Sai lệch đường tơ, đất trời ngăn cách

,
Chia sẻ

Tháng 8/1994, vào tuổi 83, Ronald Reagan được chẩn đoán bệnh Alzheimer. Ông tâm sự với dân chúng Mỹ: “Bây giờ tôi bắt đầu hoàng hôn của cuộc đời”.

Năm 21 tuổi, Stephen Hawking mắc bệnh teo cơ. Tưởng chỉ còn sống được ba năm theo lời các bác sĩ, chàng trai trẻ phấn đấu không ngừng cho việc nghiên cứu vật lý. Hơn chuyện thần tiên. Gần nửa thế kỷ mang bệnh, luôn trên xe lăn có gắn laptop và giao tiếp nhờ một máy nói mà ông thấy các lỗ đen trong vũ trụ. Sự cống hiến lớn lao vô cùng.

 

Hoàng hôn cuộc đời. Tháng 8.1994, vào tuổi 83, Ronald Reagan được chẩn đoán bệnh Alzheimer. Ông tâm sự với dân chúng Mỹ: “Bây giờ tôi bắt đầu hoàng hôn của cuộc đời”. Bác sĩ của Nhà trắng nói là không thấy gì khi ông làm tổng thống. Có vài lộn xộn. Tiếp Thủ tướng Nhật Nakasone, ông nhiều lần giới thiệu phó tổng thống Bush là “Thủ tướng Bush”.

 

Năm tháng trôi qua, ông chỉ còn nhận ra vài người quen, kể cả bà vợ ông. Từ năm 2001 bà chỉ để vài khách thăm chồng vì “Ronnie muốn mọi người nhớ đến ông với hình ảnh về trước”. Năm 2004, mười năm sau khi bị bệnh Alzheimer, Ronald Reagan mất, 93 tuổi. Quá thọ.

 

Bộ máy truyền thông siêu tuyệt

 

Các nơron. Mô thần kinh có hai loại tế bào chính: các tế bào thần kinh (nơron) và các tế bào đệm. Các tế bào đệm bao quanh các nơron. Não người chứa khoảng 100 tỉ nơron. Các nhánh tua của nơron tiếp nhận tin tức từ nơron khác rồi đưa về thân tế bào. Thân nơron chứa nhân và các thành phần của tế bào. Các nhánh trục (axon) chuyển tin tức từ thân đi. Nơron cảm giác nhận tin tức từ các thụ thể, chuyển về hệ thần kinh trung ương (não và tuỷ sống). Nơron vận động đem thông tin từ trung ương đến các cơ bắp. Nơron liên thông chỉ có ở hệ thần kinh trung ương, nối kết nơron - nơron.

 

Các luồng thần kinh chạy trong nơron như một luồng điện. Chỗ hở giữa hai nơron là khe synap. Các chất dẫn truyền thần kinh (DTTK) có vai trò đưa rước luồng điện thần kinh qua khe synap đến bờ bên kia, gắn vào các thụ thể của nơron kế tiếp, luồng thần kinh chuyển đi theo màng tế bào này.

 

Các chất DTTK là các hoá chất có vai trò chuyển các tín hiệu từ một nơron vượt qua synap đến nơron tiếp. Có hơn 50 loại DTTK chẳng hạn như: acetylcholin, norepinephrin, serotonin, dopamin và endorphin. Dopamin liên hệ với cảm giác vui sướng, thoả thuê... Các endorphin (morphin sẵn trong người) là các chất giống thuốc phiện tạo sự thoải mái và giảm đau như là morphin và heroin nhân tạo. Mất cân bằng của các chất dẫn truyền gây ra các rối loạn thần kinh nghiêm trọng.

 

Đất trời ngăn cách

R.Reagan và vợ


Tấm lòng người vợ

 

Trễ rồi. Từ khi bệnh của chồng được chẩn đoán cho đến lúc ông mất, bà Reagan luôn thúc giục quốc hội và Tổng thống George W. Bush tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc, vụ việc mà Tổng thống Bush "con" chống lại. Năm 2009, Tổng thống Obama thay đổi đường lối của Bush. Trễ rồi!

 

Thương quá các tế bào thần kinh. Trùng trùng điệp điệp khăng khít hoà điệu. Ở đằng đầu có các tua để nhận luồng thần kinh, thân nơron tiếp lấy rồi chuyển theo đến đuôi axon. Các chất dẫn dopamin, glutamat lội qua khe suối synap để đem luồng thần kinh tới bên kia bờ. Vậy mà xui xẻo… các nơron bị hư hại bị chết, rủi mà các chất dẫn truyền không đủ để lội qua khe suối thì ôi thôi: nào Parkinson, nào Alzheimer… Thật là sai lệch đường tơ, ngăn cách đất trời (hào li hữu sai, thiên địa huyền cách - Tăng Xán, Tín Tâm Minh).

