Thuốc gì chữa cúm và cảm lạnh tốt nhất?

,
Chia sẻ

Trong khi một số phương thuốc có tác dụng chữa cúm thật sự thì một số phương thuốc khác chỉ làm lãng phí tiền của bạn.

1. Thuốc viên Omega-3

Nhận định: Có lợi

Nếu bạn không thích hoặc không ăn nhiều cá thì việc uống viên bổ sung omega-3 mỗi ngày có thể giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch. Theo cuộc nghiên cứu của Viện dinh dưỡng và Đại học Y ở Anh, Omega-3 làm tăng hoạt động của thực bào  - các tế bào có thể đánh bại bệnh cúm. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cho thấy omega-3 tăng sự lưu thông không khí và bảo vệ phổi khỏi nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp cũng như bệnh cảm lạnh. Hãy tìm mua viên con dầu cá tinh chế hình con nhộng có chứa ít nhất 1 g hỗn hợp EPA và DHA.

2. Cây đậu ván dại

Nhận định: Có lợi

Cố vấn của trang Prevention, Andrew Weil, MD, cho biết loại cây có rễ này kích thích các bạch cầu chống viêm nhiễm. Một cuộc nghiên cứu được công bố kết quả vào năm 2007 đã chỉ ra rằng cây đậu ván dại có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch ở chuột. Bên cạnh đó, một cuộc nghiên cứu thí điểm cũng đã phát hiện thấy loại thảo mộc này còn có tác dụng tương tự ở người. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cây đậu ván dại mất 6-8 tuần để đạt đến hiệu quả cao nhất.

3. Cây cúc dại

Nhận định: Không có lợi

Nếu được uống ngay khi bị cảm thì loại thảo mộc này có thể giúp bạn giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như rút ngắn thời gian bị bệnh. Tuy nhiên, một số hãng dược phẩm đã không đưa loài cây này vào thành phần chế biến thuốc giải cảm do những tác dụng phụ mà nó có thể gây ra gồm có bệnh tiêu chảy, phát ban và khó thở.

4. Vitamin D

Nhận định: Có lợi

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Havard, chất dinh dưỡng này có thể tăng cường hiệu quả khả năng miễn dịch và giúp ngăn ngừa bệnh cảm lạnh. Những người có hàm lượng vitamin D thấp nhất có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp cao hơn 36% so với những người có lượng Vitamin D nhiều nhất. (Các bệnh nhân hen suyễn có lượng vitamin D thấp có khả năng bị ốm cao hơn gần 6 lần so với những người có lượng vitamin D cao nhất). Lượng vitamin D đầy đủ giúp sản sinh cathelicidin, một loại protein có khả năng diệt virut.


Tác giả cuộc nghiên cứu trên, bác sỹ y khoa Carlos A. Camargo Jr., cho biết do khó hấp thụ đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời và ăn uống (cá và sản phẩm làm từ sữa hoặc các nguồn tốt nhất) nên bạn sẽ cần uống thuốc bổ sung để đạt được lượng tối ưu, ít nhất khoảng 1.000 IU/ngày.

5. Thuốc Cold-fX

Nhận định: Có lợi

Cold-fX là loại thuốc trị cảm cúm được làm từ chiết xuất nhân sâm Bắc Mỹ. Hãy sử dụng loại thuốc này khi nhận thấy cơn cảm cúm xuất hiện.  Theo cuộc nghiên cứu do Trung tâm  Miễn dịch trị liệu Ung thư và các bệnh viêm nhiễm khác tại trường Đại học Connecticut, những người uống hai viên Cold-fX mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị nhiễm cúm thấp hơn những người dùng giả dược tới 2 lần. Còn khi họ thật sự bị ốm, những triệu chứng sẽ rút ngắn thời gian tồn tại xuống còn một nửa. Loại thuốc làm từ nhân sâm đặc biệt này chứa hợp chất mà làm tăng bạch cầu và interleukin, protein mà hệ miễn dịch cần.

6. Thực phẩm bổ sung Airborne

Nhận định: Không có lợi

Các chuyên gia cho biết loại thực phẩm bổ sung này, kết hợp kẽm, gừng, cây cúc dại và các vitamin, khoáng chất, và thảo mộc khác, không có tác dụng gì trong việc xua đuổi vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, nó còn chứa lượng lớn vitamin A mà có thể gây hại nếu được hấp thụ vài lần/ngày.

7. Kẽm

Nhận định: Có lợi

Hiện kết quả nghiên cứu về chất này vẫn có nhiều kết quả khác nhau. Tuy vậy, theo bác sỹ y khoa David L. Katz, đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng ngừa của trường Đại học Yale, "uống 30 mg kẽm ngay khi mới bắt đầu cảm lạnh sẽ giúp rút ngắn thời gian bị bệnh còn khoảng ½ ngày”. Thông qua việc kiềm hãm sự phát triển của virut trong mũi và cổ họng, những sản phẩm này đã làm giảm thời gian bị cảm lạnh.

Nhưng đừng lạm dụng nó. Mặc dù chỉ cần thiếu kẽm một chút thôi, bạn đã có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn nhưng nếu uống hơn 50 g kẽm/ngày,  bạn sẽ khiến hệ miễn dịch bị kiềm hãm và việc hấp thụ các khoáng chất cần thiết khác bị ngăn chặn.

8. Vitamin C

Nhận định: Không có lợi

Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như ớt đỏ và các loại quả họ nhà cam, quýt không gây ra tác dụng phụ. Nhưng việc hấp thụ vitamin C từ thuốc uống thì lại khác. Theo báo cáo năm 2007 của 30 cuộc nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy việc bổ sung vitamin C có thể ngăn ngừa bệnh cảm lạnh ở người thường. Không chỉ thế, việc uống quá nhiều chất dinh đưỡng này còn có thể gây ra sỏi thận, đau bụng, và thậm chí chảy máu trong ở trẻ.

Thụy Vân
(Tổng hợp theo PR)

Chia sẻ