Thận trọng khi dùng thuốc ho

,
Chia sẻ

Ho là triệu chứng của nhiều bệnh bởi vậy đánh giá tình trạng ho phải do thầy thuốc khám và có chỉ định điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Ho - triệu chứng của nhiều bệnh

Các nguyên nhân thường gặp là viêm mũi, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí-phế quản, viêm phổi, dị vật đường thở... Nhiều bệnh nhân còn phàn nàn rằng họ bị ho mỗi khi thời tiết thay đổi.

Triệu chứng ho thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 sau khi sốt do hiện tượng tích đọng dịch tiết của niêm mạc đường hô hấp. Việc điều trị thuốc làm long dịch và giảm tiết là cần thiết. Ho khỏi dần sau 2-3 tuần. Một số trường hợp cho dù uống thuốc ho hay không thì bệnh nhân vẫn cứ bớt dần sau 1 tuần.

Đánh giá tình trạng ho là do thầy thuốc khám và có chỉ định điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Vì đây là một phản xạ bảo vệ phổi để tống đờm rãi và những vật lạ ra khỏi đường thở nên thầy thuốc thường chỉ điều trị nguyên nhân gây ho mà không cắt cơn ho trừ những triệu chứng ho quá nhiều ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sức khỏe của người bị bệnh. Trong nhiều trường hợp, cơn ho không liên quan gì đến bệnh phổi cấp tính, hoặc do môi trường ảnh hưởng và nó tự lành một cách hoàn toàn tự nhiên.

Chú ý khi dùng

Thuốc cắt cơn ho tác động của thuốc ức chế lên thần kinh trung ương làm mất phản xạ ho thường được sử dụng cho những trường hợp ho khan. Thuốc cắt ho  tác động lên nguyên nhân gây ho và làm mất đờm.

Thuốc chống dị ứng dùng trong những trường hợp cảm cúm cũng không có lợi vì nó chỉ có tác dụng cắt cơn ho tức thời nhưng do làm quánh đờm và mất phản xạ tống đờm ra khỏi đường thở nên thuốc sẽ làm cho triệu chứng ho nặng lên. Nếu điều trị đúng nguyên nhân, ho có thể chấm dứt mà không cần phải ức chế phản xạ ho bằng những thứ thuốc vừa không có tác dụng mong muốn lại vừa có nhiều phản ứng phụ.

Thuốc ho phối hợp có chứa chất pseudoephedrin khi uống có thể làm trẻ nhỏ bị kích thích, khó ngủ và có phản ứng co cứng bắp thịt. Một số trường hợp quá liều còn dẫn đến vấn đề về tim mạch và các tác dụng phụ nguy hiểm khác.  Phenylpropanolamin có trong nhiều loại thuốc ho lại là chất cường giao cảm gián tiếp, nếu dùng dài ngày hoặc lặp lại nhiều lần sẽ gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, kích thích thần kinh, xáo trộn thị giác. Clorpheniramin là thành phần chính của nhóm thuốc chống dị ứng thế hệ 1 khi dùng nên lưu ý cho trẻ nghỉ ở nhà vì tác dụng gây buồn ngủ của nó làm cho trẻ dễ ngã khi đùa nghịch ở trường. Các thuốc ho chứa codein do tính ức chế trung tâm hô hấp, giảm thiểu cường độ và tần số ho nhưng tuyệt đối tránh dùng cho trẻ dưới 15 tuổi nếu hàm lượng codein trong thuốc lên đến 25mg. Xu hướng dùng thuốc ho chứa thành phần này đang giảm dần vì đây là tiền chất để chế ra chất ma tuý nguy hiểm là heroin.

Thuốc long đờm hiện hay được sử dụng là acetylcystein, carbocystein, bromhexin... Một số biệt dược phối hợp thuốc cắt cơn ho với long đờm nhằm giảm mức độ trầm trọng của cơn ho, đồng thời phục hồi khả năng làm sạch tự nhiên của đường hô hấp. Hiện nay nhiều công ty dược phẩm trong nước đã sản xuất được một số thuốc ho với sự phối hợp một số dược liệu trị ho có kết quả rất tốt.

Thuốc ho được bào chế cho trẻ chủ yếu dưới dạng sirô với hương vị nhiều loại trái cây nên trẻ rất thích uống vì thế khi sử dụng phải để thuốc tránh xa tầm với của trẻ, tránh những trường hợp trẻ tự ý dùng dẫn đến biến chứng ngừng hô hấp rồi tử vong.

Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm amiđan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn...

Ho là một triệu chứng khá phổ biến nhưng cũng không được chủ quan khi sử dụng thuốc nếu không có sự trao đổi và kiểm soát của thầy thuốc để hạn chế tối đa tác dụng có hại của thuốc ho đối với trẻ. Nhiều bố mẹ cho rằng ho không phải là một bệnh nan y nên luôn tự dự trữ thuốc ho trong nhà và sử dụng ngay khi thấy con mình bị ho theo hướng dẫn trên vỏ lọ hoặc theo kinh  nghiệm. Đây là một việc làm hết sức nguy hại vì đôi khi không những không dứt cơn ho mà còn làm cho tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Thậm chí có những trường hợp gây nguy hiêm đến cả tính mạng trẻ.        

Theo ThS.BS. Phạm Bích Đào
Sức khỏe và đời sống
Chia sẻ