BÀI GỐC Chồng tôi là một bợm nhậu

Chồng tôi là một bợm nhậu

(aFamily)- Trong lúc con sốt phải đi cấp cứu, em càng chờ anh về đưa con đi viện thì anh càng biệt tăm...

10 Chia sẻ

Cỏ hoang hãy cho anh ấy cơ hội và... lá đơn ly hôn

,
Chia sẻ

(aFamily)- Tôi có vài chiêu giúp chị Cỏ hoang khiến chồng bỏ rượu...

Chị Cỏ hoang thân mến!

Làm vợ những ông chồng có tật xấu lại không biết điều thì phụ nữ mãi mãi chỉ ở trong cái vòng luẩn quẩn và bế tắc. Đọc tâm sự chị viết, tôi phục chị đã chịu đựng được 13 năm. Theo tôi, đó là một kỳ tích nhưng nếu cứ kéo dài thế này thì tổ ấm của chị một là sớm lung lay còn không sẽ chẳng còn thứ tình cảm thương yêu nào giữa hai vợ chồng tồn tại trong gia đình chị.

Bệnh uống rượu của chồng chị bây giờ khó chữa lắm rồi bởi nó đã được thân chủ thực hành trong mười mấy năm, đã ngấm vào máu mà cờ bạc, rượu chè, thuốc lá, gái gú, ai đã ngấm vào sâu thì không bao giờ bỏ được. Tật xấu uống rượu của anh ấy hình như có lỗi của chị một phần do chị đã không quán triệt cách “trị” chồng ngay từ đầu. Các biện pháp của chị có thể nửa vời, chưa dứt khoát, chưa nghiêm khắc nên giờ anh ấy đã “nhờn thuốc”.

Tôi thấy chị từng dùng hết biện pháp này tới biện pháp khác nhưng vẫn vô hiệu. Nói như chị thì làm khó cho người chia sẻ rồi. Không biết chị đã làm những cách gì, trình bày ra lại sợ trùng lặp không hiệu quả nên tôi chỉ có mấy ý như sau:

Để cảm hóa chồng chị từ bỏ tật xấu phải kết hợp nhẹ nhàng, ngọt ngào và cứng rắn. Biện pháp nhẹ nhàng, ngọt ngào có lẽ chị đã áp dụng rồi cũng nên. Chuỗi liệu pháp tâm lý này phải từ từ, kiên nhẫn, nhịn nhục mới có kết quả. Chị có thể tham khảo trong hai bài chia sẻ “Vài chiêu giúp chồng bớt uống rượu” của tác giả Hồng Ngát“Kinh nghiệm dạy dỗ ông chồng bợm nhậu” của V.K. Những cách các chị này đưa ra rất hợp lý, nhẹ nhàng lại đánh được đúng tâm lý mấy ông chồng ham rượu.

Nếu sau khi thực hiện liệu pháp nhẹ nhàng, ngọt ngào mà chồng chị Cỏ hoang không biến chuyển. Lúc này, ngầm hiểu cấp độ của anh ấy đã ở mức cực “nguy hiểm” và biện pháp cứng rắn cần được thực thi.

Chị hãy chọn lúc anh ấy minh mẫn nhất, không hơi men để nói chuyện với anh ấy nghiêm túc. Chị đưa cho anh ấy một bản thảo trong đó chị tổng hợp lại những “kỳ tích” đi uống rượu đáng nhớ nhất của anh ấy khiến vợ con bị ảnh hưởng, tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ, hạnh phúc gia đình phải báo động.

Tiếp theo là một bản thảo thứ hai ghi lại những gì chị phải chịu đựng và hi sinh vì tật xấu của anh, phải im lặng vì thương con cái.

Bản thảo thứ ba là một cơ hội cho anh ấy. Chị sẽ cho anh ấy thời gian một tháng thậm chí là hai tháng để khuyến khích anh ấy đi uống rượu triền miên đủ tất cả các ngày đó với tất cả bạn bè nhậu nhẹt của anh mà không hề phàn nàn, kêu ca, giám sát song vẫn phải nộp một khoản tiền lương của anh ấy để nuôi con. Ngược lại, chị và con cái cũng tự do với các thú vui của mình và anh không được can thiệp, không được đòi hỏi.

Nếu sau một hoặc hai tháng ấy, anh không thể chịu nổi cuộc sống gia đình kiểu như vậy, muốn trở về bình thường thì anh phải cam kết với chị hạn chế hoặc từ bỏ hẳn rượu hay đi uống rượu thì vẫn phải đảm bảo thời gian, biết chia sẻ với vợ việc nhà, con cái…

Nếu sau một hoặc hai tháng ấy, anh vẫn không thay đổi thì đến lúc chị nên đưa cho anh ấy bản thảo thứ 4 là lá đơn ly hôn và mời anh ấy ký vào.

Thà đau một lần nhưng cắt bỏ được cái u nhức nhối còn hơn cam chịu để lại rồi ngày tháng, bản thân mình cứ chết dần, chết mòn vì cơn đau do cái u ác đó hoành hành.

Sống với một ông chồng ham nhậu thì không chỉ mình khổ mà con cái cũng bị ảnh hưởng. Đến khi chúng lớn lên, lập gia đình lại có một đứa con gái nữa phải khổ, lại phải chịu lời dèm pha “rau nào sâu ấy”.

Khoảng thời gian hai tháng thử thách trên cũng cho chị đủ trải nghiệm với cuộc sống không dây dưa với anh ta. Ít nhiều chị cũng đỡ phải bỡ ngỡ khi bắt đầu cuộc sống sau li hôn.

Li dị không phải là cách hay nhưng ít nhất nó cũng hữu dụng trong những trường hợp không còn cách nào giải quyết nào tốt hơn, chị Cỏ hoang ạ.                                                                                       

Chia sẻ