10 năm nhẫn nhịn sự cay nghiệt của anh trai và chị dâu

Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Ngày hôm nay, tôi gọi chị dâu là “mày” xưng “tao” và nói hết tất cả những điều 10 năm nay từ khi chị ta về gia đình tôi, tôi phải nhịn nhục để sống. Tôi cũng cắt đứt toàn bộ tình cảm anh chị em với họ.

Tôi còn trẻ, mới 24 tuổi nhưng có lẽ những gì tôi đã trải qua là quá nhiều cay đắng. Ngày hôm nay, khi mà tôi giải tỏa và quyết định được mọi nhẫn nhịn thì cũng 10 năm tôi đã chịu đựng. Tôi muốn tâm sự, chia sẻ với mọi người để có được sự đồng cảm, sau này vững bước và mạnh mẽ trên đường đời.

Tôi sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, nhà tôi rất nghèo. Tôi có bố, nhưng là một người cha tù tội, trai gái và không nhận con. Vì thế, tôi có bố cũng như không. Tôi có mẹ, mẹ tôi bị mù. Và tôi có một người anh trai. Năm tôi học lớp 6, anh lấy vợ. Cuộc sống của tôi đầy nước mắt và cay đắng từ đó.

Anh trai tôi hư hỏng, thường bỏ mẹ tôi một mình nên bà sinh thêm tôi. Anh em tôi cách nhau 9 tuổi. Và chúng tôi cùng mẹ khác cha. Từ ngày tôi chập chững biết đi, đã dắt mẹ đi bán hàng khắp nơi, biết làm mọi việc nhà, tính lành hiền, ít nói và ngoan. Anh trai tôi không việc làm, cờ bạc, rượu chè rồi lấy vợ. Chị dâu cũng không được học hành chút nào, đã từng có một đời chồng và hai con nhưng giấu. Tôi cũng không chê trách, vì tôi thương cảm. Hơn nữa, chị nói thương mẹ tôi mù, thương anh tôi nên về làm dâu.

10 năm nhẫn nhịn sự cay nghiệt của anh trai và chị dâu 1
Năm tôi học lớp 6, anh lấy vợ. Cuộc sống của tôi đầy nước mắt và cay đắng từ đó (Ảnh minh họa)

Lấy anh tôi, chị cũng phải đi bán hàng ở chợ hàng ngày, tôi thấy vất vả nên thương. Thế nhưng, dần dần chị bộc lộ sự ghê gớm, khốn nạn và nhẫn tâm của mình. 

Hàng ngày, một buổi tôi đi học, một buổi bán hàng ở chợ.  Khi tôi học cấp 2, sáng dậy từ 3 giờ sángđi kéo xe bò lấy hàng về chợ, dọn hàng rồi mới đi học. Buổi chiều thì về bán hàng cho mẹ. Tối dọn hàng về, cơm nước rồi học. Tôi và mẹ ở trong một túp lều tranh dột nát còn mẹ cho anh chị ở căn nhà gạch. 

Họ đi xe máy lấy hàng (nhà tôi bán mía), còn tôi và mẹ sáng dậy sớm, băng qua nghĩa địa để lấy mía về bán. Anh chị không lấy giúp. Nếu mua hàng cùng một chỗ, người ta chở đến cho, giá tiền như nhau từng cây, chị dâu tôi chọn hết bó to ngon, để mẹ mù và tôi bán những vác mía gầy nhẳng, bé còi. Tôi đều thấy cả nhưng không nói. Mẹ tôi không nhìn thấy nhưng bà biết nên thi thoảng mắng chị. Chị chửi lại, chê gia đình tôi nghèo khó và nhiếc móc mẹ tôi, gia đình tôi thường xuyên.

Về phía tôi, từ ngày chị về làm dâu là cuộc sống của tôi đầy nước mắt và cay đắng. Có một lần, năm tôi học lớp 8, vì được nghỉ học thêm, tôi về sớm, dắt xe vào đến cửa nhà, tôi nghe rõ cuộc nói chuyện giữa mẹ tôi và anh chị. Anh trai tôi nói: “Mẹ kệ nó, bà ở với chúng con”. Chị nói: “Mẹ cho nó ra đường sống sao thì sống, bằng tuổi này con người ta lấy chồng có con rồi!”. Tôi đứng giữa trời, cảm thấy không chốn dung thân, nước mắt cứ rơi không ngừng. 

