Tại sao đồ ăn vặt có vị mặn lại khiến người ta ăn bao nhiêu cũng thấy thèm?

Khánh Linh,
Chia sẻ

Nếu bạn muốn biết vì sao mình có thể ăn một vèo hết sạch vài túi snack và nhiều đồ ăn vặt có vị mặn khác thì hãy đọc bài viết này.

Bạn đã bao giờ nhâm nhi cả một bịch bỏng ngô to tướng hoặc một món snack mặn nào đó không ngừng và chỉ nhận ra khi nó đã hết sạch? Nếu câu trả lời là có, vậy thì bạn có tự hỏi tại sao đồ ăn mặn lại dễ “gây nghiện” đến thế không?

Tại sao đồ ăn vặt có vị mặn lại khiến người ta ăn bao nhiêu cũng thấy thèm? - Ảnh 1.

Các món ăn vặt, đặc biệt là món mặn, có thể được "tiêu thụ" cực nhanh chóng.

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra đáp án của bí ẩn trên nằm ở chính vị mặn của món snack. Trong một cuộc nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Điều tra Lâm sàng (The Journal of Clinical Investigation, JCI), nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng bên cạnh hương vị của đồ ăn vặt, chính lượng muối có trong đó đã khiến chúng ta tích trữ nhiều nước hơn và phần nào càng khiến ta đói hơn, tăng cảm giác thèm ăn.

Theo trang MDC Insights, kết luận này được đưa ra bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khi quan sát “các nhà du hành vũ trụ” trên những chuyến bay đến Sao Hỏa được giả lập bằng máy tính.

Tại sao đồ ăn vặt có vị mặn lại khiến người ta ăn bao nhiêu cũng thấy thèm? - Ảnh 2.

Cuộc nghiên cứu xuyên quốc gia xoay quanh một vấn đề duy nhất trong khẩu phần ăn của các nhà dù hành vũ trụ: muối ăn.

Hai nhóm tình nguyện viên tham gia cuộc nghiên cứu, mỗi nhóm gồm 10 nam giới khỏe mạnh, được cung cấp khẩu phần ăn giống hệt nhau về mọi mặt ngoại trừ lượng muối. Những người ăn những món ăn mặn hơn thì bài tiết lượng nước tiểu nhiều hơn, điều này không phải quá bất ngờ với các nhà nghiên cứu.

Tuy vậy, điều khiến họ không ngờ đến đó là: việc quan niệm rằng đồ ăn mặn khiến người ta uống nhiều nước hơn, dẫn đến việc đi tiểu nhiều hơn – là hoàn toàn sai lầm. Cũng chính vì có suy nghĩ này nên trên các chuyến đi đến Sao Hỏa, các nhà du hành vũ trụ không được ăn mặn để giảm lượng nước uống vào đến tối thiểu. Giảm độ muối trong các bữa ăn là điều phổ biến, dựa vào lối suy nghĩ cũ về mối liên hệ giữa muối và cơn khát. Nhưng nhờ vào cuộc nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện ra rằng ăn mặn thật ra lại giúp con người uống nước ít hơn.

Cơ thể sẽ bài tiết ra lượng nước tiểu nhiều hơn do phản ứng với muối hấp thụ trong cơ thể. Các nhà khoa học từng tin rằng các nguyên tử natri trong muối ăn bám vào các phân tử nước và vì thế khiến cơ thể bài tiết nhiều nước tiểu hơn, khiến chúng ta bị mất nước và dẫn đến khát nước. Nhưng, sự thực là cơ thể chúng ta biết điều này, nên nó thu lại nước về thận. Chỉ có các nguyên tử natri được đào thải ra ngoài, và đương nhiên mật độ muối trong nước tiểu sẽ cao hơn.

Tại sao đồ ăn vặt có vị mặn lại khiến người ta ăn bao nhiêu cũng thấy thèm? - Ảnh 3.

Việc ăn mặn giúp ta trữ được nước trong cơ thể, nhưng lại khiến ta đói bụng hơn.

Như vậy, việc ăn mặn giúp các nhà du hành vũ trụ trữ lại nhiều nước trong cơ thể hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khiến họ thèm ăn nhiều hơn, bởi khi thu lại nước ngược vào cơ thể, chúng ta cũng sẽ bài tiết ra chất urê – thứ bám vào nước và giúp cơ thể điểu khiển phân tử nước. Trong quá trình tạo ra urê, cơ thể lại cần tiêu tốn khá nhiều năng lượng, và khiến chúng ta đói. Đó có thể là nguyên nhân khiến các nhà du hành vũ trụ thường cảm thấy đói bụng hơn khi ăn đồ mặn. Kết luận này cũng được đưa ra bởi một thí nghiệm trên chuột trước đó.

Giờ thì, bạn đã hiểu bí quyết của các công ty sản xuất đồ ăn vặt khiến cho chúng ta có thể ăn một lèo hết sạch vài túi snack rồi phải không?

(Nguồn: Mentalfloss)

Chia sẻ