Tâm sự người đàn ông khuyết tật cả 2 tay, ngày ngày bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi: "Tôi không dám chết"

THANH BA,
Chia sẻ

“Không sống cũng phải sống thôi cô ơi, ai cho tôi chết, còn 2 cháu đấy, mẹ già đấy… bao người trông mong vào mình…”, ông Sỹ nói mà đôi bàn tay vì bệnh phong ăn mòn dường như cũng run lên với nỗi thống khổ.

Trong căn lều xiêu vẹo tự dựng lên tại đường Phạm Ngũ Lão (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Cần Thơ), ông Trần Văn Sỹ đang lụi cụi thu gom phế liệu. Căn lều xiêu vẹo hiện là nơi cư trú của 4 nhân khẩu, gồm ông Sỹ, người mẹ đã 91 tuổi của ông và 2 đứa cháu sinh đôi 8 tuổi.

Ở tuổi ngoài 90, mẹ ông dù vẫn đi lại được nhưng đã quá già yếu nên gần như chỉ nằm trong buồng, 2 đứa cháu 1 trai, 1 gái thì còn nhỏ nên mọi việc kiếm tiền, việc nhà đều do một tay ông Sỹ quán xuyến. Bản thân ông Sỹ năm nay đã 61 tuổi, do di chứng bệnh tật mà bị tật nguyền, cuộc sống bán phế liệu bấp bênh nên cũng chỉ có thể lo cho cả gia đình bữa no, bữa đói.

Cũng bởi thế, dù sống ở xóm lao động nghèo nhưng nói hoàn cảnh ông Sỹ thì đến người nghèo cũng thương.

Căn bệnh lạ và nỗi đau bên chiếc ghe bị vợ bỏ lại

Câu chuyện cuộc đời được ông kể lại không liền mạch bởi ông bảo đầu óc giờ khúc nhớ khúc quên. Dù có lúc mất ngủ, tất cả những đau thương hiện ra trong tâm trí ông rõ mồn một khiến ông phải ôm lấy ngực mình cho khỏi thổn thức.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 1.

Thời trẻ ông Trần Văn Sỹ cũng đẹp trai, sáng sủa, cuộc sống cũng gọi là ổn định. Sau khi kết hôn, vợ chồng ông sinh được một cậu con trai, có đất đai vườn tược làm rẫy để làm ăn. Nhưng tai bay vạ gió bỗng ập đến khi một ngày trên da ông Sỹ xuất hiện những vết đen, phồng rộp như bị bỏng rồi những cơn đau đớn hoành hành bàn tay bàn chân bị biến dạng. 

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 2.

Sống ở một vùng quê hẻo lánh, heo hút, dịch vụ y tế xa xôi, ông Sỹ gần như không có thông tin, không biết mình có bệnh gì. Ngay cả dân trong làng cũng chỉ biết giải thích theo dân gian là do đi ăn đám này đám kia ăn trúng đồ gì đó nên bị vậy. Không ai biết đây là bệnh phong cần được chữa trị kịp thời. 

Vậy là ông Sỹ chỉ biết nghe theo những lời mách nước. Miền Tây sông nước, đi lại khó khăn nhưng vì muốn chữa bệnh, ai mách đâu ông Sỹ đều ráng đi. Ông cắt thuốc bắc, thuốc nam, bán cả đất đi để cắt thuốc, có lúc 5 chỉ vàng một thang thuốc ông cũng cắn răng mua vì đau đớn không chịu nổi. Vậy mà, bệnh mãi không khỏi…  Có lúc đau quá, ông lăn lộn như người điên, không thể tự mặc quần áo được, thân thể cũng dần biến dạng đi.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 3.

Đôi bàn tay ông Sỹ bị biến dạng sau cơn bạo bệnh.

Một ngày ông chèo ghe cùng vợ đi lấy thuốc. Khi tới nơi, ông chịu cơn đau vào lấy thuốc, vợ chờ ở trên ghe. Nhưng lúc trở ra, ghe vẫn còn đó mà vợ ông không biết đã đi đâu rồi. Gọi hoài, tìm mãi cũng chẳng thấy, ông Sỹ biết vợ đã bỏ ông mà đi. Cùng lúc cả cơn đau thể xác, cơn đau tinh thần dội xuống, ông thậm chí phải kéo chiếc ghe lại gần nơi lấy thuốc vì không thể tự chèo về nhà được.

Về đến nhà, chẳng biết làm thế nào hơn, ông tìm đến nhà bố vợ kể lại câu chuyện, nhưng đáp lại chỉ là những lời lạnh lùng: “Nó bỏ đi đâu được, hay mày giết nó rồi”. Vậy là ông Sỹ lủi thủi quay về, đem theo cả tiếng xấu người ta vu cho mình ráng chữa bệnh và nuôi con…

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 4.

Người vợ những tưởng đồng cam cộng khổ đã bỏ đi khi đôi bàn tay ông Sỹ biến dạng.

