Bị mẹ chồng tống cổ ra khỏi nhà vì... mang mèo cưng đi chúc Tết

Quỳnh Anh,
Chia sẻ

Thay vì đang ở nhà chồng để đi chúc Tết, mùng 1 Tết, mình lại ngồi đây mà kể lại chuyện này. Mẹ chồng mình cũng quá đáng. Hôm ấy bà "quạt" vợ chồng mình một trận. Bà còn túm cổ mèo yêu của mình vứt thẳng ra cửa.

Về lại thành phố sau gần một ngày rưỡi rã rời ở quê. Ai ngờ con dâu về quê chồng ăn Tết mà lại “được” đuổi về sớm thế này. Chán cái sự đời, chán cái sự tình, sao trên trái đất này vẫn còn nhiều người không biết yêu động vật là gì nhỉ?

Mình yêu mèo cực, đã từng nuôi nhiều con mèo với nhiều màu lông khác nhau. Nhưng hiện giờ mình đang gắn bó với một em mèo lông ngắn đáng yêu không kém gì em Shironeko. Đây cũng là quà cầu hôn của chồng. Anh ấy cũng như mình, rất yêu mèo. Khổ nỗi là bố mẹ ở quê của anh lại không như vậy.

Đối với bố mẹ chồng, “mèo” là cái con đen đen bẩn bẩn lăn lủi ở bếp, hết ăn vụng lại xơi tươi chuột cống cá sống và thường xuyên đại tiện chua khẳm vào tủ áo quần. Họ không tưởng tượng ra là có thể loại mèo được ngủ chăn đệm riêng, ăn thức ăn ngoại giá triệu và dùng nước hoa đắt hơn cả người.

Năm nay là Tết đầu của mình ở nhà chồng, bao nhiêu nhiệm vụ mình đã hoàn thành xuất sắc hết, nhưng không ngờ lại vướng tội với mẹ chồng vì mèo yêu. Ở lại thành phố chơi với bố mẹ đẻ đến 29 Tết, sáng 30 Tết, hai vợ chồng bắt xe về quê chồng định ở đến mồng 3 thì về lại nhà bà ngoại rồi đi làm.

Bị mẹ chồng tống cổ ra khỏi nhà vì... mang mèo cưng đi chúc Tết 1
Năm nay là Tết đầu của mình ở nhà chồng, bao nhiêu nhiệm vụ mình đã hoàn thành xuất sắc hết, nhưng không ngờ lại vướng tội với mẹ chồng vì mèo yêu (Ảnh minh họa)

Để mèo ở nhà một mình thì không yên tâm, nhà mình lại đi du lịch từ mồng 1 không gửi được ai. Tính mãi không còn cách nào khác, vợ chồng mình đành phải bế mèo về quê cùng.

Mang mèo theo mà hai vợ chồng lận đận tay xách nách mang không khác gì nuôi con dại. Đồ cho người thì ít mà đồ mèo thì nhiều vì phải mang theo cả túi ngủ, đồ chơi, thức ăn hộp và sữa.

Tưởng mọi người ai cũng quý mèo như mình, hóa ra người Việt không mấy ai yêu động vật. Vừa leo lên xe khách đã bị cả nhà xe và hành khách la ó đuổi như đuổi tà. Họ bảo mèo xui xẻo, mang lên xe mà có chuyện gì thì “Bốn họ nhà anh chị cũng không gánh hết trách nhiệm”.

Ý họ là nhỡ có tai nạn nào thì là do mèo của mình. Văn hóa kém lại còn ưa mê tín, mèo nhà mình lái xe gây tai nạn chắc? Mà mèo nhà mình đâu phải loại tam thể hay mèo đen Việt Nam đâu, là mèo Anh đấy.

Vậy là vợ chồng phải bắt xe khác trong bộ dạng chả khác gì dân móc túi. Hai vợ chồng mặt mũi lấm lét chọn ghế cuối xe, giấu mèo vào làn phủ khăn lên trên. Ngồi trên xe suốt 2 tiếng toàn phải bật nhạc to, nói chuyện to để nhỡ mèo yêu có kêu bất thình lình cũng không ai nghe được.

Trong bụng mình luôn phải cầu trời khấn Phật sao cho nó đừng nhõng nhẽo đòi đi vệ sinh. May mà mèo nhà mình thuộc dạng lười và nhát người. Nếu không nó nhảy lung tung thì chắc năm này chả thể nào về tới quê chồng.

