Tiểu ra máu

,
Chia sẻ

Tiểu ra máu có thể là hiện tượng sinh lý nhất thời, song cũng là bệnh lý.

Tập thể dục quá sức cũng có thể làm nước tiểu có máu - Ảnh: Shutterstock
Mất ăn mất ngủ vì đi tiểu thấy ra vài giọt máu cả tuần nay rồi, có phải tôi bị lâm trọng bệnh hay không?”, một nữ bệnh nhân còn khá trẻ tới Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội khám bệnh với gương mặt thất thần và hỏi tới hỏi lui bác sĩ trong sự hoảng hốt.

Đơn giản mà phức tạp

Trao đổi với phóng viên TN TT&GT, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang (Bệnh viện Việt Đức Hà Nội) hài hước: “Tiểu ra máu, đơn giản là có máu trong nước tiểu. Một số hiện tượng sinh lý có thể gây nước tiểu cũng có máu, chẳng hạn như bạn tập thể dục, thể thao gắng sức. Vì thế, bệnh nhân cũng không cần lo lắng quá mức. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh”.

Có hai dạng tiểu ra máu: đái máu đại thể (nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường) và đái máu vi thể (chỉ nhìn thấy máu dưới kính hiển vi). Thông thường, người ta luôn nghĩ rằng, chỉ có đàn ông mới thường bị mắc bệnh này, nhưng đó là quan niệm sai lầm: bất kỳ người nào, kể cả trẻ em, đều có thể bị tiểu ra máu. Giữa nam và nữ, với căn bệnh tiểu ra máu, có một số bệnh lý liên quan đến đặc thù giới tính, ví như nhiều nam giới hơn 50 tuổi có thể thỉnh thoảng bị tiểu ra máu do bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và hơn 50% phụ nữ có nhiễm khuẩn tiết niệu ít nhất một lần trong đời và có thể kèm theo tiểu ra máu.

Trở lại với nữ bệnh nhân vừa nhắc ở phía trên, dù chỉ ra máu vài giọt sau khi đi tiểu, nhưng cô vẫn thấy bất an, do vậy đến bác sĩ thăm khám để tìm nguyên nhân chữa trị kịp thời là một quyết định đúng. Bởi lẽ dù nhiều trường hợp tiểu ra máu không nguy hiểm, nhưng cũng có thể là triệu chứng của một ung thư (thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt…).

Nguyên nhân

Khi bị tiểu ra máu, cần đến ngay Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để được thăm khám và chữa trị kịp thời

Theo y văn, đường tiết niệu gồm 2 thận, 2 niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận lấy chất thải và dịch từ máu chuyển thành nước tiểu. Nước tiểu chạy xuống bàng quang qua niệu quản và sau đó ra ngoài qua đường niệu đạo. Khi có sự rò rỉ tế bào máu từ các cơ quan của hệ tiết niệu vào nước tiểu sẽ gây tiểu ra máu. TS.BS Nguyễn Quang cho biết một số nguyên nhân có thể gây tiểu ra máu như:

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: thường gặp ở phụ nữ (mặc dù nam giới cũng có thể gặp) có thể xảy ra khi vi khuẩn đi vào cơ thể qua niệu đạo và nhân lên trong bàng quang. Nhiễm khuẩn thỉnh thoảng (tuy không phải là luôn luôn) có thể xảy ra sau quan hệ tình dục. Các triệu chứng có thể là đái buốt, đái rắt, nước tiểu nặng mùi…

Nhiễm khuẩn thận (viêm thận - bể thận) có thể xảy ra khi vi khuẩn đi vào thận qua đường máu hoặc di chuyển lên từ niệu quản. Các dấu hiệu của bệnh giống như viêm bàng quang, mặc dù có thể kèm theo sốt và đau thắt lưng.

Sỏi thận hoặc bàng quang: các chất khoáng trong nước tiểu thỉnh thoảng có thể lắng cặn, hình thành các tinh thể trên thành của thận và bàng quang. Qua thời gian, các tinh thể có thể trở thành các sỏi nhỏ và cứng. Sỏi có thể không đau và bạn có thể không biết là có sỏi cho tới khi chúng gây bít tắc hoặc di chuyển. Khi đó có thể gây cơn đau quặn thận kèm theo đái máu đại thể hoặc vi thể.

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt nằm ở ngay dưới bàng quang và bao quanh phần trên của niệu đạo, thường phát triển khi ở lứa tuổi trung niên. Khi tuyến phì đại, nó chèn ép vào niệu đạo, cản trở dòng tiểu gây triệu chứng đái khó, đái ngắt quãng… và có thể gây đái máu đại thể hoặc vi thể. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể gây triệu chứng tương tự.

Bệnh của thận: Đái máu vi thể là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm cầu thận.

Ung thư: Chảy máu đường tiết niệu nhìn thấy được có thể là biểu hiện của ung thư thận, bàng quang hoặc tuyến tiền liệt tiến triển. Không may, bạn có thể không có những biểu hiện của bệnh ở giai đoạn sớm, khi mà những ung thư này có khả năng chữa tốt hơn.

Những bệnh di truyền: Bệnh thiếu máu hồng cầu liềm có thể là nguyên nhân của máu trong nước tiểu mức độ đại thể hoặc vi thể. Hội chứng Alport (tác động vào các màng lọc của tiểu cầu thận) cũng có thể gây tiểu ra máu.

Chấn thương thận có thể gây đái máu đại thể hoặc vi thể.

Thuốc men: Các thuốc thường gây tiểu ra máu: aspirin, penicillin, heparin, thuốc chống ung thư cyclophosphamide.

Tập luyện gắng sức: Cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng có thể do chấn thương bàng quang, mất nước, hoặc phân rã tế bào hồng cầu.

Có phòng được không?

TS Quang khẳng định, không thể phòng ngừa tiểu ra máu, mặc dù có thể từng bước giảm nguy cơ của một số bệnh có thể gây ra. Nếu bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bạn cần uống nhiều nước, đi tiểu khi cảm thấy buồn tiểu, ngay sau khi quan hệ tình dục, rửa sạch từ trước ra sau sau khi đi tiểu và tránh các sản phẩm vệ sinh nữ giới gây kích thích để có thể giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu bị sỏi thận, cần uống nhiều nước, hạn chế muối, đạm, thức ăn chứa oxalate (như rau bina, cây đại hoàng).

Theo Yên Minh

Thanh niên

Chia sẻ