Nỗi đau thể xác và tinh thần cùng lúc giằng xé, vợ bỏ trong lúc nguy nan, nhà cửa kiệt quệ vì những mảnh đất cuối cùng cũng bán đi để lấy tiền mua thuốc. Ở lại với ông chỉ là đứa con trai mới chỉ 13 tháng tuổi và 1 bà mẹ. Giọng rưng rưng, ông Sỹ bảo đó là lúc vô cùng khó khăn, đen tối trong đời mình. Có những lúc ông cảm giác mình không trụ được nhưng bằng cách nào đó, ông vẫn vượt qua.

Sau 2 năm mang bệnh, gia sản tiêu tán biết bao phần mới có người cho ông biết, căn bệnh lấy đi của ông tất cả là bệnh phong, cần được chữa trị theo khoa học. Rồi theo thầy, theo thuốc, đi khám y tế, bệnh tình cũng giảm dần nhưng thân thể ông mãi mãi không lành lặn được như trước nữa.

Cuộc sống cơ cực lo cho gia đình 4 miệng ăn của người đàn ông tật nguyền

Đôi bàn tay đã biến dạng, đất đai cũng đi theo bệnh tật, cuối cùng cả nhà ông Sỹ phải lếch thếch bỏ xứ mà đi. Mãi đến năm 1993, họ mới neo lại ở một góc đường cùng, dựng một căn chòi trên con mương ở phường An Hòa, chấp nhận sống chung với mùi hôi thối từ con mương.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 5.

Căn nhà nơi 4 mảnh đời trú ngụ. Mang tiếng là nhà nhưng cũng chỉ là những mảnh phế liệu dựng nên.

Lúc bắt đầu cắm tạm chiếc chòi trên con mương này, ông Sỹ đi làm mướn, việc gì cũng làm cốt kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi con. Trung bình một ngày công của ông khi ấy chỉ khoảng 50 ngàn đồng.

4, 5 năm gần đây khi đường làm, con mương được lấp, ông có chút đất để dựng tạm một căn lều để thu mua phế liệu, sắp xếp rồi bán lại, lụi cụi cả ngày. Từ ngày buôn phế liệu, thu nhập của ông Sỹ “nâng lên” mức 70, 80 ngàn, đôi khi được 100 ngàn/ngày cho bốn miệng ăn. Nhưng ông biết rất rõ rằng cái lều buôn phế liệu của mình có thể bị nhà nước thu lại bất cứ lúc nào. 

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 6.

Phân nửa diện tích trong căn nhà là chỗ để phế liệu, nguồn thu nhập chính của gia đình ông.

Hỏi ông rằng có bao giờ cực quá, đau quá, khổ quá mà nghĩ đến cái chết không, ông Sỹ quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Thậm chí khóc cũng không. Đàn ông không được khóc, lúc bố tôi mất tôi cũng không khóc. Con người khác nhau vậy đó, có người đau 1 chút cũng đã khóc rồi, nhưng tôi tự nghĩ mình còn phải lo cho gia đình, khóc lóc cũng được gì đâu. 

Chuyện gì rồi ai cũng qua, con người ai mà không về cát bụi đâu, con người mình phải vậy can đảm để sống. Nhiều người còn hỏi sao không kiếm bà nữa đi, tôi bảo như thế này đã mệt quá trời, còn bà gì giờ nữa. Tôi cũng biết vợ cũ hiện đang sống ở đâu, đã có cuộc sống mới như thế nào, nhưng tìm làm gì, có ích gì đâu”.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 8.

Ông Sỹ đang sắp xếp lại đống phế liệu để mang đi bán.

Cũng may, tiền học của 2 đứa nhỏ có người thương tài trợ nên lũ trẻ đi học không mất tiền. Cũng may, người trong xóm ai cũng thương hoàn cảnh của ông Sỹ, biết bữa cơm nhà ông thường xuyên chỉ có ít lạc, ít tép, đôi khi là không có gì nên nhiều người giúp ông lúc ít gạo, lúc ít thức ăn; người cho thêm món đồ cũ, bộ quần áo không còn dùng đến nữa. Đôi lúc lũ trẻ ốm quá bác sĩ gần nhà thấy hoàn cảnh như vậy cũng thương chỉ lấy vài chục ngàn tiền thuốc. 

Bao năm bệnh tật, chính nhờ tấm lòng của hàng xóm mà gia đình ông mới có thể sống qua ngày. Ông Sỹ cười khổ cái số của mình như vậy biết làm sao giờ: “Ngồi đây có kể đến ngày mai cũng chưa hết chuyện cuộc đời. Tôi gặp nạn nhiều, không hên nhiều, nhưng mà cũng vượt qua cả rồi. Ngồi hoài kể mệt lắm cô ơi. 

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 9.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Sỹ vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.

