BÀI GỐC Tôi muốn lấy chồng

Tôi muốn lấy chồng

(aFamily) - Tôi muốn lấy chồng, nhưng lấy ai bây giờ đây?

128 Chia sẻ

"Gừng già" hay những khoảng trống tình cảm?

,
Chia sẻ

(aFamily)- Sẽ không thể có được một “dấu chấm hết” (./.) cho chủ đề “tôi muốn lấy chồng”, nhưng hy vọng những chia sẻ của tôi có thể được xem như một dấu “chấm, xuống dòng” (.) - (PHMH).

Sự miên man bất tận của chủ đề trinh tiết khiến tôi cảm thấy khá mệt mỏi, thành ra lời hứa về Kỳ 2 vẫn chưa thể thực hiện. Câu chuyện người phụ nữ đứng trước lựa chọn “thiếp theo chàng một phen” (chủ đề “Tôi muốn lấy chồng”) lúc đầu không khiến tôi bận tâm nhiều nhưng tâm sự của Midori, Mưa Thu, Bích Vân, Bích Thảo, Nguyễn Lan… - những người quen chưa từng gặp mặt - “đồng khởi” sau khi những tâm sự của Đỗ Quốc Khánh được khởi đăng đã làm tôi chú ý. 

Đồng cảm mà Midori bày tỏ trong một bài viết khiến tôi có cảm giác hơi sốc, bởi đó là tiếng lòng của một thiếu nữ mới ngoài 20, được các đàn chị đánh giá “nhìn đời bằng màu hồng”. Modiri hồn nhiên, nhí nhảnh bên diễn đàn trinh tiết bao nhiêu thì ở chủ đề này lại tỏ ra u ám, bất lực trước tương lai bấy nhiêu. Mưa thu thời gian đầu phản đối tôi quyết liệt nhưng rồi đã cùng chạm đích với một ý kiến tương đối thống nhất. Những bình luận của “giọt nước giao thời giữa hạ và đông” tuy rời rạc nhưng nếu lắp ghép lại thì cũng đủ để có được cái nhìn chia sẻ với “phận má hồng” dường như đã “vụng đường tu”. Còn Bích Vân, phải chăng (và hy vọng) là tác giả của “Giữ gìn trinh tiết - giá trị truyền thống tốt đẹp” mà PHMH là cái tên duy nhất được nhắc đến trong bài của bạn? Được một Nghiên cứu sinh trẻ dành cho cái nhìn “kính trọng về tri thức và sự sắc sảo”, ngẫm ra cũng bõ một đời cầm bút lắm chứ!  

Vậy nên tôi cứ nấn ná mãi khi định viết bài này, mới ngày qua còn “chung một chiến hào”, nay đã quay ngoắt 180 độ để chỉ ra những cái sai của “đồng chí” thì đúng như lời một triết gia, đàn ông quả là bạc bẽo thật. Nhưng tôi dằn lòng mạo hiểm khi đem cả những tiếng nói ủng hộ làm “vốn liếng” để “chơi một canh bạc” mà gần như đã chắc chắn sẽ thua liểng xiểng. Chúng ta không cùng quan điểm nữa, bởi “thương em thì để trong lòng, (còn) việc công thì cứ phép công anh làm”.  

Vòng quay khép kín của công việc là
một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng “vãn hôn”

Cụm từ “gái già” phần nhiều mang tính chất châm biếm nhưng phải thừa nhận rằng việc định danh cho các bạn nữ theo cách này khá phổ biến. Nhưng dù con đường dẫn các bạn nữ đến với chủ đề này muôn hình muôn vẻ thế nào đi chăng nữa thì chưa bao giờ tôi nghĩ đó là điều đáng bị lên án. 

Quan điểm của Quốc Khánh đã chạm vào những tâm tư thầm kín nhất của chị em khi bước vào độ tuổi “đã toan về già” mà ai cũng cố gắng tránh né. Nhưng Khánh đã không hiểu rằng đằng sau sự nghiêm khắc có phần khô khan tưởng chừng như đã hóa đá của chị em vẫn là trái tim yếu đuối của người phụ nữ, sẵn sàng rung lên với những xúc động dù là nhỏ nhất, có thể chạnh lòng khi chứng kiến một cặp đôi hạnh phúc hay bàng hoàng với một tiếng cười của trẻ thơ. Vậy nên, nếu Khánh trình bày những suy nghĩ của mình dưới dạng một lời nhắn nhủ cho các cô gái trẻ thì bài viết sẽ hữu dụng hơn khi hướng “đích ngắm” vào “các chị”. Tôi sẽ không đi sâu vào những quan điểm anh bạn trẻ nêu ra, những gì bày tỏ, tôi xem như một món nợ tình cảm mà tôi tự vận vào mình và thấy rằng phải trả. 

