Ung thư buồng trứng - những kiến thức phụ nữ cần trang bị

,
Chia sẻ

Nếu bạn có những triệu chứng như liên tục đau bụng, đau vùng xương chậu, đau suốt quá trình giao hợp, đầy hơi…nhiều hơn 12 lần trong một tháng, bạn nên nghiêm túc đi khám bác sỹ.

Ung thư buồng trứng đã được gắn nhãn 'kẻ giết người thầm lặng" bởi vì bệnh rất khó chẩn đoán vì có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn đường ruột, suy nhược cơ thể,...

Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp nhất ở phụ nữ. Ở Mỹ thì đây là ung thư có tỉ suất cao thứ hai sau ung thư thân tử cung và là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao nhất cho phụ nữ Mỹ.

Ở Anh, bệnh ung thư buồng trứng ảnh hưởng đến 6.800 phụ nữ mỗi năm. Trên toàn thế giới thì ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung, và cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung.

Chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng là rất quan trọng vì nó giúp tăng cường đáng kể cơ hội sống sót của phụ nữ khi mắc bệnh này.

Tuy nhiên, thực tế thật đáng buồn vì hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn vì vậy khả năng sống sót chưa được đến 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh.

Chính vì vậy, hơn ai hết, chính bạn phải quan tâm hơn nữa đến những thay đổi trong cơ thể.

Các dấu hiệu cần nghi ngờ ung thư buồng trứng

- Liên tục đau bụng hoặc vùng chậu

- Tăng kích thước bụng, đầy hơi, buồn nôn liên tục

- Khó khăn trong việc ăn uống và cảm giác no nhanh

- Liên tục phải đi tiểu gấp

- Những thay đổi bất thường trong thói quen đại tiện, bao gồm ỉa chảy hoặc táo bón.

- Đau suốt trong quá trình giao hợp

Phụ nữ cũng có thể gặp các triệu chứng khác - chẳng hạn như cơ thể mệt mỏi triền miên hoặc đau lưng… Bạn có thể ghi lại một số triệu chứng bất thường của cơ thể để thao dõi thường xuyên các triệu chứng xảy ra.

Nếu bạn có những triệu chứng này nhiều hơn 12 lần trong một tháng, bạn nên nghiêm túc đi khám bác sỹ.

Ai có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng?

Hầu hết phụ nữ có nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng ở độ tuổi trên 50 nhưng thực tế bệnh có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn như: hút thuốc lá, béo phì, thừa cân, có thời kỳ mãn kinh muộn, do gen di truyền…

Chẩn đoán bệnh

Bác sỹ chuyên khoa sẽ thực hiện các kiểm tra và tìm hiểu về các dấu hiệu chẩn đoán bạn có thể mắc ung thư buồng trứng hay không.

Trên cơ sở này, bác sỹ có thể quyết định thực hiện một xét nghiệm máu - tìm ra một protein gọi là CA125 (thường cao trong máu của những phụ nữ bị ung thư buồng trứng). Siêu âm vùng xương chậu để tìm những u nang bất thường trong buồng trứng.

Nếu các xét nghiệm có thấy có bất thường, một thủ tục phẫu thuật nội soi sẽ được thực hiện để lấy các mẫu nhỏ mô để kiểm tra các tế bào ung thư.

Điều trị

Có ba phương pháp điều trị chính: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Hầu như tất cả phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng sẽ phải phẫu thuật kết hợp sử dụng các phương pháp trị liệu.

Làm thế nào phụ nữ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này?

Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng giảm đi 2 lần ở những phụ nữ đã từng mai thai, sinh nở và cho con bú.

Ngoài ra còn có bằng chứng rõ ràng chứng minh rằng việc sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp có thể bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở những phụ nữ này chỉ bằng một nửa so với những phụ nữ không sử dụng, tác dụng bảo vệ này kéo dài nhiều năm sau khi ngưng sử dụng.

Một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân bằng, ít dầu mỡ, tăng cường vitamin A & C, không hút thuốc lá cũng rất quan trọng giúp phụ nữ ngăn ngừa căn bệnh giết người thầm lặng này.

An Khánh

(Tổng hợp từ N.Doctor)
Chia sẻ