Có những đêm không ngủ được, tất cả nó quay lại trong đầu, chẳng quên thứ gì. Nhưng lúc bình thường như thế này tôi quên hết. Chỉ có điều dù nghèo đói thế nào nhưng tôi không làm việc xấu, con người tôi ngay thẳng, cái gì của mình là của mình, không bao giờ lấy ngang của ai. 

Nhiều khi tính tiền lộn hoài, 1 ngàn tưởng 10 ngàn hoài, xin người ta lại người ta không cho, mình lộn thì người ta đòi lại thì mình trả. Cũng có người tốt nói ông lộn trả lại ông, có người tốt nhưng cũng nhiều người xấu, tôi cũng gặp hoài nhưng cũng coi là chuyện bình thường thôi. Đời này giả dối lắm nhưng tôi vẫn sống thật dù chịu thiệt để không bao giờ phải áy náy với lương tâm mình”.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 10.

Thân hình ông Sỹ cũng bị ảnh hưởng sau khi bị bệnh lạ. Tấm lưng không thể thẳng lại như người thường.

Khắc khoải câu hỏi “Ông chết con ở với ai?” 

Nói về việc phải nuôi 2 đứa trẻ dù bố mẹ nó vẫn còn ở đó, ông bảo: “Con trai và mẹ lũ trẻ chia tay, cuộc sống đôi bên đều đã có gia đình mới nên thỉnh thoảng chúng vẫn qua lại thăm con cho chút quà bánh, chứ nuôi thì không nuôi nổi. Nên chẳng ông nuôi chúng thì biết làm sao…”. 

Trước đây vì vợ bỏ đi, rơi vào cảnh gà trống nuôi con lại chẳng có tiền nên ông Sỹ đâm biết những mẹo dân gian. Ông kể chính cách đâm lá ngải đắp hạ sốt và thứ thuốc dân dã tên “con nai đen” đã giúp ông chăm con qua những lúc con nằm trên bụng nóng sốt nóng như hòn than. Thế nên sau này thành ra có kinh nghiệm ông cũng chăm được 2 đứa cháu sinh đôi.

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 11.

Hai đứa cháu sinh đôi là nguồn động lực để ông Sỹ cố gắng.

Bàn tay tật nguyền đã cụt gần hết các ngón do di chứng bệnh tật để lại nhưng ông gần như vẫn tự làm tất cả để chăm cháu chẳng chừa việc gì. Thậm chí bàn tay ấy có những đêm ông còn thức trắng để đưa võng cho 2 cháu ngủ. “Cầm nắm mãi rồi nó cũng quen”, người đàn ông ngoài 60 lý giải như thế.

Trước nuôi con, giờ thì nuôi cháu, cực nhiều nhưng nhưng có lũ trẻ ông Sỹ cũng vui nhiều. Ngày thường về chúng ríu rít vui nhà, vui cửa, lúc ông ốm, lũ trẻ thương ông mà đấm lưng, bóp vai cho ông cũng vơi đi phần nào. Chúng bảo: “Ông nội đừng chết. Ông nội chết con sống với ai?”. 

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 12.

Ông Sỹ "không dám chết" vì còn phải làm chỗ dựa cho 2 đứa trẻ.

Vậy là ốm, mệt đến mấy, ông lại gượng dậy mà bảo: “Ông nội không chết đâu con, ông đợi con 18 tuổi, ông nội còn cho 2 con ăn học”. Giọng rầu rầu, ông bảo rằng không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, nhưng dù khó khăn thế nào thì ông vẫn không dám chết... 

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, các cháu thì lớn lên, mẹ già cũng 1 ngày già đi và ông Sỹ cũng thế. Ước mơ lớn nhất bây giờ của người đàn ông ngoại lục tuần chỉ đơn giản là có là sức khỏe để tiếp tục lo cho mẹ già, cháu dại ăn bữa nay không cần lo bữa mai.  

Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông khuyết tật 2 tay, bán phế liệu nuôi 2 cháu sinh đôi cùng mẹ già 91 tuổi và nỗi lòng “tôi không dám chết” - Ảnh 13.

Dù đôi bàn tay không còn lành lặn nhưng ông vẫn cố gắng để lo cho người mẹ già và 2 đứa cháu.

Sức khỏe yếu, bệnh tật, nhưng ông Sỹ vẫn gắng gượng làm chiếc cột nhà cho 3 người nương náu. Ông vẫn tự an ủi chính mình rằng có nhiều người còn khổ hơn mình, dù sao giờ ông vẫn còn đi lại được, mẹ già nhưng chưa mệt, cháu nhỏ đang ngày càng lớn lên khỏe mạnh.

"Nghĩ thế mới sống được, chứ mình buồn hoài mình là người chết trước. Còn sống chết ông trời kêu ai người nấy dạ, nghĩ đến mà làm gì. Chỉ có điều phải lạc quan lên để sống, chứ chết bây giờ ai lo cho mẹ già, cháu dại”, ông nói.

Chia sẻ