Mẹ định cho tôi học hết lớp 9 nhưng tôi học khá tốt, thi đỗ trường cấp 3 tốt nhất, học lớp chọn và trường lại rất gần nhà nên mẹ đồng ý cho tôi đi học. Sáng nào tôi cũng dậy sớm dọn hàng, kéo xe bò trên đường phố đông đúc, thấy bao ánh nhìn của người khác.

Nếu ở quê, có thể hình ảnh này sẽ không có gì lạ. Nhưng nhà tôi ở ngoại thành, huyện sát với trung tâm thành phố, giờ đã lên quận. Mỗi sáng, hình ảnh một con bé mặc áo trắng học sinh kéo xe bò chở hàng cùng mẹ trên đường phố đông đúc khiến bao người ngoái nhìn. Có người nhìn khinh khi, có người thương hại và đôi khi có ánh mắt ấm áp. Bạn bè cùng lớp cũng thấy, người con trai tôi yêu mến nhất khi ấy cũng thấy, tôi vẫn ngẩng cao đầu bước đi vì không có gì xấu hổ.

Và khi biết anh kia để ý tôi, anh có điều kiện quá tốt, anh trai tôi đã dọa sẽ gọi điện nói cho bố anh ấy biết về bố tôi (bố anh là đại tá). Và anh trai tôi đã gọi đến nhà anh ấy thật, tôi kịp rút dây nối. Nhưng tôi khóc suốt một đêm, viết thư cho anh ấy nói rằng cuộc sống khác nhau, tôi không thể chơi với anh như ngày bé nữa. Còn chị dâu tôi, ra ngoài kể xấu tôi khắp nơi, nói tôi xấu, bẩn, luộm thuộm, ngu dốt. Ở nhà, chị ta chửi và nhiếc móc tôi, mỗi bát cơm chan đầy nước mắt. 

Những năm tháng tôi học cấp 3 là những năm tháng cay đắng, khổ sở nhất. Một tuần có 7 ngày thì quá nửa số ngày là nước mắt hàng đêm. Anh trai tôi ra đường gây sự, đầu gấu đến nhà đòi giết anh. Anh bảo họ: “Có giỏi giết con kia đi” - Là giết tôi! Chị dâu nói cạnh khóe sau lưng để anh trai đánh đập tôi. Tôi đi học, có những hôm, mặt mũi sưng vù vì bị đánh, đấm, có hôm những ngón tay gẫy, trật từng khúc.

Cô giáo thương tôi, gọi mẹ tôi lên nói, mẹ tôi ghét cô. Mẹ tôi rất thương anh trai tôi, anh ta bỏ học, mẹ tôi chống gậy đi xin cho anh ta học lại. Anh ta thích học võ, mẹ tôi cho học. Nhưng với tôi thì không như thế.

Tôi bị đánh, bị chửi mắng, mẹ tôi biết nhưng không làm gì. Bởi anh tôi đánh cả mẹ, chị dâu cũng chửi mẹ tôi, bà còn không làm gì được, không nói được. Nhưng khi chị ta bị chồng đánh, mẹ tôi ôm anh trai tôi, van xin anh ta. Tôi dẫn chị ta đi trốn sang nhà hàng xóm rồi về giải cứu cho mẹ và để anh ta đánh tôi. Rất nhiều lần như thế, nhưng chị dâu vẫn độc ác với tôi.

Lớp 11, tôi được lên báo và truyền hình. Sau đó, một bác Việt kiều tìm đến và tài trợ cho tôi học suốt năm lớp 12. Tôi đi học không mất học phí nhưng năm đó, kinh tế bắt đầu khó khăn, tôi còn không có tiền đi tham quan cùng lớp. Bác ấy gửi mỗi tháng 100USD, do đó tôi có tiền đi học thêm tiếng Anh buổi tối. Anh chị biết được, ra sức mở ti vi thật to cả đêm, ra sức chửi mắng tôi. Mẹ tôi và tôi thậm chí phải đi ăn quán.

