Sưởi ấm an toàn trong những ngày trời rét đậm

Theo VTC,
Chia sẻ

Cứ vào các đợt rét đậm, các bệnh viện ở miền Bắc và miền Trung đều tiếp nhận các bệnh nhân bị bỏng, tử vong do sưởi ấm.

Các bác sĩ khuyến cáo, trời tiếp tục rét đậm nên người dân phải cẩn thận khi dùng các thiết bị sưởi ấm.

Hôn mê, chảy máu do sưởi ấm


Gần đây, liên tục các bệnh viện trong cả nước cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc, tử vong do sưởi ấm bằng than. Tại BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, từ đầu mùa lạnh 2010 đến nay, đã cấp cứu cho khoảng 10 trường hợp, ngộ độc khí CO do dùng than để sưởi ấm, trong đó một người tử vong. Tương tự tại Nghệ An cũng liên tiếp có các ca hôn mê và tử vong do ngộ độc khí CO khi đốt than tổ ong hoặc than củi để sưởi ấm trong phòng kín.
 
Điều đáng tiếc là phần lớn bệnh nhân là người già và trẻ em, có khi cả gia đình bị ngộ độc khí do sưởi ấm. Viện Bỏng quốc gia vừa cấp cứu cho hai bệnh nhi bị bỏng nặng do gia đình sưởi bằng than hoa. Đó là bé Phạm Bảo Nhật, 30 ngày tuổi, ở Nam Đàn, Nghệ An, nhập viện trong tình trạng bỏng 15%, toàn bộ đầu và nửa mặt bên trái, trong đó bỏng sâu 3%.

Nguyên nhân là do trời lạnh, nhà bé đóng kín cửa, sưởi ấm trong nhà, tự dưng mẹ bé thấy chóng mặt, người chị dâu thì nôn ói... Biết là ngộ độc khí C0, chị đứng lên định bế con ra ngoài kêu cứu, nào ngờ ngất xỉu đánh rơi con vào chậu than hoa trong phòng. Trước đó, Viện cũng tiếp nhận một bé gái một tuổi ở Phổ Yên, Thái Nguyên bị bỏng toàn bộ vùng mặt do ngã vào đống lửa do mẹ đốt để sưởi ấm.

Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc hiện nay thì độ ẩm trong không khí càng thiếu nên nhiều người sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong một căn phòng nhỏ cũng bị khô da, nứt nẻ, chảy máu cam. Đặc biệt, nhiều trẻ nhỏ, người già còn bị viêm đường hô hấp, niêm mạc mũi, khô mũi...


Tử vong nhanh chóng khi ngộ độc khí

Theo số liệu của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, mỗi năm, Trung tâm cấp cứu từ 10 đến 20 bệnh nhân ngộ độc do hít phải khí than. Đây là những trường hợp may mắn phát hiện sớm và cứu sống, nhưng cũng không ít người phải sống thực vật vì tổn thương não. TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc Bạch mai cho biết, các ca được chuyển đến bệnh viện chỉ là những ca nặng, thực trạng số người bị ngộ độc còn tăng rất nhiều, đặc biệt là các vùng nông thôn. Nhiều trường hợp do phát hiện muộn đã bị hôn mê sâu, có trường hợp không cứu được đã bị tử vong và không ít trường hợp đã để lại di chứng tại não không phục hồi được, phải sống đời sống thực vật.

Các nhà khoa học cho biết, cái chết từ than là “cái chết nhẹ nhàng”. Bởi CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, khi ngộ độc sẽ ảnh hưởng đến não, rối loạn nhịp tim, trụy mạch... Bệnh nhân khi hít phải khí độc thường lịm đi không biết gì và chết rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều người cũng bị bỏng nặng do ngã vào bếp than đang cháy. Tất cả các trường hợp còn sống cấp cứu vào nhập viện đều phải thở oxy liều cao 100% trong nhiều giờ đồng hồ.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ than mà sưởi ấm bằng gaz, xăng... nếu không có đủ oxy (phòng khép kín, không có lối thoát) cũng sẽ sản sinh ra chất cacbon mônôxít rất độc nguy hại. Chất này xâm nhập vào cơ thể và gắn chặt với hemoglobin của hồng cầu làm mất khả năng vận chuyển của oxy dẫn tới tình trạng thiếu oxy cho các cơ quan của cơ thể gây tổn thương vỏ não, hệ thần kinh, tim... dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong nhanh chóng trong vòng vài phút.

Sưởi ấm bằng điện phải biết cách

ThS Võ Tường Kha, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thể thao cho biết, vào mùa lạnh, cơ thể hay bị phong hàn xâm nhập gây đau, cứng mỏi, cứng cơ, co thắt mạch máu tại chỗ, đau cơ xương khớp.... Do đó ủ ấm sẽ giúp tuần hoàn máu tốt, tránh bị nhiễm lạnh, tránh viêm khớp, đau bụng...

Trong những ngày thời tiết rét đậm như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, điều hòa, túi giữa nhiệt... là phương án cần thiết để tăng cường nhiệt độ, giữ ấm không chỉ cho trẻ nhỏ, người già mà cả các thành viên cho gia đình. Tuy nhiên, nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm như quạt, điều hòa, phần lớn các thiết bị làm ấm hiện nay là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất đi độ ẩm trong không khí.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để một chậu nước hoặc thiết bị phun sương trong phòng để tạo độ ẩm cho không khí. Trước khi ngủ trong phòng có thiết bị sưởi, nên bôi kem giữ ẩm ban đêm dầy hơn một chút, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già. Đặc biệt, tuyệt đối không được để phóng quá kín. Dù trời lạnh, chạy điều hòa, quạt sưởi cũng cần không khí trong phòng được lưu thông. Nếu phòng ngủ quá kín, lại thêm máy sưởi sẽ gây ra hiện tượng ổ nhiễm không thoát được, khiến con người ngột ngạt, thiếu không khí, mệt mỏi khí thức dậy.

Để tránh ngộ độc, tuyệt đối không nên dùng bếp than để sưởi ấm.Nếu sưởi ấm bằng than củi cũng không được đóng kín cửa. Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu nên đặt bếp ở nơi thông thoáng, có gió để chuyển đổi không khí. Người hay tiếp xúc với bếp than nếu thấy xanh xao, mệt mỏi, đau đầu phải được kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.
 
Khi phát hiện thấy người bị ngộ độc phải mở toang các cửa để không khí lưu thông và nhanh chóng đưa người bị nạn ra chỗ thông thoáng. Trường hợp nạn nhân đã ngưng thờ, thở yếu thì cần phải hà hơi thổi ngạt và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ thở oxy. 
Chia sẻ