Ung thư vú có thể được chữa khỏi nhờ ghép tế bào gốc tự thân

Gia Hân,
Chia sẻ

Với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, giờ đây, những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn sẽ có nhiều cơ hội được điều trị khỏi hoàn toàn.

Điều này đồng thời mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân ung thư khác.
 
Theo các chuyên gia ung thư, bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng đối với phụ nữ gây tử vong khá cao. Theo thống kê, hàng năm có tới khoảng 22 ngàn trường hợp mắc và 16 ngàn trường hợp tử vong, một con số đáng kể do đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Phương pháp điều trị bệnh truyền thống gồm phẫu thuật giảm khối u, truyền hóa chất hoặc kết hợp với xạ trị. Nhưng thực tế, với phương pháp  điều trị này, thời gian bệnh nhân sống thêm 5 năm chỉ vào khoảng 20% do họ đã ở giai đoạn muộn.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp điều trị hiện đại đang được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý ác tính về máu và ung thư. Phương pháp này dùng hóa chất diệt toàn bộ tế bào ung thư từ gốc, làm sạch tủy để ghép tế bào lành tính. Một số bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú giai đoạn muộn đã được áp dụng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân thành công, các thông số cơ bản của bệnh nhân đã trở lại bình thường, sức khỏe tốt và được xuất viện.

Như trường hợp của bệnh nhân Lê Thị S. (Thừa Thiên-Huế) nhập viện vào tháng 10/2012, trong tình trạng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, sự sống rất mong manh. May mắn, bệnh nhân đã thoát khỏi “cửa tử”, trở lại cuộc sống bình thường nhờ ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Sau khi phẫu thuật hai lần, bệnh nhân tiếp tục được hóa trị liều cao dưới sự hỗ trợ bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân. Cụ thể, bệnh nhân được thu thập tế bào của chính mình, bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, sau đó bệnh viện dùng chính tế bào này để ghép cho bệnh nhân, qua nhiều bước can thiệp điều trị và áp dụng phương pháp tế bào gốc để hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.

Ung thư vú có thể được chữa khỏi nhờ ghép tế bào gốc tự thân 1
Với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, giờ đây, những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn sẽ có nhiều cơ hội được điều trị khỏi hoàn toàn. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Duy Thăng – Phó giám đốc BV TƯ Huế, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư cổ tử cung" cho biết, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay ở Việt Nam hoặc bệnh nhân giai đoạn muộn.

Thực tế, việc điều trị bằng phương pháp kinh điển nếu ở giai đoạn muộn sẽ thất bại bởi nếu tiếp tục điều trị thì bệnh nhân rơi vào tình trạng suy tủy không hồi phục dẫn tới tử vong hoặc tử vong không phải do ung thư mà do nhiễm trùng. Với phương pháp tế bào gốc tự thân, sau khi điều trị cơ bản xong như trước đây, các bác sỹ phải tách tế bào gốc của bệnh nhân, thu lại và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (-196 độ C). Sau đó tiếp tục hóa trị liều cao và nhắm đích, điều trị triệt để các tế bào ung thư di căn mà trước đây không làm được. Đồng thời có tế bào gốc để ghép lại cho bệnh nhân để có tủy mới tốt hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, vấn đề sống còn của người bệnh là phải ở trong môi trường vô trùng tuyệt đối trong thời gian kéo dài hàng tháng để ghép tủy, truyền các chế phẩm máu, hồng cầu, tiểu cầu. Bởi lẽ, người bệnh gần như không còn sự bảo vệ nào, chỉ cần nhiễm trùng sẽ dẫn đến tử vong. Các y sĩ, bác sĩ cũng phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt sau khi qua ba lần vô trùng khác nhau mới đến điều trị cho người bệnh.

Hiện tại bệnh viện có 20 bệnh nhân đang điều trị theo lộ trình, trong đó có 8 bệnh nhân ung thư vú và 12 bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng. 2 bệnh nhân đã ra viện và tới đây sẽ có thêm bệnh nhân nữa sẽ ra viện.

“Trong thời gian tới, Bệnh viện T.Ư Huế sẽ tiếp tục điều trị cho người bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng trong trường hợp những phương pháp điều trị thông thường bế tắc nhằm kéo dài thời gian cho người bệnh sống tốt và có thể lao động gần như người bình thường. Nhiều người bệnh ung thư vú và buồng trứng đã đến đăng ký thực hiện. Riêng chỉ từ đầu tháng cũng đã có tới 30 – 40 trường hợp đăng ký.

Nếu bảo hiểm y tế chi trả thì phần bệnh nhân phải đóng thêm cho quá trình điều trị sẽ không nhiều, khoảng hơn 100 triệu. Còn ở giai đoạn sớm hơn thì chi phí sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân ung thư là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu ở vùng nông thôn, chi phí như vậy là ngoài khả năng của không ít bệnh nhân” - PGS.TS Nguyễn Duy Thăng cho hay.
Chia sẻ