Dường như có hai xu thế trái ngược nhau đang đồng hành trong một guồng quay chưa thấy điểm dừng. Ở miền núi với các dân tộc ít người, tục “tảo hôn” vẫn đang được coi là thực trạng khá bức xúc khi rất nhiều thiếu nữ chưa kịp hưởng tuổi thanh xuân đã phải vội vã làm vợ, làm mẹ. Còn ở các đô thị và thành phố lớn, tuổi xuân của thiếu nữ cứ buộc phải kéo dài mãi, kể cả khi chị em không còn “xoan” nữa. Thực trạng lấy chồng muộn, xin được gọi là “vãn hôn” (vãn = chiều hôm, lấy chồng vào độ xế chiều của tuổi trẻ) đang dần hình thành và trùm bóng lên rất nhiều người. Mọi sự lựa chọn đều khó có thể cho một kết quả viên mãn: yêu cũng dở mà không yêu cũng dở, biết lấy chồng là khó còn ở vậy thì lại càng khó hơn; thèm khát một mái ấm gia đình, mong một tiếng cười trẻ thơ nhưng “hoàn cảnh bất tòng tâm”. Tiếc là trong vô số cái dở ấy, các bạn lại đi vào cái “dở” dở nhất (tôi không viết thừa một chữ “dở”): dở dang.

Những lúc thảnh thơi, chị em sẽ phải đối diện với
sự cô đơn, quạnh quẽ của cõi lòng

Một thực tế rất khó gọi tên đó là hiện tượng các cô gái đã ổn định cơ bản về cuộc sống những lại gặp khó khăn để kiếm cho mình một tấm chồng. Họ có một chỗ đứng khá vững vàng trong công việc, độc lập về mặt kinh tế, có bằng cấp, học thức và hiểu biết nhiều vấn đề xã hội… chỉ duy nhất việc “nâng khăn sửa túi” thì không thể - vì không có ai, hoặc không tìm được đối tượng, để làm cái việc bình thường như bao người con gái khác. 

Gia đình, tình yêu, sự nghiệp là những bước đan xen, chuyển tiếp rất nhịp nhàng mà chỉ cần một phút lơ là hoặc quá chí thú vào một yếu tố sẽ vô tình tạo nên những khoảng trống lớn mà cơ hội lấp đầy không phải dễ. Đúng ra ở cái tuổi trên dưới 25, nếu “thuận buồm xuôi gió” thì đã yên được một bề tình cảm, chỉ chờ ổn định công việc là “thiếp theo chàng về dinh”. Nhưng rồi công việc đến, phấn đấu để tạo dựng một chỗ đứng, đến giai đoạn có thể gọi là thành công cũng mất vài năm, giật mình ngoảnh lại, “một đống tuổi trên đầu”.  

Với không ít chị em, giai đoạn này lại mang tính chất “dưỡng thương” bởi những cuộc tình tan vỡ trước đấy đã để lại những vết “sẹo” lớn mà thời gian chưa thể làm lành. Mỗi khi “trái gió trở trời” thì “vết thương lòng” lại tái phát, khiến cho “nạn nhân” định hình một cái nhìn rất tiêu cực khi gom tất cả những người khác phái vào một “hệ quy chiếu”: lừa đảo, giả dối, không đáng để yêu..... Cá biệt cũng có những trường hợp chưa yêu lần nào suốt những tháng ngày đẹp nhất của người con gái, công việc ổn định rồi vẫn chưa yêu lần nào, và cho đến lúc công thành danh toại vẫn… chưa yêu lần nào.  

“Mẫu số chung” mà những phụ nữ thành đạt đang vướng vào tình trạng “vãn hôn” chính là họ luôn phải quay theo vòng quay của công việc mà chính họ cũng không muốn và không thể thoát ra. Họ muốn làm việc liên tục, kín hết thời gian để lấp đi cái khoảng trống tình cảm đang ngày càng lớn trong trái tim mình. Dường như họ sợ có những phút giây thảnh thơi, vì lúc ấy sẽ phải đối diện với một sự thực mà không ai muốn đối diện, đó là sự cô đơn, quạng quẽ của cõi lòng. Vì vậy, bản chất của hiện tượng “vãn hôn” nếu nói rằng vì lo cho công việc, sự nghiệp thì chỉ đúng một phần.  

