BÀI GỐC Tôi có nên cưới một cô gái đa tình?

Tôi có nên cưới một cô gái đa tình?

(aFamily)- Cô gái mà tôi dự định cưới là người đa tình, đa cảm, dễ bị xúc động trước tình cảm, lời tỏ tình của người con trai khác. Liệu cô ấy có thể là người vợ chung thủy?

19 Chia sẻ

Phụ nữ lẳng lơ: Mức độ nào thì chấp nhận được?

,
Chia sẻ

(aFamily)- Cần phải hiểu rõ bản chất và rạch ròi được hai hiện tượng: lẳng lơ vô thức và lẳng lơ có điều kiện.

Người ta có thể tự hào đã dám sống thẳng, sống thật với cảm xúc bản thân. Ngược lại, người ta cũng có thể kêu trời trước mức độ thông thoáng cả trong trang phục và suy nghĩ… Nhưng có một hiện thực nhìn thấy được: việc người phụ nữ chủ động trong các mối quan hệ không còn ở khía cạnh đột phá nữa mà đang dần hình thành một “mặt bằng suy nghĩ” mới.

Cần phải hiểu rõ bản chất và rạch ròi được hai hiện tượng: lẳng lơ vô thức và lẳng lơ có điều kiện. Có những cô gái sống nghiêng hẳn về phần bản năng, ở họ, không hề tồn tại khái niệm lăng nhăng hay đa tình, bởi đơn giản: tính họ như thế, cảm xúc của họ mạnh hơn hẳn so với đa số; có thể xem đấy như “lẳng lơ vô thức”. Nhưng cũng có người phụ nữ, tận dụng triệt để lời nói nũng nịu để ỡm ờ, đôi mắt lúng liếng để đong đưa - vốn là thế mạnh của phái yếu để đạt được… điều gì đấy; tạm thời gọi tên là “lẳng lơ có điều kiện”.

Không bàn đến khái niệm “lẳng lơ vô thức” bởi cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tranh luận đến bao nhiêu đi nữa cũng không có được hồi kết; sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Rằng hay thì thật là hay, nhưng khi xác định một mối quan hệ nghiêm túc thì khó mà hay cho được. Đàn ông đa tình còn bị phụ nữ dè dặt khi tiếp cận, nói gì đến phụ nữ lẳng lơ. Một thuộc tính của tình yêu là ích kỷ. Vậy nên, cứ phải san sẻ người yêu của mình với hàng loạt đối tượng khác thì rất khó chịu. Mới có một bên lăng nhăng mà tình yêu đã chông chênh lắm rồi, kết hợp một cô gái lẳng lơ với một anh chàng lăng nhăng thì quá bằng “đốt nhà hai mái”.

Nếu xem khái niệm “lẳng lơ có điều kiện” tồn tại như một thực thể độc lập thì rõ ràng nó rất kén đối tượng bởi không phải cơ thể nào cũng có thể thích nghi. Không ít người từ chối và tránh như tránh tà. Nhưng có người lại thấy rằng điều đó cũng chẳng có gì quá ghê gớm; họ đón nhận và khi đã nảy mầm thì đơm hoa kết trái với một tốc độ chóng mặt. Quan trọng là tầm nhìn, kẻ “viễn thị” sẽ nhìn thấu cả chẳng đường đời, kẻ “cận thị” thì chỉ cần sống cho khoảng khắc ấy. Nhưng liệu có mấy ai nhìn được xa? Khi cảm xúc đã rung lên thì người ta thường bất chấp tất cả, với họ, lúc bấy giờ, chỉ cần sống đúng với cảm xúc là đủ.

Ở các nước phương Tây, việc phụ nữ duy trì những mối quan hệ với nhiều người đàn ông được xã hội nhìn nhận với con mắt khá cởi mở thì ở các nước ảnh hưởng của Nho giáo và các giá trị cổ truyền, một cô gái có những mối quan hệ trên mức thân mật với người khác phái vẫn phải chịu những cái nhìn khắt khe. Có người thấy như thế là bất hợp lý, nhưng cũng có ý kiến cho rằng: phải như thế, bởi tùy từng nơi mà ứng dụng những suy nghĩ khác nhau, thậm chí đối lập nhau cho phù hợp.

Một sự bất hợp lý khác mà ai cũng nhìn thấy, đó là khi chàng trai có nhiều bạn gái, nghiễm nhiên được xem là đào hoa, nhưng khi cô gái yêu nhiều người một lúc thì dứt khoát sẽ phải nhận những điều tiếng không hay ho chút nào. Điều này bất hợp lý, nhưng khi trùng với một sự bất hợp lý khác (dù vô lí nhưng mọi người đều chấp nhận) thì khi ấy, hai cái vô lí sẽ trở thành một cái có lý.

Vậy nhưng, ngay trong lòng xã hội phương Đông vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều. Sự chuyển biến trong nhận thức của thiên hạ cũng dần có những thay đổi theo chiều sâu của thời gian. Ngày xưa, chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi, cho mõ đi rao khắp làng. Ngày nay, hoang thai không còn bị xem là tận cùng của thảm họa nữa. Liệu đến bao giờ thì việc “không chồng mà chửa” sẽ được ưu ái dành cho 2 từ “ngoan ngoãn”. Chờ đi! Nhưng khi người ta có đủ kiến thức giới tính, biết phòng ngừa thì cái bi kịch ấy chỉ dừng ở mức độ lẳng lơ, đa tình.