Rồi tôi đỗ đại học, một trường danh tiếng. Tất cả nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Chị ta cũng câm lặng một thời gian. Nhưng đất nhà của gia đình tôi bị giải tỏa và không được đền bù. Tôi đi kiện và đòi lại đất nhà cho gia đình. Trong thời gian gia đình tôi không có nhà ở, chị ta bỏ đi, để lại con cho mẹ tôi và tôi lo. Tiền học phí của cháu, tôi và mẹ tôi nhịn ăn tiết kiệm cho cháu đi học. Đến khi gia đình tôi có đất nhà, chị ta lại quay về. 

Trong thời gian chị ta bỏ đi, chị ta sống cùng với một người đàn ông khác. Và quan trọng là mẹ tôi nghe anh tôi. Anh ta đổi mảnh đất tái định cư sang mảnh đất phi nông nghiệp của một tên lừa đảo, và tên sổ của người khác. Nếu có làm được sổ đỏ cũng mất số tiền lớn. Tôi nói nhưng họ đều chửi tôi ngu, mẹ tôi thì đổ đốn, tôi nói là đuổi tôi đi. 

Bốn năm học đại học, tôi tự nuôi mình ăn học. Tôi ra ngoài ở trọ, thỉnh thoảng về nhà. Tôi về nhà ở, chị dâu lại cái tính như ngày xưa. Trước mặt thì “chị chị em em” mà sau lưng thì máy móc, nói xấu tôi và vẫn chửi mẹ tôi. 

Và đến những ngày tháng vừa rồi, tôi vừa tốt nghiệp (tôi học 2 bằng nên mất 5 năm) và đang cố gắng tiết kiệm để lo du học. Không may cho tôi, tôi vừa bị mất xe máy và toàn bộ giấy tờ, sổ tiết kiệm chưa đến hạn, tiền lương thì phải lo công việc. Vì không có xe đi trong 2 tháng và không có nhiều tiền nên tôi phải vay mẹ ít tiền. 

10 năm nhẫn nhịn sự cay nghiệt của anh trai và chị dâu 2
Ngày hôm nay, tôi gọi chị dâu là “mày” xưng “tao” và nói hết tất cả những điều 10 năm từ khi chị ta về gia đình tôi, tôi phải nhịn nhục để sống (Ảnh minh họa)

Thế mà chị dâu xỉa xói tôi: “Tao không học một chữ nào cũng kiếm được đầy tiền, không phải xin vay ai”. Đỉnh điểm là con chị nói ngay trước mặt tôi: “Mẹ ơi con bảo này, cô Q hay nhỉ, toàn sang vay tiền bà”. Còn rất nhiều lần nó hỗn láo với tôi, tôi đều nhịn. Chị ta thấy lúc tôi khó khăn thì coi khinh và xỉa xói tôi. Chị còn nói: “May quá không cho nó vay tiền”. Và chị ta ra ngoài chửi mẹ tôi, chửi tôi. 

Ngày hôm nay, tôi gọi chị dâu là “mày” xưng “tao” và nói hết tất cả những điều 10 năm nay từ khi chị ta về gia đình tôi, tôi phải nhịn nhục để sống. Tôi cũng cắt đứt toàn bộ tình cảm anh chị em với họ. Anh chị ta muốn mẹ tôi cho họ tất cả. Mẹ tôi quyết định cho tôi một nửa chỗ đất nhà theo đúng luật pháp. Tôi quyết định bán đi, gửi sổ tiết kiệm cho mẹ khoản tiền hàng tháng. Bởi tôi biết bà có chút nào là bị họ bòn rút hết. 

Vài tháng nữa tôi ra nước ngoài học tập và làm việc. Tôi chỉ mong góp đủ tiền mua nhà cho mẹ ở. Họ bám vào mẹ tôi để sống, nhưng về già, người lo cho bà sẽ chỉ là tôi thôi. 10 năm là quá đủ để tôi chịu đựng sự tham lam, độc ác và khốn nạn của họ. Mong là những ngày mưa qua rồi, mai trời sẽ đầy nắng...

Chia sẻ