Tương ớt độc hại lại gây sốc!

Theo ĐS & SK,
Chia sẻ

Theo nhận định thì khả năng chất Rhodamine B - chất gây ung thư tồn tại trong sản phẩm tương ớt của công ty này là phần nhiều từ ớt bột.

Hai tuần sau kể từ ngày đưa mẫu tương ớt mà Đội 2.1, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội thu giữ tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Tuấn Thành, địa chỉ phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm gửi đi xét nghiệm cho thấy, mẫu tương ớt này có chứa Rhodamine B - chất gây ung thư. 

Đây quả thực là cú “sốc” cho người có thói quen sử dụng tương ớt trong bữa ăn hằng ngày đồng thời bật đèn đỏ đối với những cơ sở sản xuất mặt hàng thực phẩm khi coi nhẹ vấn đề ATVSTP cho người tiêu dùng.

Sa tế cũng liên quan?

Sau khi có kết quả từ phía Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia - Bộ Y tế  xác định có chứa chất Rhodamine B - chất gây ung thư với hàm lượng 2,56 mg/kg có trong 4 mẫu  tương ớt thành phẩm được Đội 2.1, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội lấy trong 2 chum tương tại Công ty cổ phần và đầu tư thương mại Tuấn Thành. 

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia dựa trên kết quả phân tích trên các mẫu nguyên liệu thu được tại công ty này thì khả năng chất Rhodamine B - chất gây ung thư tồn tại trong sản phẩm tương ớt của công ty này là phần nhiều từ ớt bột. Độ cay và mầu của tương ớt cũng một phần do ớt bột tạo ra. Và như vậy thì không chỉ tương ớt sản xuất từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc có nguy cơ chứa chất gây ung thư -  Rhodamine B thì vấn đề đặt ra là cả sa tế cũng cần phải xem xét vì thành phần chính của sa tế là ớt bột chưng với dầu, nước và một số gia vị khác. 


Tăng đỏ bằng… phẩm màu công nghiệp

Trước đó, tại cơ sở sản xuất tương ớt của Công ty cổ phần và đầu tư thương mại Tuấn Thành do ông Chu Văn Tuấn làm giám đốc khi đoàn kiểm tra liên ngành tới làm việc đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm tương ớt của công ty. Ngay thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, công việc sản xuất tương ớt của công ty đang diễn ra với hình ảnh một nhân viên công ty trong bộ quần áo nhuốm bẩn đang cố gắng thọc gầu vào sâu bên trong chiếc chum chứa hỗn hợp nguyên liệu làm tương ớt đã được xay nhuyễn để khoắng, trộn. 

Theo những công nhân ở đây, để làm ra một mẻ tương cần có: 10kg ớt tươi, 5kg ớt khô, 5kg ớt kim, 100 gam bột benzoat (chất bảo quản), muối, nước đun sôi… cho vào máy xay nát rồi đem ủ. Để tăng độ đỏ cho tương nhằm bắt mắt người tiêu dùng, họ đã không ngần ngại tăng chất tạo màu, ớt bột. Với công nghệ sản xuất thủ công và không đảm bảo ATVSTP như vậy song trung bình mỗi ngày công ty này sản xuất được 150 lít tương ớt thành phẩm tung ra thị trường. 

Tràn lan tương ớt không nguồn gốc

Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm tương ớt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác đang được bày bán tràn lan tại một số chợ. Tại chợ Hà Đông, theo quan sát của phóng viên, ở khu hàng bán đồ thực phẩm khô, rất nhiều ki ốt bán các loại tương ớt không nguồn gốc này. Các chai tương ớt được đóng vào những vỏ chai dầu ăn loại 5 lít, 10 lít được để ngay dưới đất, không hề có bất cứ một nhãn mác nào. 

Tiếp đó, tại chợ Cầu Giấy, ở khu vực bán đồ khô một số ki ốt cũng có bày bán loại tương ớt không rõ nguồn gốc xuất xứ này. Tại ki ốt số 86, chai tương ớt loại 500ml được bán với giá 6 nghìn đồng/chai, tuy nhiên người bán hàng cho biết, nếu mua nhiều sẽ được giảm giá. 

Qua đây có thể thấy rằng, một số người kinh doanh vẫn rất chủ quan, thờ ơ và bỏ mặc người tiêu dùng trước thông tin phát hiện tương ớt có chứa chất gây ung thư. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSTP tại các cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng tương ớt này. Cùng đó, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.   

Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết, Rhodamine B là một loại phẩm màu công nghiệp và có tác động bất lợi cho cơ thể con người (người ta thường hay nói là yếu tố gây gây ung thư là do các nhân vòng). Có thể khẳng định Rhodamine B không được sử dụng trong thực phẩm dù là với liều lượng rất thấp. Qua vụ việc này, ông Nguyễn Công  Khẩn cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chia sẻ