Chờ đến khi nào thì chẳng biết, nhưng rõ ràng, mới chỉ cách đây khoảng 8 thập kỷ, nhà thơ chân quê Nguyễn Bính còn đau khổ thốt lên: “Nói ra sợ mất lòng em; Van em! em hãy giữ yên quê mùa. Như hôm em đi lễ chùa; Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”. Nhưng chỉ khoảng nửa thế kỷ sau đó, tiếng lòng của thi sĩ Anh Ngọc lại nhận được không ít tiếng nói đồng cảm: “Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người; Được sống đúng với lòng mình thực chất; Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức; Mấy trăm năm không khóa nổi một Thị Màu”.

Sự biến đổi còn thể hiện rất rõ ở chiều rộng của không gian. Vẫn con người ấy, vẫn suy nghĩ ấy, vẫn trang phục ấy, cách ứng xử ấy… ở chốn thị thành là chuyện bình thường, nhưng về đến nông thôn sẽ trở nên bất thường. Trong môi trường làm việc này thì nó thế này, sang ở môi trường khác thì nó thế khác. Kịp đến thời điểm tà áo dài Việt Nam được thừa nhận là một nét văn hóa của người Việt (nghe đâu còn được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa) thì người ta lại giật mình; vẫn còn đó những giá trị bất biến, ít ra là bất biến đến thời điểm này.

Việc mở toang cánh cửa giao lưu với các nền văn hóa, cùng với nó, người phụ nữ có điều kiện và đủ tự tin để du nhập các trào lưu, tư tưởng. Mỗi người có những nhìn nhận và đánh giá riêng biệt, vì thế mới có chuyện có những cái gọi là Model bị đào thải ở xã hội này nhưng khi du nhập vào một nền văn hóa khác thì vẫn được đám đông bản địa hồ hởi đón nhận. Khó có thể nói rằng đó là những quan niệm sai lầm, bởi những bộ trang phục ấy có giá thành vượt xa mức tưởng tượng của kẻ không sành mặc nên không thể không đặt câu hỏi: có ai bỏ ra bằng ấy tiền để mua về một cái sai lầm? Còn nữa, lối sống ở nơi này vốn không thể khuấy động dư luận bởi nó đã quá phổ biến, nhưng đem sang nơi khác, lập tức người ta thận trọng.

Cánh cửa thứ hai, quan trọng hơn, đó là cánh cửa của suy nghĩ. Nếu đem tư tưởng “Nam nữ thụ thụ bất thân” đã bám rễ vào nếp nghĩ của không ít người so sánh với việc một cô ca sĩ đăng đàn và thản nhiên phát ngôn trước “bàn dân thiên hạ”: “Lẳng lơ chết cũng ra ma. Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng”; không những thế, có cô ca sĩ khác ăn mặc hở hang khi biểu diễn (chuyện thật 100%), khán giả phản ứng, cô nói: hở hang nhưng đẹp là được! Rõ ràng, việc người phụ nữ cởi trói trong suy nghĩ không còn ở phạm trù cá biệt nữa mà đang có dấu hiệu “tràn ngập lãnh thổ” bởi những kẻ tiên phong.

Một khi những tư tưởng ấy chưa tìm được tiếng nói thống nhất thì khái niệm “lẳng lơ”, “đa tình” sẽ còn biến thái dưới nhiều góc độ. Không chỉ đơn thuần là suy nghĩ mà còn thể hiện qua hành động. Nhưng nếu vin vào lí do trào lưu sẽ phải nhận về những phản ứng mạnh mẽ, vì ngẫm ra, đó chỉ là bao biện - vẫn con người ấy, vẫn môi trường ấy, vẫn nếp sống và các mối quan hệ ấy, lấy chỗ nọ khớp vào chỗ kia; nói trắng phớ ra thì đó là một sự lắp ghép rất khiên cưỡng theo kiểu “đầu Ngô mình Sở”. Tuy nhiên, khi “người trong cuộc” cất tiếng nói của cá nhân thì những ý kiến phản hồi lại vấp phải đá tảng.

Có hai mũi tên ngược chiều, mỗi người sẽ đi theo một hướng. Kẻ trong cuộc đi theo hướng chỉ vào trái tim mình, dư luận sẽ đi theo chiều ngược lại. Ăn cho mình, sống cho mình, mặc cho người và đối nhân xử thế với các mối quan hệ xung quanh. Kẻ nào cứ chạy theo dư luận thì rõ là “đẽo cày giữa đường”, người nào “ngồi xổm” trên dư luận thì cô độc ngay cả với cuộc sống xung quanh mình.

Không thể du nhập một cách ào ạt những cái được gọi là văn minh phương Tây bởi như thế khác gì con rối. Nhưng cũng không thể cứ mãi thụ động, cố thủ trong những hàng rào đạo đức lý thuyết đã không theo kịp thời đại. Lại càng không thể chạy theo nguồn cảm xúc bản thân, bởi con người khác con vật ở chỗ biết suy nghĩ và biết kìm nén, nhưng cũng nên nhớ rằng, nếu cố gò mình vào những khuôn khổ cứng nhắc cho tròn trịa thì chẳng khác nào hòn bi. Nhưng ở mức độ nào thì hợp lý? Điều đó tùy thuộc vào suy nghĩ và cảm nhận của mỗi người.

Người ta có thể tự hào đã dám sống thẳng, sống thật với cảm xúc bản thân. Ngược lại, người ta cũng có thể kêu trời trước mức độ thông thoáng cả trong suy nghĩ… Nhưng có một hiện thực nhìn thấy được: việc người phụ nữ chủ động trong các mối quan hệ và cảm xúc bản thân không còn ở khía cạnh đột phá nữa mà đang dần hình thành một “mặt bằng suy nghĩ” mới.

Mà khi đã đi theo suy nghĩ, xem ra mệnh đề người viết nêu ra ở đầu bài khó có thể có câu trả lời. Nếu cố gượng gạo đưa ra một “mức sàn” thì cũng không thể có được tiếng nói đồng nhất.

GÕ KIẾN

Chia sẻ