BÀI GỐC Làm thế nào để chồng "vui vẻ"... đưa tiền lương cho vợ?

Làm thế nào để chồng "vui vẻ"... đưa tiền lương cho vợ?

(aFamily)- Có cách nào khéo léo và hiệu quả, mong mọi người có kinh nghiệm chỉ giúp tôi. Chờ tin của mọi người.

34 Chia sẻ

Cũng là phụ nữ mà sao Lê Anh lại "chua chát" về... phụ nữ như vậy

,
Chia sẻ

(aFamily)- Những điều bạn nói về phụ nữ, tôi thấy rằng"hay thì thật là hay, nhưng sao ngậm đắng nuốt cay thế nào!" bạn ạ!

Gửi bạn Lê Anh, tác giả bài "Nhiều phụ nữ có tính tham với lương của chồng",

Tôi muốn nhìn thấy ở bài viết của bạn một lý lẽ riêng, giống như nhiều tác giả khác có đóng góp ý kiến trong đề tài này, như bạn. Tuy nhiên, có điều gì đó...như là một "dấu trầm" khiến tôi phải đọc đi đọc lại... và cuối cùng tôi tham gia góp ý, hy vọng cùng bạn thảo luận thêm đôi chút về chữ "tham" trong nhận định của bạn.

Qua một vài comment của bạn gần đây, tôi tạm biết rằng bạn là nữ (hay ít nhất, bạn đặt bạn ở vị trí phái nữ trong tham gia diễn đàn). Đề cập điểm này, là tôi muốn chúng ta cùng nhìn về tính chất của bài viết ở vị trí tác giả bằng sự phân biệt giới tính, nó có khác biệt thế nào trong cảm quan người đọc. Nói một cách dễ hiểu: Nếu tác giả là Nam, tôi cho rằng không có gì lạ với ý nghĩa giống như là những lời "càu nhàu" về một thứ quyền lợi bị xâm phạm, mà phản hồi thì hãy dành cho chị nào là vợ hay người yêu anh ta xem xét.

Ngược lại, tác giả là... nữ nhi không rõ lắm là cô hay bà, lên tiếng chỉnh sửa về một tính cách cũng có thể có thật của chị em phụ nữ, bằng trình bày mà theo tôi, rằng..."hay thì thật là hay, nhưng sao ngậm đắng nuốt cay thế nào!" bạn ạ!

Trong đời sống hôn nhân, ta hiểu rằng muôn người muôn vẻ. Bằng vào nhận thức từ tính cách trời sinh, hoàn cảnh xã hội, trình độ văn hóa, lề thói gia đình v.v...mà hai người là vợ và chồng có cách hành xử nhân hòa hay đối nghịch. Tuy nhiên, đã thành hôn, đã chung sống, đã có trách nhiệm của người này với người kia, trách nhiệm với con cái, thì có những cái "riêng" của anh và của em phải được xét đến trên bình diện tôn trọng đối phương, trên ý thức bổn phận và lương tâm của mỗi người.

Thế nên, tôi hiểu rằng điều bạn nêu lên chỉ nhằm vào một số phụ nữ nào đó, không phải là tất cả! Nhưng có nông cạn không khi bạn phát biểu "Tôi đọc đâu đó câu nói "lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, và lấy đàn bà thử đàn ông". Nói vậy là ngụ ý muốn biết người phụ nữ thế nào thì gắn cô ấy với vấn đề tiền bạc vật chất sẽ rõ. Ngẫm ra hơi tự ái nhưng nó có phần thực tế phải không các chị? Nhiều người thấp thỏm lo chồng không đưa nhiều tiền cho mình, theo tôi chả có lý gì chúng ta có quyền quyết định tài chính của người khác, dù đó là chồng miễn chồng không để chúng ta đói là được rồi (!?)

Trước hết, tôi cho rằng cái ý nghĩa của thử thách bạn nêu trên chỉ đúng với giai đoạn người ta tìm hiểu về nhau, định giá tính tự trọng trong quan hệ gái trai và ngay cả trong quan hệ làm ăn cần tính trung thực. Tôi không biết bạn đã gặp những người phụ nữ làm nên "bất bình" trong tâm lý bạn thực sự hoàn cảnh của họ như thế nào? Nhưng theo cái cách bạn nói, người vợ, nhất là người mà trong lý lịch thường ghi ở phần nghề nghiệp 2 từ: "nội trợ", chỉ nên biết bổn phận là tề gia và miễn là chồng cho cái ăn đầy đủ? Vậy thì, là người đàn ông, tôi sẽ thuê một osin để giúp tôi, chứ tôi không cần một người vợ có suy nghĩ "tự trọng" kiểu tiêu cực như thế bạn ạ!

