Phụ nữ và hội chứng suy nhược thần kinh

,
Chia sẻ

Ngày càng nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm, bị stress và mắc hội chứng suy nhược thần kinh (SNTK). SNTK điều trị như thế nào?

SNTK là gì?

SNTK là trạng thái rối loạn thần kinh phổ biến nhất, chiếm đến 60 - 70% số lượt khám bệnh tại các khoa thần kinh và tâm thần, với các lý do đi khám bệnh như: suy nhược, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi đầu óc... Bệnh thường gặp ở những người lao động trí óc hơn là những người lao động chân tay, đặc biệt ở phụ nữ. Tuổi thường thấy bị bệnh lý này từ 18 - 45, khi mà cuộc sống vẫn còn nhiều việc để đấu tranh và phấn đấu.

Nguyên nhân SNTK

Nguyên nhân tâm lý, nhất là tình trạng căng thẳng (stress) quá mức làm mất cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế, hoặc làm đồng tăng thêm hoặc đồng giảm đi các quá trình này dẫn đến SNTK. Các nguyên nhân thường dẫn đến căng thẳng quá mức như: cuộc sống khó khăn, mâu thuẫn gia đình kéo dài, thất bại trong học tập, công việc, cố gắng kiềm chế tình cảm quá mức để không thể hiện ra ngoài những ý nghĩ, mong muốn và tình cảm chân thực của bản thân…

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu sớm thường là: nhanh mệt mỏi, khó tập trung vào công việc, ăn kém ngon, ngủ không sâu giấc.

Đến giai đoạn điển hình có các triệu chứng sau:

- Thường kêu ca phàn nàn, mệt mỏi, dai dẳng tăng lên sau một cố gắng trí óc hoặc một cố gắng tối thiểu về thể lực. Tự nhiên đau mỏi cơ bắp, khả năng làm việc sút kém, chóng mệt, hiệu quả thấp.

- Kém kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ kích thích, nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Khi có ý định làm việc gì, bệnh nhân muốn nôn nóng làm ngay nhưng khó làm, lại mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc.

- Dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, khí sắc giảm.

- Đau đầu: đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, có cảm giác như đội mũ, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng.

- Mất ngủ: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say, hay có mộng, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi mất ngủ trắng đêm, nếu mất ngủ kéo dài thấy quầng mắt bị thâm, sáng dậy bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ngáp vặt.

- Giảm trí nhớ: bệnh nhân giảm cả trí nhớ gần và trí nhớ xa nhưng đặc biệt là trí nhớ gần, học hành sút kém và khó tiếp thu cái mới.

- Rối loạn thần kinh thực vật như: hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Điều trị

Liệu pháp tâm lý là phương pháp cơ bản trong điều trị bệnh cảnh này. Thuốc men cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm dứt các triệu chứng lâm sàng như: nhức đầu, mất ngủ, giảm mệt mỏi, suy yếu tình dục, ám ảnh, trầm cảm... Vấn đề sử dụng thuốc là của bác sĩ, bạn nên tuân thủ đúng theo toa thuốc và không được tự ý uống thêm thuốc gì khi không có ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý những điều sau:

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đủ là một trong những cách làm cho tinh thần phấn chấn, nhưng phải ngủ như thế nào để hỗ trợ điều trị SNTK? Ngủ tối, khi ngủ phải tắt hết đèn. Từ thập niên 1950, người ta đã biết tính an thần của melatonin và ngày nay nhắc đến rất nhiều như là thuốc “trường sinh”. Melatonin là nội tiết tố của tuyến tùng trong não, có công thức hóa học là N-acetyl-5- methoxytryptamine. Chất này được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm trong giấc ngủ khi mí mắt không nhận được ánh sáng. Vì vậy, chúng ta nên ngủ không có ánh sáng đèn.

Giải trí

Do SNTK là một bệnh rối loạn cơ năng hoạt động của thần kinh cao cấp gây ra các triệu chứng nhức đầu, do đó người bệnh phải có một tinh thần thoải mái. Bằng cách lên kế hoạch cho những chuyến dã ngoại ở vùng quê, vùng biển - nơi có không khí trong lành. Đơn giản hơn, người bệnh có thể giải trí bằng cách nghe nhạc, xem phim, chăm sóc vườn hoa, cây kiểng.

Vận động thường xuyên

Mỗi buổi sáng nên đi bộ bước đều lúc nhanh, lúc chậm khoảng 45 phút. Hoặc có thể tập tại chỗ các động tác tay, chân, gót, lưng, bụng, cổ, vai, gáy (như bài Thái cực quyền, Bát đoạn cẩm…) thời gian 15 phút.

Theo BS. THẾ ANH
SK&ĐS
Chia sẻ