Vàng quí làm thuốc

,
Chia sẻ

Thật đáng ngạc nhiên nhưng công dụng chữa bệnh của vàng là hoàn toàn có cơ sở khoa học!

Từ xa xưa, ở phương Đông cũng như phương Tây, đặc biệt Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, ngoài chức năng làm đồ trang sức và có giá trị thay thế đồng tiền trong mua bán trao đổi hàng hoá, vàng còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Theo dược học cổ truyền phương Đông, vàng có vị cay đắng, tính bình, có công dụng trấn tâm, an thần và giải độc. Trong dược thư cổ Bản thảo cương mục, nhà bác học Lý Thời Trân (Trung quốc) gọi vàng là “thái nhân”, “hoàng nha” và viết rằng: “vàng ròng được luyện thành các vảy mỏng dùng làm thuốc trị các bệnh thần kinh và hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn”. Sách Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh cũng viết: “Tinh kim – vàng ròng vị cay, tính bình, hơi độc, hoà huyết, trấn tâm, an ngũ tạng, trừ bệnh cốt nhiệt và bệnh phong. Vàng sống có độc, vàng đã tôi luyện không độc”. Trong Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận :

“Tinh kim tục gọi ấy vàng ròng
Vị cay, khí bình, ít độc xung
Hoà huyết, trấn tâm, yên năm tạng
Trừ mọi nóng xương và chữa phong”

Thuốc quý cứu người ở Trung Quốc, từ lâu các thầy thuốc đã dùng vàng tự nhiên để trị bệnh kinh phong, điên cuồng, tim đập mạnh và loạn nhịp, lở độc, giải trúng độc các loại đá quý. Dùng uống trong thì làm hoàn, tán; dùng ngoài thì tán bột bôi. Theo kinh nghiệm người xưa, bụi vàng có khả năng rút mủ lên da thịt non, khi đem nung đỏ và tôi vào nước, được một thứ dịch có tác dụng chữa chứng co giật ở trẻ em. Một số thuốc quý của đông y được bọc bằng một lớp vỏ rất mỏng bằng vàng ròng, khi dùng người bệnh có thể nuốt cả vỏ. Thuở xưa, trong thuật châm cứu, người ta còn dùng kim được chế bằng vàng hoặc bằng bạc để chữa bệnh, kim vàng có tác dụng “bổ” (bồi bổ), kim bạc có tác dụng “tả” (chữa bệnh).

Ngày nay, theo dinh dưỡng học hiện đại, cũng như Fe, Cu, Mg, Zn, Si…, vàng là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người và được nghiên cứu sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Nhà bác học Rober Koch (người phát hiện ra vi khuẩn lao) đã từng dùng vàng cyanua để chữa bệnh lao phổi. Từ lâu, muối vàng được dùng trị các bệnh đau xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp. Một giáo sư trường đại học Thần Hộ (Nhật Bản) còn dùng laser hơi vàng để chữa bệnh ung thư thực quản, mang lại kết quả rất khả quan. Các nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cũng đã tìm cách tiêu diệt các tế bào ung thư bằng phương pháp ghép những phân tử huỷ diệt trên những hạt nano vàng để chúng hoạt động tương tự như tên lửa. Còn các nhà nghiên cứu Mỹ thì lại tiến hành thử nghiệm trên chuột bằng cách kết hợp các hạt nano vàng với tia X để tăng cường hiệu quả tiêu diệt các tế bào ung thư.

Biến vàng thành món ăn

Theo kết quả phân tích của cục thực phẩm Munich (Đức), vàng sau khi được đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng hấp thụ các chất độc hại và thải chúng ra ngoài. Bởi vậy, nguyên tố vi lượng quý hiếm này đóng vai trò trợ thủ đắc lực giúp cơ thể thanh trừ các “rác rưởi”, phục hồi sự trong lành và dự phòng tích cực bệnh tật. Hơn nữa, với tính chất kéo dài đặc biệt tốt, trong phẫu thuật, các nhà y học còn sử dụng sợi vàng để khâu các mảnh xương bị vỡ mà không gây đau đớn hoặc các tác dụng không mong muốn nào khác. Ngoài ra, người ta còn dùng những tấm vàng dát thật mỏng để chữa viêm loét dạ dày hoặc xử lý các vết bỏng một cách an toàn và hiệu quả.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh những người ăn vàng có thể giúp cơ thể hoạt bát, cường tráng, giữ được nhan sắc và kéo dài tuổi thọ. Các nhà khoa học Nhật Bản đã dùng kỹ thuật hiện đại tinh luyện vàng đến độ tinh khiết cao, tạo ra những tấm vàng mỏng gần như trong suốt để cho vào thức ăn hoặc rượu uống. Người ta ước tính, sau khi đưa vào cơ thể chưa đầy 10 phút vàng đã được hấp thụ và tiêu hoá hết. Ngày nay thực phẩm vàng đã trở thành món ăn ở Nhật Bản như món nộm vàng cơm và đã được phổ biến ở nhiều nước.

Như vậy, có thể thấy, những thông tin về công dụng chữa bệnh của vàng là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, vì thứ kim loại này hiện nay quá đắt đỏ và các thứ thuốc có tác dụng thay thế lại rất phong phú nên vàng không còn được dùng làm thuốc nhiều như trước đây nữa.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Trưởng khoa đông y, bệnh viện Trung ương quân đội 108
SGTT
Chia sẻ