Xâm nhập “đại bản doanh” làng thuốc bắc Ninh Hiệp

,
Chia sẻ

Trong làng la liệt các loại thuốc, vị thuốc được phơi khắp các con ngõ, chiếm hết cả lối đi. Mùi thuốc bắc, mùi diêm sinh xộc lên mũi nồng nặc...

Làng Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) nổi tiếng không chỉ với nghề buôn vải mà còn là “đại bản doanh” bào chế và cung cấp thuốc đông y lớn nhất khu vực miền bắc.

Nhưng, rất nhiều hộ bào chế thuốc đông y  ở đây đang sử dụng lưu huỳnh - còn gọi diêm sinh - một hóa chất độc hại để bảo quản thuốc…

Xâm nhập “đại bản doanh” làng thuốc

Làng Ninh Hiệp tấp nập xe vào ra, người mua kẻ bán nhộn nhịp đúng với danh một làng thương nghiệp có tiếng từ xa xưa. Nếu như ngoài đường là những cửa hàng vải chật cứng thì ở trong làng la liệt các loại thuốc, vị thuốc được phơi khắp các con ngõ, chiếm hết cả lối đi. Mùi thuốc bắc, mùi diêm sinh xộc lên mũi nồng nặc.

Thuốc bắc phơi bất cứ đâu có thể (Ảnh: N.T)

Một cụ già đang phơi thuốc trên đường Ninh Hiệp thật thà: “Thì mùi của “diêm sinh” (lưu huỳnh) dùng xông thuốc đông y để chống nấm mốc và bảo quản dược liệu lâu dài hơn”.

Tại cơ sở của gia đình ông Nguyễn Bá Thái (xóm 7, Ninh Hiệp), hàng tấn thuốc đủ các vị được bày la liệt từ trong nhà tới ngoài sân. Khi tôi hỏi về quy trình bảo quản thuốc đông y, ông chủ Thái không ngần ngại cho biết: “Phần đa thuốc ở đây nhập từ Trung Quốc, sau khi nhập xong chúng tôi về rửa sạch, thái ra, phơi khô sau đó xông sinh (xông lưu huỳnh) để chống ẩm, mốc, chống côn trùng và bảo quản được lâu hơn”.

Ông chủ Thái cho biết thêm: “Lưu huỳnh thì mua ở đâu cũng có với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Sau đó, cứ chia một lạng lưu huỳnh thì xông khoảng 80 - 100kg thuốc nhưng tỷ lệ có thể tăng hoặc giảm tuỳ cây thuốc có độ ẩm cao hay khô”.

Theo anh Phu - hộ gia đình bào chế thuốc ở xóm 9, xông sinh có hai cách: một là sau khi nhập thuốc về xông luôn và cất giữ. Và cách thường dùng nhất là phơi lại cho khô rồi mới tiến hành xông sinh.

Tuy nhiên, phần thuốc được phơi cho đến khô giòn không phải nhiều. Cầm nắm thuốc đã được phơi khô tại cơ sở tạm (vì cơ sở chính đang xây) của Công ty Cổ phần dược liệu Trường Xuân (xóm 9) vẫn thấy âm ẩm nhưng theo như Hùng, một nhân viên ở đây: “Thuốc này đã được xông sinh chuẩn bị xuất cho các bệnh viện”.

Qua Hùng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến quy trình xông lưu huỳnh cho thuốc bắc như thế nào. Không khẩu trang che mặt, không găng tay, cứ thế cậu xúc ra nửa bát to lưu huỳnh màu vàng đựng trong chiếc bao màu trắng để ngay tại các bịch thuốc bắc, sau đó dùng cót quây tròn buộc bạt xung quanh và đặt chiếc bát vào giữa.

Công nghệ xông sinh thuốc bắc

Hùng dùng bật lửa đốt cho lưu huỳnh cháy, đồng thời lấy một cái nơm nhỏ đặt vào trong tấm cót và úp lên bát lưu huỳnh cho thuốc không rơi xuống. Khói tỏa ra, một mùi thuốc súng nồng nặc, ngột ngạt, khó thở. “Đây là chuyện thường ngày nên em đã quá quen với mùi của nó rồi”.
"Ngày ngày, tôi đi thể dục đều phải đeo khẩu trang vì những làn khói của lưu huỳnh làm tôi cảm thấy khó thở. Đã bao lần tôi kiến nghị với thôn phải chấn chỉnh lại tình trạng đem thuốc ra ngoài đường xông sinh nhưng ông trưởng thôn cứ bảo chờ các ông Môi trường và Y tế xuống kiểm tra…nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa thấy ông nào xuống", ông Nguyễn Văn Ngữ, xóm 7, làng Ninh Hiệp bức xúc


Sau đó, cậu lấy lưới xanh phủ lên trên để cho khói tỏa đều rồi mới đưa bịch thuốc bắc cần xông sinh đặt lên trên đó và cuối cùng là phủ một túi ni lông to bao phủ hết từ đầu đến chân tấm cót cho khói ít tỏa ra ngoài. Mỗi lần xông như thế này kéo dài khoảng nửa ngày.