Chúng ta nhìn nhận: Với đàn ông và ngay cả phụ nữ độc thân, họ tự giữ hầu bao riêng, thoải mái, tự do suốt cả đời chẳng có "chết thằng Tây nào cả!". Vì thế chuyện lăn tăn về tài chính sau khi kết hôn quả là có thật, giống như nhiều bạn đọc khác đã thẳng thắn nói lên quan điểm của mình.

Thực tế của đời sống và gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến con người sau hôn nhân phải đối đầu, và những cám dỗ trong xã hội ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình cũng từ đồng tiền phát sinh ra, khiến có nhiều phụ nữ trở nên là người vợ đầy lòng tính toán.

Nhưng đã là vợ chồng, sự sẻ chia, thấu rõ từ vật chất đến tinh thần của hai người với nhau không thể đánh giá theo cách sòng phẳng, mà bất cứ điều gì có vẻ thái quá của một bên cũng bị cho là không có quyền và thiếu tự trọng! Bởi khác với giai đoạn là tình nhân, vợ chồng có sự kết hợp, chi phối chính thức về nhau trong mọi liên quan, và nó được điều chỉnh bằng ý thức nên không của 2 người trong cuộc.

"Có những chị thì lo chồng mang tiền cho gái thì mình thiệt, nghe thật đáng thương (?). Các chị cứ nghĩ không có tiền các anh sẽ không có người khác được sao? Nhiều người phụ nữ không lợi dụng vật chất sẽ đến với anh ấy và bản thân anh ấy cũng không cần những ai chăm chăm giữ bọc tiền. Nếu người đàn ông đã có ấn tượng xấu về vợ và đến với người khác thì các chị có giữ được hết nhà cửa tiền bạc của anh ta cũng chả nghĩa lý gì. Chưa kể nếu muốn, chúng ta không thể làm gì nếu chồng không đưa hết tiền cho mình...."

Chỉ mỗi khía cạnh đồng tiền thôi, mà bạn Lê Anh kể ra dằng dặc những hệ quả như người vợ đương nhiên phải nhận lãnh? Tôi vẫn tin rằng bạn là "nữ nhi" đấy, một nữ nhi khẳng khái nhưng thiếu trải nghiệm về những khúc mắc của hôn nhân. Nói nôm na "chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ"!

Đàn ông vốn có những lợi thế nhất định, nên những điều bạn nêu lên để chỉ trích phụ nữ cũng chẳng lạ gì. Điều quan trọng hơn tôi nghĩ, bạn nên kiếm tìm từ trong những hoàn cảnh bi đát mà người phụ nữ phải chịu đựng, là sự bội bạc của chồng, là tương lai của con cái, là sự yếu kém của bản thân... để thấu hiểu và cảm thông sự tính toán của họ, nếu có.

Và còn nữa, bạn nên đi sâu vào hoàn cảnh những bà vợ độc lập, tự trọng và tôn trọng chồng tuyệt đối, có nghĩa là có đầy đủ yếu tố để chồng không thể có "ấn tượng xấu" về họ. Cuối cùng, vẫn phải chấp nhận chồng trăng gió và thậm chí...thăm nuôi chồng trong trại giam do thời gian dài làm ăn phi pháp mà vợ không...được quyền căn vặn!

Có lẽ, tôi đã phản hồi vượt xa điều bạn Lê Anh đề cập, và bạn có thể cho là "lạc đề". Nhưng từ trong nỗi băn khoăn cho tâm lý những người đồng giới với bạn, tôi muốn bạn đọc lại bài bạn viết để có cái nhìn cùng đánh giá nhẹ nhàng hơn.

Vì phụ nữ phải là người được trân trọng, ngang hàng với đàn ông trong vị trí vợ&chồng, cho dù họ ra ngoài kiếm tiền hay ở nhà nội trợ. Cách hành xử của vợ có sai thì hãy được điều chỉnh, không thể nào..."miễn chồng không để chúng ta đói" là đã được, bạn ơi!

Chia sẻ