Các bạn gái có thể tập trung lo cho công việc, học hành, tạo dựng chỗ đứng trong xã hội nhưng điều ấy không có nghĩa là cản trở chuyện chồng con. Công việc không phủ nhận tình cảm, học hành không phủ nhận gia đình và công danh chưa bao giờ đối lập với hạnh phúc. Chính những áp lực công việc đã ngốn hết quỹ thời gian đáng lẽ ra phải dành cho bản thân mình. Chu kì 7h sáng đi làm, ăn trưa ở công ty, tối về nhà lo cơm nước và một số việc khác đến khoảng 9, 10h đêm; giải trí một chút (xem TV, lướt web…) rồi leo lên giường “trả nợ mắt” để sáng hôm sau lại tiếp tục cái vòng quay khép kín mà khi đã vướng vào thì gần như không có lối thoát.  

Bên cạnh những lời động viên, bao dung của người mẹ,
đứa trẻ không thể thiếu ánh mắt nghiêm khắc của người cha

Điểm mạnh nhất của các bạn nữ ở thời điểm “công danh đã được hợp về nhàn” cũng là điểm yếu nhất bởi “cao không tới, thấp không vừa!” trong suy nghĩ thì luôn thích một người đàn ông không thua kém mình về mọi mặt (nếu không muốn nói là hơn) nên những đối tượng mà chị em hướng tới cũng phải “cho đáng tấm chồng; bõ công trang điểm má hồng răng đen”, không chấp nhận “vơ bèo vạt tép”. 

Nhưng nghịch lí ở chỗ, với những người đàn ông thành đạt, giàu đã giàu rồi, sang đã sang rồi thì họ lại hướng “đích ngắm” tới các cô gái trẻ. Chị em đã quá nhầm lẫn khi làm những phép so sánh rất khập khiễng “mình thế này mà lão không để ý, lại đâm đầu vào con ranh con nghèo rớt kia”. Một biến thái khác là hiện tượng trái tim đã “ngủ quên” quá lâu mà để tỉnh dậy thì cần phải có những “chấn động mạnh” từ phía đối tác, hoặc giả như họ đã quá trai lì trong tình cảm mà những rung động cuối không đủ để biến thành tình yêu. 

Tôi xin xác định lại một chút cho khoảng trống về nhận thức của chị em về vị trí người phụ nữ trong gia đình khi nhiều người có biểu hiện của chứng bệnh vĩ cuồng, tự huyễn hoặc “cái tôi” để “đá quả bóng sang đối phương” khi ảo tưởng rằng mình khó lấy chồng vì… quá giỏi giang, từ đó có những phát biểu mang tính chất… bạt mạng, kiểu như “đàn ông không thích phụ nữ giỏi, sợ vợ giỏi hơn chồng”. Đây là sai lầm rất cơ bản! Với xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì vai trò “giữ lửa” cho tổ ấm vẫn chịu sự chi phối cơ bản của người vợ. Khi người đàn ông có ý định lập gia đình, cái “nửa kia” họ hướng đến là một người vợ, một người mẹ của những đứa con, hoàn toàn không phải là một Tiến sĩ hay một giám đốc. Họ nhìn vào vai trò “xây tổ ấm” trước rồi mới nhìn đến những chức danh, bằng cấp đi kèm. 

Trong cái nhìn của người đàn ông thì phụ nữ thành đạt thường gắn liền với công việc. Người phụ nữ dù có thành đạt, thu nhập cao đến mức nào đi chăng nữa, khi về đến nhà phải hoàn thiện được vai trò một người vợ, người mẹ. Một bộ trang phục đẹp người vợ mua cho chồng, ý nghĩa thật đấy, nhưng nó sẽ có giá trị hơn nữa nếu chị em tự tay giặt cho chồng chiếc áo bẩn. Tôi hiểu sức ép thời gian trong công việc của cuộc sống hiện tại, nhưng khi chị em thận trọng với một đối tượng thích nhậu nhẹt, hay la cà dù đã hết giờ làm việc, luôn luôn vung tay quá trán thì “đối phương” cũng ít nhiều có sự dè dặt trước một “cô gái ăn cơm hộp” và về nhà chỉ để… ngủ. Cánh đàn ông đa phần thường giữ thái độ dè dặt khi phải tiếp cận những đối tượng này, họ sợ rằng những “đốm lửa cuối của tình yêu” không đủ sức phá vỡ những bộ “vec” khô cứng, vuông thành sắc cạnh. Bởi như tôi đã nói, khi đàn ông có ý định lập gia đình, họ đi tìm một người vợ chứ không phải tìm trợ lý hay một “sếp bà”. 

