Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn tới vô sinh

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Chế độ dinh dưỡng không phù hợp có thể gây rắc rối trong chu kì kinh nguyệt hàng tháng nên có thể gây khó khăn trong thụ tinh, dẫn tới vô sinh.

Em năm nay 20 tuổi. Thời gian này em thấy mình rất mệt nên đã đi khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ nói em bị thiếu dinh dưỡng, cần bổ sung kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, kể cả sức khỏe sinh sản. 

Em rất lo lắng và không hiểu thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (B. Thanh)

Trả lời:

Bạn B. Thanh thân mến!

Cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất gây ra những tổn thương không nhỏ, nếu kéo dài có thể để lại hậu quả khó lường.

Thiếu vitamin trong cơ thể thường xảy ra do quá trình hấp thu và đồng hóa vitamin bị rối loạn. Đây có thể là do các bệnh mãn tính ở hệ tiêu hóa hoặc do ảnh hưởng của một số loại thuốc gây ra. Trong một vài trường hợp, nhu cầu vitamin tăng, cơ thể sẽ có nguy cơ bị thiếu nếu không được tăng thêm nguồn cung cấp. Những trường hợp đó là: phụ nữ có thai, cho con bú, những vận động viên thể thao, tình trạng stress, khí hậu khắc nghiệt, nghiện rượu, môi trường ô nhiễm...

Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn tới vô sinh 1
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp có thể gây rắc rối trong chu kì kinh nguyệt hàng tháng nên có thể gây khó khăn trong thụ tinh, dẫn tới vô sinh. Ảnh minh họa

Cơ quan sinh sản của phụ nữ có liên quan đến các vấn đề như: thai nghén, sinh nở. Chế độ dinh dưỡng của bạn không phù hợp có thể gây rắc rối trong việc thụ thai, chu kì kinh nguyệt hàng tháng... do đó, nó có thể cản trở khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Vô sinh là rắc rối thường gặp ở một số chị em, nguyên nhân chủ yếu là trứng không rụng. Điều này chịu ảnh hưởng của hormone. Vài trường hợp chung thường thấy như bất thường ở ống dẫn trứng, u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Tăng cường dùng nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp trứng khỏe, phôi phát triển tốt. Vitamin E giúp sản xuất ra chất nhầy tử cung, tránh hiên tượng khô âm đạo. Ngoài ra, dùng nhiều dầu cá, dầu gan cá, quả hạch có thể kích thích sự sản xuất hormone giới tính.

Rối loạn kinh nguyệt có thể do sụt cân, căng thẳng, thiếu dinh dưỡng hoặc hormone mất cân bằng. Để phòng ngừa tình trạng này, mỗi ngày 2 lần, bạn nên bổ sung vitamin B6. Bạn cũng nên bổ sung thêm 200mg magnesium/ ngày, dùng thêm sắt 5mg/ ngày và 15mg kẽm/ ngày trong những trường hợp lượng máu kinh mất quá nhiều. Nếu thiếu kẽm và vitamin B6, chu kỳ kinh nguyệt có thể mất hẳn.

Bác sĩ đã chẩn đoán bạn thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thì bạn nên có kế hoạch ăn uống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể theo lời khuyên của bác sĩ. Việc này không những giúp bạn khỏe mạnh mà còn có thể phòng ngừa bệnh tật.

Chúc bạn vui khỏe!
Chia sẻ