Tàn phế vì nhờ thày lang chữa bỏng

,
Chia sẻ

Bàn tay bỏng nước sôi, anh Toản (Mỹ Đức, Hà Nội) đến thày lang đắp thuốc lá. Sau 10 ngày, vết thương không khỏi anh mới vào viện và phải mổ tháo khớp cổ tay vì tổn thương quá nặng.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, khi nhập viện, toàn thân anh Toản đã bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, bàn tay bỏng đã bị hoại tử, các ngón tay teo đét, phía ngoài bị bao bọc bởi một lớp màng cứng chắc như sơn. Các bác sĩ buộc phải phẫu thuật tháo khớp cổ tay cho anh vì không thể khắc phục được.

Bác sĩ Lượng cho biết thêm, mỗi tuần, viện tiếp nhận 2-3 bệnh nhân đến điều trị bỏng bị biến chứng sau khi chữa các thầy lang.

Tuy nhiên, thực tế con số bệnh nhân bị biến chứng sau khi chữa bỏng không đúng cách còn lớn hơn nhiều. Theo báo cáo của Dự án phòng chống bỏng cho cộng đồng, năm 2008, số lượng bệnh nhân vào Viện Bỏng Quốc gia và các cơ sở khám chữa bỏng công lập chỉ chiếm khoảng 50% con số nạn nhân thực tế. Số còn lại hầu hết là tự chữa và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc các thầy lang.

Hậu quả của việc tự chữa hoặc nhờ các thày lang không có chuyên môn thường rất nặng nề. Đa số các bệnh nhân bị chuyển từ bỏng nông thành bỏng sâu, mang hậu quả lâu dài, thậm chí tàn phế suốt đời như bị sẹo co kéo, co quắp chân tay, biến dạng chi, lệch cổ, hếch mắt, teo cơ, hỏng khớp... Có người phải cắt cụt chi do điều trị sai.
Một bệnh nhân vào viện gần đây sau khi đắp lá thuốc chữa bỏng từ thày lang. Ảnh do Viện Bỏng Quốc gia cung cấp.

Nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu vì không bảo đảm vệ sinh và các quy tắc tiệt khuẩn ở những người bệnh này cũng rất cao. Ngoài ra, không ít người vì phải chịu sự đau đớn trong thời gian dài theo "thày" nên để lại các chứng rối loạn về tâm thần, khiếp đảm.

Trường hợp cháu nhỏ tên Thắng, 13 tháng tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội sẽ là bài học cho nhiều phụ huynh. Thắng bị bỏng nước sôi ở chân. Bố mẹ em đã đưa con đến một cơ sở đông y quảng cáo là có bài thuốc tự pha chế chữa bỏng rất hiệu quả. Thế nhưng, mãi không thấy con khỏi, gia đình mới đưa em vào viện. Khi đó em đã bị hoại tử mu chân trái, toàn bộ vết thương có màng thuốc che phủ phía trên nhưng phía dưới lại có nhiều dịch mủ. Thắng đã được các bác sĩ phẫu thuật ghép da và luôn tỏ ra rất hoảng sợ khi có ai đụng vào.

Bác sĩ Lượng cho biết, những cháu nhỏ hay người già sức yếu dễ bị biến chứng nặng nhất nếu không được điều trị bỏng đúng cách. Nhiều bệnh nhân vào viện khi đã bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong, có người bị suy mòn, suy kiệt

Nhắc lại trường hợp cháu Thái, 2 tuổi, ở Lào Cai năm ngoái, các bác sĩ vẫn không khỏi đau lòng.

Bé Thái bị bỏng vùng bụng và được bố mẹ đưa đến nhà thày lang trong vùng đắp thuốc. Sau 4-5 ngày thấy con không đỡ, lại mệt lả, gia đình mới đưa em đi Viện Bỏng. Thế nhưng, khi vừa vào phòng khám, em đã tắt thở bởi bị nhiễm trùng nặng, cơ thể quá suy kiệt.

Theo bác sĩ Lượng, ở nước ta hiện nay, không chỉ người dân mà cả các nhân viên y tế ở các tuyến cơ sở vẫn hạn chế kiến thức cơ bản về bỏng. Do đó, đã có không ít sai lầm đáng tiếc đã xảy ra.

Ông cho biết, trong điều trị bỏng, bài thuốc chữa không phải là điều quan trọng nhất mà cái chính là người chữa bỏng phải có những kiến thức chuyên khoa để xác định đúng tính chất vết bỏng là sâu hay nông, nhẹ hay nặng để sử dụng thuốc phù hợp.

Bác sĩ giải thích, những trường hợp như không may chạm vào bô xe máy nóng, bị dầu mỡ bắn vào khi nấu ăn... là những bỏng nông (bỏng một phần lớp da ngoài cùng) và có thể tự khỏi. Việc điều trị là nhằm dự phòng các biến chứng đồng thời chống nhiễm trùng, giảm đau, chống viêm nề, tạo độ ẩm thích hợp, nuôi dưỡng tốt để vết bỏng liền nhanh nhất.

Các vết bỏng sâu (bỏng toàn bộ lớp da, bỏng gây hủy hoại hết các tế bào biểu mô của da, thậm chí đế cân, cơ, mạch máu, thần kinh, xương, khớp) thì không thể tự khỏi được. Các tổn thương này ngoài điều trị toàn thân như với bỏng nông thì cần can thiệp bằng phẫu thuật để làm liền vết bỏng (cắt bỏ hoại tử bỏng, phẫu thuật ghép da, chuyến vạt da... ).

Ngoài ra, việc tiên lượng bỏng nặng hay nhẹ với bệnh nhân còn chịu ảnh hưởng bởi việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu đúng hay sai, kịp thời hay không.

Theo bác sĩ Lượng, những thày lang chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, theo kinh nghiệm, nếu không được trang bị những kiến thức cơ bản về bỏng, đặc biệt là khả năng chẩn đoán độ sâu của bỏng thì việc điều trị chỉ có tính may, rủi. Nếu may mắn bệnh nhân chỉ bỏng nhẹ có khi không cần thuốc của "thày" cũng tự khỏi, còn nếu vết bỏng sâu, "thày" chữa mãi không khỏi thì bệnh nhân phải tiền mất tật mang.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân bỏng không nên tự ý dùng các thuốc điều trị khi chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được vết thương nông hay sâu. Ngay sau khi bị bỏng, bạn nên ngâm, rửa càng sớm càng tốt vào nước lạnh sạch (nước từ 10 đến 20 độ C, không dùng nước đá, đá lạnh) trong khoảng 15-20 phút. Sau đó, nên dùng băng vải sạch để băng ép nhẹ vùng bị bỏng rồi đến cơ sở y tế gần nhất, không nên bôi bất cứ thứ gì theo kinh nghiệm lên vết bỏng vì lúc đó người bệnh thêm đau đớn hoặc có thể bị nhiễm khuẩn.

Theo Minh Thùy
Vnexpress
Chia sẻ