Chính những đặc điểm này đã khiến chủ đề “tôi muốn lấy chồng” nở rộ rất nhiều ý kiến trái chiều. Tôi xin thu gọn vào 2 vấn đề chính là “chồng” và “con”, đồng thời hiến ra 2 đoạn kết. Các bạn nữ có thể tùy hoàn cảnh để lựa chọn một đoạn kết thích hợp. 

ĐOẠN KẾT 1

(Còn duyên buôn nụ bán hoa

Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ) 

Trước hết cần phải nhìn nhận lại, dù là tiếng nói “muốn có con nhưng không muốn lấy chồng” hay “không muốn lấy chồng” mà những nguyên nhân chủ yếu chị em đưa ra như: không có thời gian cho bản thân, không tìm được mẫu người như ý, không thể rung động trước người khác giới… thì ẩn chứa trong đó vẫn là khát khao “muốn lập gia đình”. Chị em hãy một lần đối diện với tình cảm của mình để thẳng thắn cất lên tiếng lòng. Còn nhắc đến chữ “chồng” (dù là “không muốn”) tức là các bạn còn nghĩ đến việc lập gia đình. Đó là một thực tế hiển nhiên, là tiếng nói từ sâu thẳm trái tim mà không ít chị em đang cố gắng “dìm” xuống. Dường như cô gái nào càng mạnh miệng thì khát khao đó càng mãnh liệt. Tư tưởng “không muốn” có thể chỉ là biểu hiện của sự mệt mỏi, nhọc nhằn trên hành trình đi tìm “nửa kia”.  

Một khúc xạ nữa của suy nghĩ không muốn lấy chồng là “sợ lấy chồng” hay “không dám lấy chồng”… phải gọi tên chính xác tư tưởng này là: sợ không có được tình yêu, sợ không có được hạnh phúc. Bởi nửa kia là hiện thân của những gì chị em đang mơ tới khi có ý định ra ở riêng. Thậm chí có bạn nữ còn “đánh bùn sang ao” bằng lí luận: tôi rất thất thường, sẽ không ai chịu đựng được nên tôi không muốn làm khổ người khác… Thoạt nghe tưởng chừng có lý nhưng đó chính là “từ điển sống” về sự ích kỷ, chỉ sống cho mình mà không chịu hy sinh cho người khác. (Tôi chưa tìm được từ nào mang sắc thái biểu cảm nặng hơn hai chữ “ích kỷ” nên đành dùng lại).  

Qủa thật rất khó chấp nhận về cái lí sự nhập nhằng, nặng tính bao biện này. Ngay cả những cặp vợ chồng đang rất hạnh phúc vẫn không thể tránh khỏi có những lúc va chạm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vậy nên sẽ không bao giờ có “hai nửa” vừa vặn để “khớp” vào nhau một cách hoàn hảo cả. Kể cả khi đã gặp đúng đối tượng thì cả hai đều phải tự “gọt giũa mình” để sao cho cuộc tình duyên ít khập khiễng nhất. Chẳng có bà tiên vỡi đôi đũa thần nào để bạn tìm thấy một mẫu hình lý tưởng từ trên trời rơi xuống cả, phải thay đổi mình trước rồi hãy nêu ra đòi hỏi từ phía đối phương. 

