"Thủ phạm" khiến chị em có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung

Phương Thùy,
Chia sẻ

Ung thư cổ tử cung cũng là một loại ung thư khá phổ biến ở nữ giới, bên cạnh ung thư vú, chỉ có tỉ lệ mắc bệnh là khác nhau ở các khu vực trên thế giới mà thôi.

Tại Canada, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ.
 
HPV là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung
 
Yếu tố quan trọng nhất làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung là nhiễm các u nhú ở người (HPV) - loại virus gây ra mụn cóc sinh dục. HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. HPV là căn bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục ở Canada, và một phần ba số phụ nữ Canada có thể bị nhiễm HPV.
 
Hiện có hơn 100 biến thể của HPV, nhưng chỉ có một số biến thể trong đó có liên quan đến việc gây ra ung thư cổ tử cung. Hầu hết nhiễm trùng HPV đều ở dạng "tĩnh", có nghĩa là chúng không có biểu hiện gì ra bên ngoài. Khi các biến thể HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung phát ra các triệu chứng thì thường là các mụn cóc sinh dục xung quanh âm hộ, cổ tử cung, và hậu môn ở phụ nữ, xung quanh dương vật, bìu và hậu môn ở nam giới và có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, không phải tất cả mụn cóc sinh dục quanh hậu môn đều làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.


HPV lây nhiễm dễ dàng qua đường tình dục cho dù bạn mới chỉ "quan hệ" lần đầu tiên. Các nghiên cứu nhận ra rằng, mặc dù bao cao su làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như AIDS và bệnh lậu, thì nó lại ít có hiệu quả ngăn ngừa lây truyền HPV, bởi vì tiếp xúc da với da là đủ để vượt qua ngưỡng an toàn và lây bệnh.

Giữ quan hệ chung thủy với 1 bạn tình sẽ giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HPV nhưng không hoàn toàn ngăn chặn nó vì nhiễm trùng có thể nằm im trong mỗi người trong một thời gian dài mà không có biểu hiện gì, và đột nhiên phát tác trở lại nhiều năm sau đó.
 
Hầu hết nhiễm trùng HPV biến mất mà không cần điều trị vì cơ thể có khả năng tự "chiến đấu", và tự bản thân nó thì không gây nên ung thư cổ tử cung. Nhưng nếu có thêm các điều kiện khác như hút thuốc hoặc nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì HPV sẽ rất có thể gây ra ung thư.

Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh ung thư cổ tử cung
 
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác gây ra ung thư cổ tử cung ngoài HPV. Ví dụ như:
 
- Gen đóng một vai trò không kém quan trọng: Một người phụ nữ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao nếu có chị hoặc mẹ bị ung thư.

- Tuổi tác: Ung thư cổ tử cung phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi (mặc dù nhiều phụ nữ lớn tuổi không nhận ra rằng họ có nguy cơ bị bệnh này), phụ nữ với tình trạng kinh tế - xã hội thấp hơn, và phụ nữ hút thuốc lá.


- Lịch sử tình dục cũng rất quan trọng: Phụ nữ có quan hệ tình dục từ khi còn quá trẻ, phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình có nhiều quan hệ tình dục với các phụ nữ khác, phụ nữ có quan hệ tình dục không bảo vệ, và phụ nữ có HIV... là những đối tượng có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn cả vì họ rất dễ bị nhiễm HPV. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thông thường bệnh khác lây truyền qua đường tình dục - chlamydia trachomatis - cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

- Chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò trong bệnh ung thư cổ tử cung: Những phụ nữ ít ăn trái cây và rau quả cũng có nguy cơ bị ung thư cao hơn những người khác ăn nhiều trái cây và rau quả. Một nghiên cứu tìm thấy rằng, phụ nữ với mức độ thấp của vitamin E và coenzyme Q10 thấp cũng dễ bị ung thư cổ tử cung hơn.

- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: Mặc dù yếu tố này vẫn còn đang gây tranh cãi nhưng cũng có ý kiến cho rằng sử dụng thuốc tránh thai về lâu dài cũng có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Chia sẻ