Vạch mặt “thần bịp” chữa ung thư

,
Chia sẻ

Nhiều người đang xôn xao: thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội xuất hiện thầy lang Cát Hồng có khả năng chữa khỏi ung thư và nhiều căn bệnh nan y khác.

Nhờ những bài thuốc gia truyền và khả năng chữa bệnh có một không hai nên nhiều người bệnh nặng đã chữa khỏi hoàn toàn mà trước đó chỉ còn nước chờ chết. Bị hấp dẫn bởi lời cam kết: “Chữa trị nhanh, khỏi, không tái phát” in trên tấm card, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm đến gặp thầy lang.

Những bệnh nhân khốn khổ

Thời gian qua đã có nhiều bệnh nhân tìm đến nhà thầy lang này chữa bệnh. Thế nhưng điều đáng buồn là phần lớn những bệnh nhân từng qua tay thầy chữa bệnh đã vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội quay trở lại để nói một lời cảm ơn với con người mà trước đó họ cứ ngỡ là “thần y”. Đơn giản là phần nhiều trong số đó đã về chầu tiên tổ.

Chị Bùi Thị Phương, ở tổ 26B đường Hà Bổng, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, đã từng đưa mẹ là bà Nguyễn Thị Nhiệm đi điều trị tại Bệnh viện K cho biết: “Mẹ tôi bị mắc bệnh ung thư phổi. Mặc dù đã chạy chữa rất nhiều nhưng bệnh tình ngày một nặng. Gia đình đang tính đưa cụ về quê thì bỗng được một người đứng tuổi ở bệnh viện tìm đến rỉ tai nên đưa về nhà ông Cát điều trị. Người này đã đưa cho chị một tấm card trong đó khẳng định, thầy lang Cát có thể chữa khỏi mọi chứng ung thư. Nghĩ còn nước còn tát nên ngày 7/5/2009 tôi đã đưa mẹ đến đó. Khi đến, ông Cát nhận sẽ chữa khỏi cho mẹ tôi với giá 18 triệu đồng”.

Gặp ông Cát, chị Phương như người chết đuối vớ được cọc: “Đúng là giời có mắt run rủi cho mẹ em gặp thầy gặp thuốc, nghĩ vậy nên em đã đưa trước cho ông ấy 11,2 triệu đồng là số tiền cuối cùng còn lại sau khi xuất viện”. Nào ngờ, hy vọng cứu mẹ trong chị cứ như ngọn đèn hết dầu, ngày càng lụi dần. Sau 1 tháng điều trị ở đây sức khỏe cụ Nhiệm suy sụp nặng.

Hàng ngày cụ Nhiệm được ông Cát cho uống 1 chai nước gồm: nước rau má, lá đu đủ, cây dâu leo tính giá 100 nghìn đồng. Chị Phương nói: “Ông Cát nói với em rằng, các loại lá ấy phải mua tận Côn Minh -  Trung Quốc, quý lắm. Đến khi mẹ em kiệt sức, thầy lang Cát bảo đã chữa khỏi đến 60% và yêu cầu đưa thêm tiền. Khi em không đưa thì ông ấy bỏ mặc buộc em phải đưa bà cụ về Lào Cai”. Một tuần sau khi được “thần y” Cát điều trị, cụ Nhiệm qua đời.

Chân dung thầy lang Cát Hồng

"Thần y" Cát Hồng (trái) trong buổi làm việc với phóng viên

Để thẩm định sự chính xác của những thông tin trên trước khi vào nhà thầy lang Cát Hồng, chúng tôi đã tìm đường tới UBND xã Thụy Lâm để hỏi chính quyền trước. Nghe nói có phóng viên về địa phương để tìm hiểu về thầy lang này, ông Trần Văn Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, ớ người: “Làm gì có ông lang Cát Hồng nào ở xã chúng tôi? Chữa khỏi được cả bệnh ung thư thì sẽ nổi tiếng cả nước, kiểu gì chúng tôi cũng biết”.

Không lẽ những lời đồn thổi là sai sự thật, chúng tôi đưa ra tấm card màu xanh có in dòng chữ: “Nam y đa khoa gia truyền - Thần hiệu Minh Cát” để làm chứng. Ông Lai chợt à một tiếng: “Thôi chết, đây chính là ông Hoàng Văn Cát, ở thôn Hà Lâm 3. Vừa rồi có thông tin ông Cát hành nghề y dược tư nhân không phép, chúng tôi cũng đã xuống kiểm tra và lập biên bản xử lý hành chính”.
Bác sỹ Hà Dương Vận - Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Anh: Trường hợp ông Hoàng Văn Cát, ở thôn Hà Lâm 3 đúng là trước đây có tham gia sinh hoạt trong Hội Đông y chúng tôi. Về mặt chuyên môn thì ông ta không được đào tạo ở bất kỳ trường lớp chuyên môn nào về y học. Không có chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân. Trước đây chúng tôi có góp ý một vài lần với ông ấy về mặt tư cách đạo đức nghề y, nhưng không có tác dụng. Tuy nhiên ông ta thôi không sinh hoạt trong hội đã 3 năm nay.


Theo ông Lai cho biết thì bà con ở trong xã chưa bao giờ biết đến ông Cát với tư cách một thầy lang. Ông Lai nói: “Vừa qua chúng tôi cũng có nhận được một số thông tin về việc ông Cát hành nghề y dược tư nhân nên có cử cán bộ xã xuống kiểm tra. Tại buổi kiểm tra này, ông Cát cho biết có tham gia Hội Y học cổ truyền huyện Đông Anh và có thẻ hội viên.

Gần đây ông Cát thừa nhận thỉnh thoảng có chữa một số bệnh thông thường cho bà con xung quanh bằng lá thuốc và không lấy tiền. Ai đưa thì tùy tâm, đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiều chứ không đòi hỏi”. Ông Trần Xuân Lượng - Phó Trưởng Công an xã Thụy Lâm thông tin thêm: “Buổi kiểm tra tại nhà ông Cát vừa qua, công an xã không thấy có các công cụ để chế biến thuốc mà chỉ phát hiện có vài trăm gam lá đu đủ và lá bông mã đề phơi khô mà ông Cát nói rằng dùng để sắc thuốc cho vợ uống”.

Ông Lượng cũng khẳng định: “Ông Cát xưa nay chỉ là nông dân thuần túy, chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến khả năng chữa được bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư như quảng cáo trên tấm danh thiếp của ông ta. Thậm chí ngay cả đời cha, đời ông của ông Cát cũng chưa có ai hành nghề thuốc bao giờ. Và cái tên Cát Hồng mà thầy lang này in trên card có lẽ chính là ghép với tên bà vợ Lê Thị Hồng”.

 Theo TTOL/ANTĐ
Chia sẻ