Sa sàn chậu, tai họa thình lình

,
Chia sẻ

Những nhận định ban đầu cho rằng bệnh xảy ra với phụ nữ lớn tuổi, sinh nở nhiều hiện đã phải thay đổi, khi thực tế khám ghi nhận ngày càng nhiều phụ nữ còn trẻ bị sa sàn chậu.

Bệnh… “ba trong một”

Về hình thể học, khung chậu gồm các xương chậu và xương thiêng kết hợp tạo thành một khối giống hình chậu ở phần dưới bụng, bên trong có chứa bàng quang, tử cung và trực tràng ống hậu môn. Cả ba cơ quan này đều có lỗ thoát ra ngoài và đảm nhiệm chức năng bài tiết quan trọng. Sàn chậu là phần đáy khung chậu, cấu thành bởi các cơ và dây chằng, giúp nâng đỡ ba cơ quan trên. Để điều khiển chức năng bài tiết là cơ chế động lực học phức tạp chi phối bởi các cơ, dây chằng, thần kinh, tâm sinh lý, thần kinh tủy sống, tập quán…

Trước đây, khi có rối loạn đường tiểu thì các nhà chuyên khoa tiết niệu điều trị, khi có rối loạn phụ khoa thì các nhà sản phụ khoa điều trị, khi bệnh nhân táo bón hay rối loạn thoát phân thì các nhà hậu môn học điều trị. Sự phân chia trách nhiệm điều trị như vậy không cải thiện bệnh, do điều trị rối loạn tiểu như tiểu không tự chủ xong bệnh nhân lại phải sang các bác sĩ sản phụ khoa để điều trị sa sinh dục, rồi lại phải sang nhà hậu môn học điều trị đi cầu mất tự chủ.

Trên cơ sở những nghiên cứu của các chuyên khoa học tiết niệu, sản phụ khoa và hậu môn trực tràng học, người ta bắt đầu công nhận nguyên nhân gây rối loạn hình thể học (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng…), rối loạn động lực học (rối loạn đi tiểu, giao hợp đau, rối loạn sự thoát phân…) có cùng nguyên nhân sa sàn chậu.

Nếu giải quyết được sa sàn chậu thì giải quyết được các rối loạn của ba cơ quan vùng chậu cùng thời điểm. Từ đây các nhà tiết niệu học, sản phụ khoa, hậu môn trực tràng học đã ngồi lại với nhau và thành lập môn sàn chậu học. Họ đưa ra lý thuyết về ba trục của ba cơ quan tiết niệu, sản phụ khoa và hậu môn trực tràng.

Rất khó phòng ngừa

Các rối loạn xảy ra trên ba trục sàn chậu học thường là: tiết niệu (đi tiểu khó, tiểu mất tự chủ…), sản phụ khoa (sa sinh dục, giao hợp khó...), hậu môn trực tràng (rối loạn thoát phân, đi cầu mất tự chủ….). Cũng từ ba trục, người ta nhận thấy khi có hiện tượng sa sàn chậu thì đều xuất hiện các triệu chứng ở ba chuyên khoa, ví dụ sa sinh dục kèm theo rối loạn đi tiểu (như đi tiểu són mất tự chủ), nếu điều trị tác động lên sàn chậu sẽ cải thiện cùng lúc cả ba chuyên khoa đã nói.

Sa sàn chậu là một bệnh mới được nghiên cứu gần đây. Cách đề phòng hầu như chưa được đề cập vì bệnh xảy ra do yếu tố cơ học là sự sa giãn của các cơ vùng chậu do sanh đẻ, lao động nặng nhọc... nên rất khó phòng ngừa. Mặc dù trên lý thuyết bệnh xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi nhưng thực tế thăm khám vẫn gặp cả ở những phụ nữ trẻ hay trung niên.

Việc chẩn đoán chính xác các tổn thương gây ra chứng bệnh này đòi hỏi đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học tối tân như chụp cộng hưởng từ động học MRI Dynamic, các phương tiện đo chức năng hoạt động của các cơ sàn chậu như máy đo điện cơ EMG, Analmetry…

Do đây là bệnh xảy ra ở phụ nữ, các triệu chứng bao gồm cả ba chuyên khoa: tiết niệu, phụ khoa và hậu môn nên biểu hiện của bệnh đa dạng và phối hợp nhiều triệu chứng với nhau. Khi có triệu chứng về tiết niệu, các bác sĩ sẽ phải thăm khám cả phần phụ khoa lẫn hậu môn để đừng bỏ sót các thương tổn này.

Các chuyên khoa hậu môn và phụ khoa cũng vậy, sẽ chú ý đến cả triệu chứng của các phần khác ở vùng chậu. Khi làm được như vậy mới cải thiện được phương pháp điều trị tổng hợp về sàn chậu cho bệnh nhân.

Theo ThS.BS Dương Phước Hưng

SGTT

Chia sẻ