Tôi dám chắc những chị em đang cán ngưỡng “băm” rất nhiều lần đã xây mơ ước về một mái ấm gia đình, chạnh lòng khi thấy cặp vợ chồng nhà bên nô đùa hạnh phúc, và hơn cả là khát khao có một sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong cơ thể mình. Vậy nên suy nghĩ không muốn lấy chồng, xét cho cùng chỉ là biểu hiện của hành động “đầu hàng vô điều kiện” trên hành trình đi tìm hạnh phúc.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học lừng danh Trung Hoa - Vương Lực từng có câu nói rất chí lý: cần phải thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai rồi sau hãy mong không bị đè dưới chân núi Ngũ Hành. Hình ảnh tôi so sánh có thể hơi thái quá, bởi cuộc sống hiện tại đã bớt khắt khe hơn rất nhiều, không còn những nhìn nhận một phía kiểu như “nứa trôi sông không dập cũng gãy; gái không chồng chẳng chứng nọ cũng tật kia” (câu sau còn có một dị bản: gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia)… Khá nhiều người nổi tiếng đã chọn cho mình cuộc sống độc thân, nhưng vẫn còn đó nhiều ràng buộc, những “bức tường lửa” mà không dễ phá bỏ, hoặc không đủ tàn nhẫn để bước qua. Các bạn có thể vượt được những khát khao của bản thân nhưng khó có thể cầm lòng trước tiếng thở dài của cha mẹ già, sự hối thúc của họ hàng, người thân, bè bạn. 

Tôi đã hơn một lần bày tỏ suy nghĩ đối với chị em trong tình trạng “vãn hôn” về việc “tát cạn bản thân trên hành trình đi tìm hạnh phúc” (trong bài viết “Sốc vì lá thư của góa phụ triệu đô “chơi ngông” tìm chồng” - các bạn bớt chút thời gian đọc lại trên Afamily) nên sẽ không lặp lại những ý này nữa. Chỉ hy vọng chị em hãy một lần thử vứt bỏ “cái tôi” cao ngạo, đỏng đảnh, vứt bỏ sự tự kỷ đã hằn sâu trong suy nghĩ để trở về với sự trật tự muôn thuở của tình cảm: người phụ nữ đối diện người đàn ông, một trái tim tìm đến một trái tim... đừng ôm khư khư suy nghĩ: trưởng phòng đi tìm giám đốc, Thạc sĩ phải xứng với Tiến sĩ… 

Tôi quan niệm rằng ngôi đền tình yêu không phải thứ gì quá đỗi cao sang mà rất bình dị, ngay những kẻ “khố rách áo ôm” nhất cũng có thể bước vào, nở nụ cười rạng rỡ. Những trang sức, phụ kiện (tiền bạc, bằng cấp…) mà chúng ta mang theo càng cồng kềnh thì càng khó đi lọt. 

ĐOẠN KẾT 2

(Không chồng mà chửa mới ngoan

Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường)

Về suy nghĩ “muốn có con nhưng không muốn lấy chồng”, tôi xin nói ngay rằng đây là một suy nghĩ quá thiển cận, nếu không muốn nói là tàn nhẫn, được ngụy trang khéo léo bằng một cái nhìn bi quan, bế tắc. Chưa bao giờ tôi thấy việc có con lại bị không ít chị em xem nhẹ đến thế. Đứa con không còn là sự “đơm hoa kết trái” của tình yêu giữa hai người, không còn là hiện thân của mỗi cá nhân trong việc gửi gắm ước mơ và ấp ủ hy vọng nữa mà đang có dấu hiệu trở thành nghĩa vụ, “làm cho xong” theo kiểu “không còn sự lựa chọn nào khác”. 

Hiện tượng “xin” cho mình một đứa con không phải quá hiếm hoi. Sau khi nước nhà độc lập, không ít nữ thanh niên xung phong trải qua lửa đạn lại trở về với cuộc sống thường nhật với những cảm xúc cố hữu của người phụ nữ. Cả tuổi thanh xuân đã chôn vùi trong chiến tranh, giờ đây là thời điểm khát vọng được làm vợ, làm mẹ, được thực hiện “thiên chức” mà tạo hóa ban cho người phụ nữ bùng cháy. Nhưng sự lỡ cỡ về tuổi tác, nhan sắc… đã gần như đóng cánh cửa trong việc tìm kiếm một tấm chồng. Họ đành phải tìm đến sự lựa chọn duy nhất: đứa con, để vui lúc tuổi già. Đã hơn một lần tôi gặp trường hợp này những phải ngậm ngùi quay mặt đi để che giấu cái nhìn đồng lõa. Tôi hiểu rằng họ đã muốn, đã khát khao nhưng không thể làm vợ thì nên có cái nhìn cảm thông trước mong muốn được làm mẹ. Họ đã bỏ lại cả thời xuân sắc cho đất nước thì xứng đáng nhận được cái nhìn chia sẻ của xã hội.  

