Số thai phụ nhiễm virus Rubella ngày càng tăng

Theo DanViet,
Chia sẻ

Những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư mỗi ngày tiếp nhận 20-40 ca sốt phát ban, trong đó đa phần nhiễm virus Rubella, đặc biệt, có nhiều phụ nữ mang thai ba tháng đầu.

Bác sĩ Đỗ Minh Hoàng - khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, sau Tết số ca sốt phát ban nhiều, trung bình mỗi ngày có 30 người đến khám và khoảng 3 ca nhập viện mỗi ngày. Trong đó, từ tháng 1 đến nay đã gặp 30 bệnh nhân Rubella mang thai từ 5 - 13 tuần.

Hai chị em cùng mắc


Bệnh nhân Rubella điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Ngày 23.2, nằm điều trị tại khoa Virus Ký sinh trùng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, chị Hoàng Thị L, 24 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, chị mang thai tuần thứ 14 và là lần mang thai đầu tiên. Cách đây vài ngày, L bị nổi ban đỏ. Cả nhà hoang mang, lo lắng vì trong gia đình L có chị gái cũng vừa bị nhiễm Rubella và họ biết Rubella cực kỳ nguy hiểm cho thai nhi, có khả năng sẽ mắc dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ.

Rubella rất dễ lây theo đường hô hấp, qua không khí, nước bọt, bắt tay nhau... Tốc độ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc gần và môi trường rất nhanh. Điều này lý giải tại sao có người không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Rubella, chỉ cần ở trong môi trường có chứa virus Rubella cũng có thể nhiễm bệnh.

Cùng phòng điều trị với L còn có 4 - 5 thai phụ cũng nhiễm Rubella. Điều đáng nói, đa số đều mang thai dưới 3 tháng. Do vậy, ngay cả các bác sĩ cũng rất ái ngại khi gặp những thai phụ mắc Rubella. "Tôi gặp rất nhiều người khó khăn đường con cái, thậm chí thụ tinh nhân tạo mãi mới đậu thai. Thế mà không may họ lại mắc Rubella trong vài tuần đầu mang thai. Thật sự chúng tôi rất ái ngại khi phải tư vấn" - bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Theo các nghiên cứu, nếu thai phụ nhiễm virus Rubella trong 3 tháng đầu thì 80% để lại dị tật bẩm sinh với trẻ như hở hàm ếch, thiếu chi...

Rất dễ lây lan

Thời điểm này, ngoài phụ nữ mang thai có rất nhiều sinh viên các trường đại học, học sinh bị sốt phát ban phải nhập viện với các triệu chứng nặng. Anh Nguyễn Đình Trung từ Nghệ An ra chăm sóc con gái là sinh viên ở Hà Nội bị Rubella chia sẻ, vết ban của cháu quá dày kèm theo mọc ở mắt, lưỡi… nên cháu được chỉ định nhập viện.

Chị Nguyễn Thị Hoà - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hà Nội cũng cho hay, con chị bị sốt phát ban, xin nghỉ học, cô giáo mới nói trong lớp, trong trường cũng có nhiều bạn bị sốt phát ban xin nghỉ.

Phụ huynh cháu Trần Ngọc Hà, 4 tuổi, Trường Mầm non Xuân Đỉnh (Hà Nội) tâm sự: Cháu nghỉ ở nhà cả tuần nay vì ban nổi đỏ khắp người. Rất may cháu không sốt cao, chỉ ban đỏ nên gia đình chăm sóc tại nhà. Đến nay, dù cháu Hà đã hết ban, nhưng gia đình vẫn cho cháu nghỉ ở nhà để tránh lây cho bạn khác.

Bác sĩ Đỗ Minh Hoàng khuyến cáo, nơi nào nhiều người sốt phát ban, nếu không có việc cần thiết nên hạn chế đến. Người bệnh bị sốt phát ban nên có ý thức phòng cho người xung quanh, chú ý đeo khẩu trang tránh tiếp xúc. Khi ho, hắt hơi nên lấy tay che miệng, xong phải vệ sinh tay để hạn chế nguy cơ lây bệnh.

Nguyên tắc điều trị Rubella là điều trị triệu chứng như hạ sốt, mất nước bù điện giải, nếu ngứa dùng thuốc giảm ngứa (trừ phụ nữ có thai). Tốt nhất bệnh nhân nên đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị...

Chia sẻ