Thấy tôi khó chịu, Hùng giải thích thêm: “Anh an tâm, ở đây cơ sở nào cũng xông cả. Đợi khoảng nửa ngày khói bay hết đi mình ra giở bao ni lông lấy thuốc vào thì không còn mùi gì nữa”.

Khi được hỏi về khí đốt lưu huỳnh thì cả anh Thái, anh Phu và cậu Hùng không ai biết về sự độc hại của loại khí này. Theo các nhà khoa học, khí đốt lưu huỳnh (SO2) rất độc, một trong những tác nhân gây bệnh ung thư, suy thận và một số bệnh khác nữa.

Khi SO2 tiếp xúc với nước hoặc hơi ẩm sẽ tạo ra  thành H2SO3 (axit sunfurơ) ảnh hưởng đến phổi và hệ thần kinh nên rất độc đối với người sử dụng và người trực tiếp bào chế thuốc.

Trên đường Ninh Hiệp, khói từ năm ụ thuốc của các cơ sở xông sinh Tính Ngà (xóm 7), Kiên Huyền (xóm 8), Vĩnh Nguyên (xóm 8) khiến những ai qua đây cũng phải bịt mũi, phóng xe nhanh vì mùi nồng nặc của khí lưu huỳnh đặc sánh khắp cùng ngõ xóm.

Dân kêu, chính quyền bảo không độc!

Qua tìm hiểu cả làng Ninh Hiệp có 254 hộ làm nghề bào chế thuốc đông y. Việc dùng lưu huỳnh xông thuốc đông y có thể gây ra những hậu quả gì đối với người dùng thuốc hay không, cần phải chờ ý kiến, thẩm định của các cơ quan chức năng. Nhưng trước mắt, số hộ dân còn lại trong xã luôn phải sống chung với thứ khí độc hại này.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, xóm bảy bức xúc: “Ngày ngày, tôi đi thể dục đều phải đeo khẩu trang vì những làn khói của lưu huỳnh làm tôi cảm thấy khó thở. Đã bao lần, tôi kiến nghị với thôn phải chấn chỉnh lại tình trạng đem thuốc ra ngoài đường xông sinh, ông trưởng thôn cứ bảo chờ các ông Môi trường và Y tế xuống kiểm tra… nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa thấy ông nào xuống”.

Cùng chung bức xúc đó, ông Nguyễn Văn Luật (xóm bảy) nói: “Mỗi khi tôi đi đón đứa cháu về mà qua chỗ người dân đang xông sinh thuốc thì hai ông cháu phải bịt mũi chạy thật nhanh. Giờ đây, không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người trong xã mắc nhiều bệnh về đường hô hấp”.

Đem những thắc mắc của người dân, chúng tôi lên gặp chính quyền xã thì được ông Nguyễn Bá Khánh (Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp) cho biết: “Có những mặt hàng phải dùng và có những mặt hàng không phải dùng”, và rằng: “Cái này nó không phải độc hại gì và ngấm làm sao được vào thuốc”.

Như vậy là dân kêu nhưng chính quyền không cho nó là độc nên cũng không có một biện pháp hay chế tài xử phạt nào đối với các hộ bào chế thuốc dùng xông sinh để bảo quản.

Dân cứ kêu là độc, còn chính quyền thì bảo không. Các ngành chức năng thì đến lúc này vẫn đang đứng ngoài cuộc và chưa có kết luận chính thức.

Mới đây, trong đợt lấy mẫu xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (từ tháng bảy đến tháng 10/2009), đã xác định được 25/57 mẫu Chi tử có chứa chất cấm độc hại Rhodamine. Các mẫu Chi tử này được lấy rải rác tại nhiều cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp (Gia Lâm)…

Theo các nhà khoa học, Chi tử là vị thuốc dùng trong đông y khá phổ biến, có màu vàng nâu đất, thơm và có tác dụng chữa thanh nhiệt, tá hỏa, lợi tiểu tiện, cầm máu.

Theo nhận định, có thể người kinh doanh dùng Rhodamine B để Chi tử có màu đẹp hơn, hoặc lợi dụng tính phát quang của chất này để ngăn chặn côn trùng, mối mọt.

Điều nguy hại Rhodamine B là một loại chất hóa học dùng để nhuộm quần áo, cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc vì rất độc hại cho cơ thể.

Theo Thành Chung - Nguyễn Tú
Tiền phong
Chia sẻ