 

Tê liệt nơron vận động. Ở nước Anh có một hoặc hai người trên 100.000 dân mắc bệnh teo cơ. Hiếm khi mắc bệnh dưới 40 tuổi. Chỉ có một trong mười người sống trên mười năm. Bệnh teo cơ (ALS-Amyotrophic Lateral Sclerosis) làm tan các mô của hệ thần kinh. Luồng thần kinh dẫn từ não và tuỷ sống đến các bắp cơ bị tổn thương.

 

Glutamat là chất DTTK có nhiều nhất ở não, giúp trí nhớ và việc học hỏi. Trong bệnh teo cơ, glutamat lại tích tụ quá trớn gây độc hại khe synap, gây chết các nơron vận động. Các bắp cơ không thể cử động như ý muốn và bắt đầu teo đi. Khả năng vận động mau chóng bị tiêu tan. Bệnh được tìm ra từ năm 1869 nhưng đến nay không thể trị hết. Chỉ có một thứ thuốc được công nhận: Riluzole (Rilutek) có tác dụng cản chất glutamat, giúp sống thêm vài tháng.


Bệnh Alzheimer. Ở Mỹ có khoảng 4 triệu người bệnh và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ tư (sau bệnh tim, ung thư và đột quỵ). Khoảng 5 - 10% dân số Mỹ trên 65 tuổi mắc bệnh này. Mất dần trí nhớ, giảm khả năng hoạt động thông thường, khó học, khó nói, rối loạn phán đoán, thay đổi tính tình... diễn tiến chậm, nặng dần. Các triệu chứng này là hậu quả của việc thoái hoá nhiều loại nơron trong não. Một trong các triệu chứng sớm là do sự phá huỷ các nơron tiết ra chất acetylcholin. Hiện chưa rõ nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu thấy có sự giảm chất acetylcholin. Các vùng trong não liên hệ đến việc học hỏi, suy luận và trí nhớ bị tổn thương.

 

Những cơn run rẩy. Khoảng 1 triệu người Mỹ đang mắc bệnh Parkinson hàng năm. Có 50.000 - 60.000 người bệnh mới, thường tuổi trên 50. Parkinson là tên thầy thuốc người Anh làm rõ căn bệnh từ năm 1917. Tình trạng xáo trộn thần kinh xảy ra từ từ ngày một nặng thêm do sự thoái hoá của nơron ở một vùng của não có vai trò kiểm soát các cử động.

 

Chất dopamin sụt giảm gây ra sự xáo trộn cử động rất điển hình: cơ thể chịu những cơn run rẩy không kềm được. L.dopa là tiền chất của dopamin được dùng để giảm nhẹ phần nào các triệu chứng bằng cách giúp các nơron sống sót tăng sản xuất dopamin. Arvid Carlsson đề xuất dùng L.dopa chăm sóc người bệnh từ năm 1967, nhận giải Nobel năm 2000.

 

Cuộc gặp gỡ thân tình giữa tổng thống Obama và ông Stephen Hawking

 

Hy vọng. Đầu năm 2010 tại Mỹ, bệnh nhân teo cơ ALS đầu tiên được tiêm các tế bào gốc vào tuỷ sống. Các tế bào gốc thần kinh này có tiềm năng trở thành nhiều loại tế bào thần kinh khác nhau. Các bác sĩ cho biết đây không nhằm trị khỏi bệnh, không thay thế các tế bào vận động bắp cơ mà chỉ bảo vệ các nơron còn hoạt động. Hãy chờ xem.

 

Stephen Hawking nói bệnh tật là phước đức giúp ông tập trung nghiên cứu vũ trụ. Quả thật, ông có đầy nghị lực để vượt qua sự khuyết tật. Phải chăng sức mạnh tinh thần và phần thể chất còn lại đã giúp ông thành người bệnh teo cơ thọ nhất với vô vàn cống hiến.

 

Vẫn chưa rõ nguyên nhân, vẫn còn đang tìm tòi trị bệnh Parkinson, Alzheimer… Bây giờ làm sao đây? Luôn chăm lo thân thể. Phải nâng niu các tế bào thần kinh. Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui. Yêu thương thiên nhiên, cùng chăm sóc môi trường sống!


Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

SGTT

Chia sẻ