Viêm mũi dị ứng vào mùa

,
Chia sẻ

Trong thời gian giao mùa thu - đông này, mỗi ngày Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận 30- 40 bệnh nhân viêm mũi dị ứng.

Anh Lê Xuân Hà, trú ở tổ 8, Tân Hà, Hòa Bình, tuần nào cũng phải lên Hà Nội, đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để tiêm thuốc điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính. Anh bị bệnh này khá lâu nhưng do chủ quan không chữa ngay nên dần dần bệnh trở thành rất nặng. Vì thế, từ tháng 8 đến nay, anh phải thường xuyên đến bệnh viện để tiêm dù đường sá xa xôi.
 
Không đến nỗi nặng như anh Hà, nhưng chị Lương, 31 tuổi, trú ở Cầu Giấy, Hà Nội, cũng khổ sở vì chứng bệnh này. Hễ thời tiết thay đổi, nhất là khi chuyển mùa, là chị lại ngứa mũi, mũi tiết dịch, ngạt tắc rất khó chịu, nhỏ thuốc cũng không cải thiện bao nhiêu. Suốt một tuần qua trời trở lạnh, khô hanh, chứng viêm lại tái phát. Sáng nay, chị phải đến bệnh viện để "cầu cứu" bác sĩ.

Theo bác sĩ Hà Minh Lợi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, những ngày chuyển tiếp từ thu sang đông là thời điểm bùng phát các bệnh lý đường hô hấp, trong đó viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất. Tuy không gây chết người nhưng bệnh này lại khiến con người khổ sở vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc, gây khó chịu, mệt mỏi thường xuyên.

"Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng nếu có phản ứng quá mẫn của niêm mạc mũi xoang" - bác sĩ Lợi nói. Biểu hiện của bệnh là hay ngứa mũi, hắt hơi thành tràng, chảy máu trong, ngạt tắc mũi. Trong nhiều trường hợp, viêm mũi đi kèm với các bệnh lý liên quan đến dị ứng khác như  viêm kết mạc, hen phế quản, mề đay...
Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng được chia thành hai nhóm chính. Trong nhà, đó chính là bụi bẩn, lông vũ, bụi bông, nấm mốc... Ở ngoài trời, đó là bụi, khói và đặc biệt là phấn hoa. Mùa này thường có nhiều gió, làm phát tán lớp bụi phấn hoa đi khắp nơi, những người có cơ địa mẫn cảm hít phải sẽ xuất hiện triệu chứng dị ứng ở mũi.

Có thể chữa dứt điểm

Sai lầm phổ biến nhất của những người bị viêm mũi dị ứng, theo bác sĩ Lợi, là tự mua thuốc điều trị khi có triệu chứng, thay vì đến bác sĩ để được kê đơn. Không ít người mắc bệnh nặng điều trị không dứt điểm, hay bỏ dở, dẫn đến bệnh ngày càng nặng hơn. Do đó, khi bị viêm mũi dị ứng, cần đến bệnh viện để được chữa dứt điểm. Những người bị nhẹ sẽ được điều trị theo triệu chứng, còn trường hợp bệnh nặng phải điều trị nguyên nhân, giúp ổn định kháng thể trong máu.

Nhiều người nghĩ rằng bị viêm mũi dị ứng đồng nghĩa với việc phải "sụt sịt" suốt đời, hễ trái gió trở trời là phải chịu khổ chứ không tránh được. Thực ra, bác sĩ Lợi cho biết, hiện đã thể hể điều trị dứt điểm bệnh này bằng hai cách, tiêm dưới da và nhỏ thuốc dưới lưỡi.

Thời gian chữa viêm mũi dị ứng bằng thuốc tiêm kéo dài trung bình 6 tháng đến một năm. Đây là thời gian cần thiết để thuốc kích thích cơ thể sản xuất và duy trì kháng thể chống lại yếu tố gây dị ứng. Sau khi ngừng tiêm, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và bệnh có thể tái phát, phải tiêm đợt khác. Tuy nhiên, nếu mỗi đợt tiêm càng kéo dài thì sau đó, khoảng thời gian bạn được "yên ổn" càng lâu. Trong 4 đến 6 tuần đầu, có thể tiêm mỗi tuần hai lần, tiếp theo là mỗi tuần một lần, rồi 2-3 tuần một lần... 

Để thuốc phát huy hiệu quả, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân tiêm thuốc được vài tháng thì mất kiên nhẫn, bỏ ngang, bệnh đã đỡ được 80-90% nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát. Khi tiêm, họ phải mất thời gian hơn trước rất nhiều mới đạt được kết quả tương tự. 

Phương pháp điều trị nhỏ dưới lưỡi cũng đã bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và đạt hiệu quả cao, lại ít tác dụng phụ. Cách này sẽ được áp dụng phổ biến trong thời gian tới.

Để hạn chế các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng, các chuyên gia khuyên người bệnh Trong kiêng tất cả những thức ăn từng gây phản ứng xấu cho mình. Vào mùa này, cần dọn dẹp  giường chiếu, thay giặt ga gối thường xuyên để tránh nấm mốc. Khi đi ra ngoài, cần mang theo khẩu trang để tránh bụi. 

Theo Đất Việt

Chia sẻ