Việc một cô gái “nung nấu quyết tâm” xin ai đó một đứa con có thể giống về hiện tượng nhưng hoàn toàn đối lập về bản chất. Một bên là khát khao làm tròn thiên chức của người phụ nữ với một đằng là hiện thân của cái “cái tôi” ích kỷ, bạc nhược chạy chốn sự bế tắc của thực tại; thậm chí còn mang dáng dấp của tội ác khi bạn cố tình khiến cho con mình “mồ côi cha” ngay từ khi nó còn chưa hình thành. Ai đó có thể nói rằng một đứa con để vui vầy, để được an ủi trong những thời khác của ngày tàn nhiều tâm trạng đáng kể lắm chứ.  

Xét ở góc độ bà mẹ trẻ thì không sai, nhưng tôi mong những cô gái nào có suy nghĩ này hãy bình tâm để nhìn xa hơn một chút. Bà mẹ trẻ không cần chồng nhưng đứa con thơ thì cần bố. Thậm chí ngay cả cha mẹ cô gái ấy, ngoài mong muốn có cháu để bế bồng thì vẫn muốn có một “ông con rể” để “mát mặt với hàng xóm láng giềng” lắm chứ.  

Điểm tựa gần như duy nhất cho tư tưởng này là bạn có nền tảng kinh tế khá vững chắc, đủ sức đáp ứng cho đưa bé những yêu cầu về vật chất. Thêm nữa các bạn còn vững niềm tin rằng nếu dồn tình thương của người mẹ thì có thể khỏa lấp chỗ trống của người cha. Ý nguyện xin một đứa con dù có thể thỏa nguyện vọng của một cô gái, nhưng đứa trẻ cần gấp đôi như thế, nó cần cả bố và mẹ. Dù bạn xoay bên trái hay bên phải thì chiếc giường vẫn trống ở phía kia. Khi con bạn lớn lên, bên cạnh những lời động viên, bao dung của người mẹ, không thể thiếu ánh mắt, lời nói nghiêm khắc của người cha. Nói hình ảnh là con bạn phải “đi bằng cả hai chân”. Tôi mong những cô gái nào đang ấp ủ hưởng ứng tư tưởng “chỉ cần con, không cần chồng” hãy cân nhắc kỹ càng. Đứa con tương lai của bạn vô tội, nó không đáng và bạn không thể dạy nó không nói tiếng “cha” ngay từ khi chưa lọt lòng. 

Trào lưu nhận con nuôi đang nở rộ với các ca sĩ, người mẫu ở trời Âu, nếu thực sự bạn không cần một người đàn ông của riêng mình trong suốt phần đời còn lại thì có thể du nhập trào lưu nhận con nuôi của các minh tinh màn bạc phương Tây rồi công khai trước công luận như một nghĩa cử nhân đạo cao đẹp nhưng đừng ngấm ngấm “ôm” cái suy nghĩ xin một đứa con trong khi đôi tay đã lăm lắm cây bút, sẵn sàng gạch chéo phần “họ tên cha” trong giấy khai sinh của con mình. 

Để kết thúc bài viết, tôi muốn dẫn lại một câu nói của một nhà văn Việt Nam khá tên tuổi: con người ta có thể cho nhau rất nhiều thứ: thời gian, công sức, tiền bạc… thậm chí cả thân xác nữa nhưng nếu không dám hy sinh cho nhau thì không thể gọi là tình yêu (xin phát triển thêm ý này) không dám hy sinh cho tình yêu thì không thể tìm được hạnh phúc. Mong các bạn không hiểu chữ “hy sinh” theo nghĩa cái chết mù quáng, mà “hi sinh” còn biểu hiện ở rất nhiều “mảnh vỡ”: “cái tôi”, công danh, sự nghiệp… những thứ mà lâu nay chị em đã quá chí thú với nó. 

Xu thế “gừng già hay những khoảng trống tình cảm” đang ngày càng có xu thế phát triển rất mạnh cả về quy mô và đối tượng, lứa chị trước, lứa em sau; cuộc sống càng bộn bề thì càng khó tìm được điểm dừng. Đôi điều suy nghĩ của tôi chắc chắn không thể nói hết thực trạng nhạy cảm và nhuốm màu ảm đạm này. Sẽ không thể có được một “dấu chấm hết” (./.) cho chủ đề, nhưng hy vọng những chia sẻ của tôi có thể được xem như một dấu “chấm, xuống dòng” (.)./.

 

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Email: phamhoangmanhha@gmail.com

Chia sẻ