Thoát nạn kì thị mèo của nhà xe, vừa bước chân vào nhà chồng thì nhận được cái trợn tròng của bố mẹ chồng. Mẹ chồng ca thán như có ai chết, bố chồng ít nói hơn nhưng mặt mũi sa sầm. Họ còn bảo “May về 30 chứ về sáng mồng 1 thì toi rồi”. Mình không hiểu vì sao mèo lại bị quan niệm là đen đủi xui xẻo. Nghèo hay giàu là do tay mình làm, chẳng lẽ vì một tiếng “meo” mà giàu bỗng hóa nghèo?

Mẹ chồng mình còn chỉ ra sau vườn bảo: “Sợ chó đi ra đi vào nhà đầu năm mẹ phải cột nó lại. Thế mà mày còn mang mèo về”. Mình không ngờ là người Việt mình lại đối xử với động vật như thế. Con chó gầy trơ xương còn bị mẹ mình cột vào cây sau vườn nhìn đến tội.

Rồi bà còn nói mình không muốn làm mất không khí Tết thì cột nốt mèo này vào đó. Mình còn tưởng mẹ mình nói đùa, mèo mình ở nhà chân không chạm đất, chỉ ăn nằm trên đệm và thảm, làm sao có thể sánh với lũ chó trông nhà ở quê?

Thấy mẹ chồng làm căng quá nên bố và chồng mình can thiệp nói đỡ. Nếu không thì xém chút nữa mình và mèo đã cùng bị đuổi về thành phố. Đến giờ đi ngủ, mẹ chồng còn vào vén màn dặn dò sáng mai phải để mèo trong phòng không được cho ra ngoài.

Ai nuôi mèo sẽ biết, mèo quấn chủ và khi đến chỗ lạ thì nó càng sợ và chỉ muốn được bế trên tay. Sáng mồng 1 Tết mình phải cùng mọi người đi chúc Tết. Nhưng mình không thể trái lời mẹ chồng mang nó theo được đành phải để lại trong phòng. Mình đi một bước mèo theo một bước, đến lúc đóng cửa thì nó bắt đầu gào và cào cửa đòi theo.

Không khác gì cảnh mẹ con chia ly, mình đứng ngoài sốt ruột, chồng thì giục đi, mèo thì kêu, dùng dằng mãi rồi mình bắt đầu khóc. Mẹ chồng nghe ồn ào chạy vào quát “Đầu năm mà nghèo nghèo, bảo con mèo của cô im mồm ngay”. Quay sang thấy mình giọt ngắn giọt dài bà càng tức điên. Bà mắng mình “Đầu năm làm loạn”.

Kết thúc thế nào thì mọi người cũng thấy rồi đấy. Thay vì vẫn đang ở nhà chồng để làm tròn bổn phận làm dâu, mùng 1 Tết, mình lại ngồi đây mà kể lại chuyện này. Mẹ chồng mình cũng quá đáng. Hôm ấy bà "quạt" vợ chồng mình một trận. Bà còn túm cổ mèo yêu của mình vứt thẳng ra cửa. Xót ruột lắm lắm mà mình không dám "bật" lại mẹ chồng.

Bị mẹ chồng tống cổ ra khỏi nhà vì... mang mèo cưng đi chúc Tết 2

Tết năm nay như vậy là tan tành. An ủi là mèo yêu vẫn bình yên nằm trong lòng mình như lúc này (Ảnh minh họa)

Chật vật lắm chồng mình mới bắt được cho mình cái xe về ngược thành phố trước. Còn anh vẫn phải ở lại chúc Tết họ hàng đến hết ngày mùng 3 Tết mới lên. 

Tết năm nay như vậy là tan tành. An ủi là mèo yêu vẫn bình yên nằm trong lòng mình như lúc này. Mình buồn lắm và trách mẹ chồng nhiều lắm. Chồng mình thì bảo, cứ nằm nhà hay về ngoại mà đón Tết, ra Tết thì về quê chuộc tội vậy. Nhưng mình nghĩ, mình chẳng có tội gì cả. Người có lỗi là mẹ chồng mình chứ đúng không?

Liệu sau Tết mình có nên phải về lại nhà chồng nói lời xin lỗi bố mẹ chồng mình không? Sao muốn làm người yêu động vật cũng khó đến thế?

Chia sẻ