biết là em mặc áo cưới chắc chắn đẹp mà”. Vì bệnh tình của anh nên thay vì chú rể tới đón dâu, mẹ chú rể đã cùng họ hàng tới xin dâu từ sớm, để tôi sang giúp anh chuẩn bị. Từ ngày xảy ra tai nạn, anh cứ lên ô tô là gào kêu, sợ hãi. Vì thế mà đám cưới của chúng tôi được tổ chức chung ở nhà trai.

Dù trước đó tôi đã căn dặn anh rất nhiều, nhưng trong lễ cưới, thỉnh thoảng anh lại thất thần hỏi áo vest của anh đã chỉnh tề chưa? Giày đi trên chân nhưng anh nhất quyết đi tìm. Đến giờ làm lễ, anh cứ ngồi thừ người trong phòng, không dám ra. Khi mẹ anh vào nhắc nhở, anh nổi nóng đòi đuổi hết khách khứa vì ồn ào. 

Tôi biết anh hồi hộp, tất cả mọi người đều biết tình trạng của anh, nên không ai trách hay chê cười. Mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi đến khi anh đủ bình tĩnh để bước ra khỏi phòng. Là cô dâu, cũng bỡ ngỡ không kém trong ngày cưới của mình, nhưng tôi phải động viên, khuyên bảo chú rể bước ra làm lễ cưới. 

Việc bái lạy tổ tiên diễn ra ổn thỏa, tôi cũng thầm thở phào. Nhưng đến khi dự tiệc, anh lại cấm mọi người uống rượu, anh cứ lảm nhảm việc uống rượu hại thân, ảnh hưởng tới người khác, gây tai nạn xe cộ, việc vui thành tang gia… Thấy anh ăn nói không kiêng nể, lại nhớ đến nguyên nhân vụ tai nạn do tài xế say rượu, nên mọi người đều thay rượu thành nước ngọt chiều ý chú rể. Tôi và anh cũng phá lệ, không đến từng bàn mời mọi người mà ngồi cùng mấy anh chị em trong nhà ăn cỗ. Tiệc cưới làm qua quýt và nhanh chóng kết thúc. 

Khỏi phải nói, đêm tân hôn của chúng tôi tệ hại cỡ nào. Lúc đầu, anh đòi đuổi tôi về, bảo tôi rằng chưa cưới xin gì, tôi ở lại phòng anh như thế sẽ khiến mọi người coi thường. Đến khi tôi bảo anh rằng, vậy tôi về thì anh lại ngồi khóc xin tôi đừng về. Về sau, cứ tắt đèn là anh đòi xuống đất ngủ, nhường giường lại cho tôi. Vì thế mà mãi sau ngày cưới 1 tháng, chúng tôi mới chính thức trở thành vợ chồng. 

Cuộc sống vợ chồng đầy nỗi bi hài, khi anh tỉnh táo, anh giúp tôi rất nhiều việc, yêu thương chăm sóc tôi cẩn thận. Nhưng khi anh phát bệnh, anh lại gào khóc, nhốt mình trong phòng kín. Ra đường, nhìn thấy xe khách màu đỏ là anh run rẩy, sợ hãi. Thấy người nào uống rượu là anh đánh người ta.

Vì thế mà 5 năm qua, đi đâu tôi cũng phải canh chừng anh, tránh đưa anh tới nơi đông người, không để anh nhìn thấy rượu bia. Vợ chồng tôi sống khép kín trong căn nhà nhỏ 2 tầng. Hàng ngày anh ở nhà trồng cà chua, rau củ trên tầng thượng hoặc tỉ mỉ làm các đồ thủ công bằng gỗ, thép… để tôi mang gửi bán tại các cửa hàng lưu niệm. Công việc của tôi cũng xin làm ở nhà để trông nom và cơm nước cho chồng. Từ ngày cưới xong, thỉnh thoảng mẹ chồng tôi sẽ đến ở cùng một thời gian nhưng chẳng khiến bệnh tình của chồng tôi thuyên giảm.

chú rể
Những đêm bất chợt tỉnh giấc, anh thường mơ màng về một đám cưới đáng lẽ phải diễn ra. (Ảnh minh họa)

Điều đáng buồn nhất là, trong 5 năm, số lần nửa đêm tôi dậy đi tìm chồng không biết bao nhiêu mà kể. Những đêm bất chợt tỉnh giấc, anh thường mơ màng về một đám cưới đáng lẽ phải diễn ra. Vì vậy anh âm thầm mặc bộ vest chú rể, sau đó đi lang thang ngoài đường đòi đón dâu. 

Lần đầu tiên phát hiện sự việc là khi chúng tôi cưới được 2 tháng, nửa đêm tỉnh dậy, không thấy chồng nằm bên, tôi lo sợ đến vỡ tim, tìm khắp trong nhà không thấy. Tôi gọi điện ầm lên cho bố mẹ chồng và các anh chị em. Cả nhà tỏa ra đi tìm thì thấy chồng tôi đang nằm co ro ngủ trên ghế đá ở vườn hoa gần nhà. Trên người anh là bộ vest mặc trong ngày cưới. Lúc tỉnh lại, anh không chịu về mà bảo anh phải đi đón dâu. Cho tới khi tôi ôm anh khóc, nói rằng tôi là cô dâu của anh, tôi là vợ của anh lâu rồi. Thì anh mới chịu nghe lời mọi người, về nhà với tôi. 

Sau đó, có kinh nghiệm, buổi tối tôi khóa chặt cửa, cất kỹ chìa khóa. Hai lần đầu, anh chỉ dậy đi loanh quanh trong nhà, buồn bực đập cửa đòi đi. Lần thứ ba, anh trèo cửa sổ ra ngoài lúc nào tôi chẳng hay. Đến khi mẹ tôi gọi điện nói anh đang ngủ gật trước cửa nhà tôi, tôi mới vội vã sang đón anh về. Suốt quãng thời gian qua, không khi nào tôi dám ngủ say, lúc nào cũng phải sờ sang bên cạnh xem anh có ngủ ngoan không. 

Tôi không biết mình có thể chịu đựng được việc này đến bao giờ? Khi nào thì anh mới tỉnh lại? Có lẽ chỉ vài năm nữa, cũng có lẽ không bao giờ. Sắp tới, tôi muốn sinh cho anh một đứa con, nhưng với tình trạng của anh như hiện nay, liệu đứa con sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho tôi, hay sẽ là động lực giúp anh sớm khỏi bệnh? Tôi có nên đánh cược một lần, sinh con ra lúc này không mọi người?

Chia sẻ